Sau bài viết người Việt có xu hướng bỏ sedan giá rẻ để chuyển sang mua SUV cỡ nhỏ đa dụng, nhiều người trở nên băn khoăn rằng cỡ A hay B mới là phù hợp với đại đa số.
Xe SUV đang ngày càng trở nên phổ biến đối với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là phân khúc SUV đô thị bởi sự gọn gàng, phù hợp di chuyển hàng ngày cùng mức giá hợp lý. Nếu so với thời điểm cách đây 5 năm, thị trường hiện tại đã sôi động hơn với sự xuất hiện của hàng loạt dòng xe mới.
Trong tầm giá dưới 700 triệu đồng, khách hàng chọn mua SUV cỡ nhỏ dễ dàng bị rơi vào ma trận sản phẩm do có quá nhiều lựa chọn với hơn 10 mẫu xe, từ nhóm xe hạng A đến nhóm xe hạng B. Đây được xem là phân khúc dành được nhiều sự quan tâm của nhóm khách hàng cá nhân và gia đình lần đầu mua xe hay muốn chuyển từ sedan lên xe gầm cao. Vậy đâu là lựa chọn hợp lý nhất trong tầm giá này?
SUV hạng A: Giá mềm, thiếu sự thoải mái
Khái niệm xe gầm cao hạng A hay A+ xuất hiện tại Việt Nam cách đây chỉ hơn 2 năm. Tuy nhiên, ở các thị trường khác tại châu Á, phân khúc này đã tồn tại từ khá lâu với những cái tên phổ biến như Daihatsu Rocky, Suzuki Ignis hay Hyundai Casper.
Phân khúc xe gầm cao hạng A khi được mang về Việt Nam đã tạo không ít áp lực với nhóm xe hatchback hạng A nhờ mức giá dễ tiếp cận, chỉ từ hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, lợi thế về khoảng sáng gầm giúp SUV hạng A thích ứng được nhiều điều kiện đường sá hơn.
Sau hơn 2 năm xuất hiện trên thị trường, phân khúc này đến nay vẫn chưa có quá nhiều sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn. Ngoài bộ đôi quen thuộc Kia Sonet và Toyota Raize được giới thiệu vào cuối năm 2021, thị trường hiện chỉ có thêm Hyundai Venue cũng như mẫu xe điện VinFast VF 5 Plus.
“Người tiên phong” Kia Sonet thu hút khách hàng bằng thiết kế hiện đại, nhiều trang bị tiện nghi. Trong khi đó đối thủ đồng hương Hyundai Venue được nhiều người đánh giá cao về khối động cơ tăng áp 1.0L kết hợp cùng hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp – trang bị hiếm hoi trong phân khúc SUV hạng A. Điểm trừ chung của 2 mẫu xe thuộc thương hiệu Hàn Quốc này là sử dụng hộp số tự động vô cấp CVT, trang bị này tuy giúp tiết kiệm nhiên liệu nhưng đồng thời cũng giảm đi phản ứng linh hoạt mỗi khi đạp ga tăng tốc.
Toyota Raize ghi điểm loạt trang bị an toàn cũng như “mác” xe nhập khẩu. Tuy nhiên, sức mạnh của mẫu xe này khá thấp dù sử dụng khối động cơ có dung tích xy-lanh lớn nhất phân khúc. Một điểm trừ khác của mẫu xe nhà Toyota là chỉ có duy nhất một phiên bản.
Ngoài những ưu và nhược điểm riêng nêu trên, nhóm xe SUV hạng A còn gặp phải một vấn đề chung là không gian bên trong khá chật hẹp. Với chiều dài thân xe chỉ khoảng 4.000 mm và trục cơ sở 2.500 mm, người dùng khó tìm được sự thoải mái khi bước vào nội thất, đặc biệt là hàng ghế sau. Điều này có thể không phải là vấn đề quá lớn với những khách hàng mua xe cho cá nhân, tuy nhiên đây sẽ là điều đáng để cân nhắc cho những ai mua xe để phục vụ gia đình hay có ý định chạy dịch vụ.
SUV hạng B: Giá cao hơn nhưng đổi lại được nhiều thứ
Dù không có giá bán hấp dẫn như nhóm SUV hạng A, phân khúc xe gầm cao hạng B lại là nhóm sản phẩm xe gầm cao tầm giá dưới 700 triệu đồng được nhiều người Việt Nam quan tâm hơn. Điều này dễ dàng nhận ra thông qua mức doanh số đạt hơn 3.000 xe chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, trong khi nhóm SUV hạng A chỉ khoảng 2.000 xe.
Không khó để lý giải điều này bởi nhóm sản phẩm xe gầm cao đô thị thường được khách hàng gia đình lựa chọn, nhóm khách hàng này yêu cầu một chiếc xe đủ rộng rãi, tiện nghi, nhiều trang bị an toàn, và tất nhiên giá bán không phải là ưu tiên hàng đầu. Phân khúc SUV hạng B tuy có giá nhỉnh hơn đôi chút nhưng đồng thời cũng đáp ứng được những thứ người dùng tìm kiếm.
Tại Việt Nam, nhóm xe gầm cao hạng B được xem là phân khúc “khốc liệt” nhất bởi sự đông đảo về số lượng sản phẩm. Sự cạnh tranh gay gắt này được thể hiện rõ khi chỉ trong quý I/2024 đã có 2 mẫu xe giảm giá bán để tạo sự hấp dẫn cho khách hàng.
Danh sách mẫu xe trong phân khúc này nổi bật từ những cái tên quen thuộc như Kia Seltos, Hyundai Creta, Honda HR-V… cho đến những làn gió mới được giới thiệu trong thời gian gần đây, tiêu biểu nhất có thể kể đến là Mitsubishi Xforce – mẫu xe vừa chào sân thị trường Việt Nam vào đầu năm nay.
Xét trong tầm giá dưới 700 triệu đồng, Xforce phiên bản GLX được xem là cái tên đáng để cân nhắc. “Tân binh” này ghi điểm bằng kích thước thuộc diện lớn nhất phân khúc, mang đến không gian khoang lái rộng rãi hơn nhiều đối thủ. Ngoài ra, trang bị và công nghệ an toàn trên Xforce bản thấp cũng nhỉnh hơn nhiều mẫu xe khác trong phân khúc với đèn LED gương cầu, đèn hậu LED, 4 túi khí và đặc biệt là hệ thống kiểm soát vào cua chủ động AYC.
Về sức mạnh, Mitsubishi Xforce GLX không phải là một chiếc xe thiên về hiệu năng khi công suất chỉ dừng ở mức 104 mã lực, thay vào đó mẫu xe này hướng đến cảm giác lái êm ái nhờ hộp số CVT, đi kèm là tính năng giả lập cấp số và tính năng O/D giúp người dùng tự tin hơn mỗi khi cần tăng tốc.
Từ đầu tháng 3, Mitsubishi Việt Nam điều chỉnh giá bán của Xforce với mức giảm 19-21 triệu đồng, trong đó bản GLX nhận được mức giảm cao nhất. Với giá bán mới 599 triệu đồng, Mitsubishi Xforce trở thành một trong những mẫu SUV hạng B có giá bán thấp nhất thị trường. Có thể thấy Xforce GLX đang là lựa chọn “hời” nếu xét về tương quan giá bán và trang bị vào thời điểm hiện tại.