2 bài tập này vừa giúp giảm cân, giữ tinh thần thư thái, vừa giúp kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả.
Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách phổ biến và hiệu quả nhất để rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc vận động đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định đường huyết. Do đó, các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh nên thường xuyên tập thể dục hay tập luyện một số môn thể thao như chạy bộ hay bơi lội để cải thiện tình trạng bệnh.
Theo các chuyên gia, việc tập luyện 2 bộ môn này có thể làm giảm đáng kể tình trạng kháng insulin của bệnh nhân tiểu đường và giúp kiểm soát đường huyết ổn định hơn.
Dẫu vậy, không chỉ có chạy bộ hay bơi lội mỗi ngày là giảm được lượng đường trong máu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bị tiểu đường cũng có thể tập luyện thêm 2 dạng bài tập dưới đây để cải thiện tình trạng bệnh. Những bài tập này không đòi hỏi bạn phải vận động hay mất sức quá nhiều nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao. Bạn cũng có thể tham khảo để tăng cường sức khỏe cho bản thân.
1. Thái cực quyền
Tập luyện thái cực quyền là phương pháp rèn luyện sức khỏe và thể chất hiệu quả người tiểu đường nên áp dụng.
Một phân tích tổng hợp của 14 nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Bệnh tiểu đường đã kết luận rằng đây là bộ môn giúp những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 kiểm soát lượng đường trong máu và mức A1C của họ. Theo đó, tập luyện bộ môn này sẽ giúp cải thiện sự cân bằng, tính linh hoạt và sức mạnh, có thể làm giảm tổn thương thần kinh – một biến chứng phổ biến ở những người mắc bệnh đái tháo đường, có lượng đường trong máu không được kiểm soát tốt.
Nghiên cứu do Đại học Queensland (Úc) thực hiện trên 11 người bị bệnh tiểu đường khi để họ tham gia 3 buổi học thái cực quyền mỗi tuần, mỗi buổi kéo dài 60-90 phút cũng đã cho thấy ngoài công dụng giảm lượng đường trong máu, bộ môn này còn giúp họ giảm cân, hạ huyết áp. Khả năng kháng insulin cũng tăng cường. Họ còn ngủ ngon hơn, khỏe khoắn hơn, từ đó giúp kéo dài tuổi thọ một cách hiệu quả.
2. Tập kháng lực
Tập kháng lực là hình thức tăng sức mạnh cho cơ bắp thông qua việc để cho cơ bắp tự chống lại với một lực hoặc trọng lượng nhất định. Quá trình tập kháng lực nhất quán và thường xuyên giúp cơ bắp trở nên khỏe hơn. Bài tập kháng lực không cần đến các thiết bị hiện đại mà chỉ bằng các sợi dây thun với khả năng đàn hồi và lực co giãn tốt nhưng vẫn đem lại hiệu quả tương đương với bài tập sức mạnh bằng thiết bị máy móc.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ bắp là nơi chính để tiêu thụ glucose. Sau khi tập kháng lực, thời gian cơ bắp hấp thụ và sử dụng glucose sẽ kéo dài trong vài giờ. Bài tập này có thể hạ huyết áp và lipid máu, cải thiện và tối ưu hóa mật độ xương, giúp cải thiện độ nhạy insulin và ổn định lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường.
Dù bài tập đề kháng mang lại tác dụng rất tích cực với người mắc bệnh tiểu đường tuy nhiên người bệnh nên tập luyện dạng bài tập này với cường độ vừa phải, có thể bắt đầu bằng những bài tập cơ bản và dễ dàng nhất.
2 lưu ý người bị tiểu đường nên nhớ khi tập thể dục
1. Không tập thể dục quá sức
Người bệnh tiểu đường không nên tập luyện quá gắng sức mà nên tập luyện phù hợp với bản thân. Việc tập quá nặng sẽ làm tiêu hao năng lượng quá mức gây tụt đường huyết nhanh, đồng thời tăng biến chứng tiểu đường.
Không chỉ người bị tiểu đường, người bình thường cũng nên tập luyện vừa phải. Trung tâm Đái tháo đường John Hopkins (Mỹ) cho biết, tập thể dục quá sức có thể làm tăng nồng độ hormone adrenaline, từ đó kích thích gan giải phóng thêm glucose vào máu. Nếu không thể chuyển hóa hết lượng glucose này, chúng sẽ tích tụ trong máu và khiến lượng đường huyết tăng cao. Do đó, hãy tập luyện một cách khoa học để cơ thể khỏe mạnh hơn
2. Bổ sung nước
Uống nước trong khi tập thể dục là rất quan trọng để giữ cho cơ thể đủ nước. Mất nước trong khi tập thể dục có thể gây ra các triệu chứng tương tự như hạ đường huyết, bao gồm mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, choáng váng và khó tập trung…Do đó, người bị tiểu đường khi tập luyện phải chú ý bổ sung nước cho cơ thể kịp thời để tránh những biến chứng không đáng có cho sức khỏe.
(Tổng hợp)