Nếu tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá, kể cả nếu năm 2014 giảm tỷ giá 1-2% nhưng lạm phát lại tăng đến 7% thì sẽ tích tụ áp lực tăng tỷ giá trong các năm tiếp theo.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế của Việt Nam luôn phải đối mặt với tình trạng khó khăn phải lựa chọn giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Kinh nghiệm của nhiều năm trước đây cho thấy nguyên nhân gốc rễ nằm ở chính sách tài khóa nhiều hơn, còn nguyên nhân tiền tệ là thể hiện bề mặt. Nếu chỉ dựa vào chính sách tiền tệ thì không thể thực sự tăng hiệu quả của nền kinh tế và lạm phát cao sẽ trở lại vào năm tiếp theo do chi tiêu ngân sách thực hiện vẫn luôn “phình to”, thể hiện rõ nhất qua cố gắng bơm thêm đầu tư công trong nửa sau của mỗi năm, mặc dù mức độ thất thoát cao và hiệu quả thấp vốn có của các khoản chi tiêu này.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 thì chính sách tài khóa đã được dự kiến nới lỏng mạnh mẽ so với các năm trước: thâm hụt ngân sách được Quốc hội phê duyệt ở mức 5,3% GDP. Đây là mức thâm hụt theo dự toán cao nhất từ năm 2006 đến nay và tăng xấp xỉ gấp đôi mức phát hành trái phiếu chính phủ đến năm 2015. Có lo ngại là thâm hụt ngân sách trên thực tế sẽ không dừng ở mức 5,3%.
Trong năm 2012-2013 ổn định kinh tế vĩ mô, tiền đề cho tăng trưởng và phát triển đã đạt được kết quả bước đầu nhưng chưa vững chắc. Lạm phát được kiềm chế, tỷ lệ lạm phát giảm rõ rệt: năm 2012 là 6,81%, năm 2013 là 6,04%, 3 tháng đầu năm 2014 là 0,8% so với tháng 12/2013 nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 4.83%.
Mục tiêu lạm phát được Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho năm 2014 là 7%. Nhưng với mức bội chi được phê duyệt là 224.000 tỷ đồng (5,3% GDP) và 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (7,5% GDP, gấp hơn 2 lần mức trái phiếu bình quân năm đã được phê duyệt trong kế hoạch 5 năm) và nhu cầu phát hành tiền để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết khác của nền kinh tế như quốc phòng an ninh, xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại… thì sức ép tăng lạm phát năm 2014 thậm chí có thể còn vượt quá mục tiêu 7%, nếu không có những giải pháp khác hơn so với các năm trước. Điều đó phản ánh xu thế kinh tế vĩ mô chưa được cải thiện rõ rệt, ưu tiên ổn định kinh tế chưa được tiếp tục duy trì.
Trong khi đó tốc độ tăng trưởng chưa phục hồi: Năm 2012 là 5,03%, năm 2013 là 5,42%; Tăng trưởng kinh tế quý 1 năm 2014 là 4,96%, cao hơn 4,76% của quý 1 năm 2013, và 4,75% của quý 1 năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với năm 2010 và 2011.
Với mục tiêu năm 2014 là tăng trưởng GDP 5,8% và lạm phát 7% thì tăng trưởng vẫn tiếp tục xu hướng thấp hơn lạm phát. Theo kế hoạch thì năm 2014 chênh lệch này là 1,2%, gấp đôi năm 2013, ở mức 0,6% (Lạm phát 6% – GDP 5,4%=0,6%), tức là thực tế kinh tế chưa được cải thiện, phát triển âm.
So với yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô thì lạm phát 7% là rất cao. Mục tiêu này cũng rất cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Với mức lạm phát 7%/năm thì lãi suất không thể tiếp tục giảm đáng kể, sản xuất kinh doanh khó có điều kiện phục hồi, càng thêm kiệt quệ.
Thành tích ổn định tỷ giá năm 2013 là rất tích cực nhưng nếu tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá, kể cả nếu năm 2014 giảm tỷ giá 1-2% nhưng lạm phát lại tăng đến 7% thì sẽ tích tụ áp lực tăng tỷ giá trong các năm tiếp theo. Lạm phát 7% sẽ làm cho đồng tiền lên giá tương đối so với các nước nếu không điều chỉnh tỷ giá tương ứng, nếu muốn duy trì năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng nhập khẩu. Còn nếu điều chỉnh tỷ giá thì lại dẫn đến hậu quả đẩy lạm phát tăng lên.
Như vậy, ổn định tỷ giá cần đi kèm giảm lạm phát mới không gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Mục tiêu lạm phát đã thông qua cho năm 2014 là 7% nhưng mục tiêu điều hành nên nhắm tới 5%, tiến tới năm 2015 lạm phát chỉ ngang bằng ở mức cao so với các nước trong khu vực (khoảng 4%). Điều này đặc biệt quan trọng do nền kinh tế hội nhập rộng hơn vào năm 2015 khi Hiệp định ASEAN-Trung Quốc về cắt giảm thuế quan bắt đầu có hiệu lực.
Nếu không có những giải pháp khắc phục, theo các chuyên gia, thì năm 2014 sẽ lặp lại lối mòn tăng trưởng dựa vào phát hành tiền cho chi tiêu ngân sách, hậu quả là làm gia tăng lạm phát mà để kiềm chế thì lại phải tăng lãi suất. Niềm tin đang được phục hồi của nhà đầu tư vào điều hành kinh tế ổn định của Chính phủ sẽ hoàn toàn bị dập tắt và không còn khả năng tái lập. Tăng mạnh thâm hụt ngân sách khi chưa tái cơ cấu chi tiêu công, tái cơ cấu đầu tư còn tạo ảnh hưởng tiêu cực, gây chèn ép khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư hiệu quả và tái cơ cấu DNNN, khâu then chốt của tái cơ cấu kinh tế – sẽ lại bị trì hoãn.
Thành Hưng