Chi nhánh CTCP Tập đoàn Trung Nguyên – Nhà máy cà phê Sài Gòn đứng thứ 16 trong bảng xếp hạng với kim ngạch đạt hơn 114 triệu USD.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), từ tháng 10-2023 đến tháng 9-2024 (niên vụ cà phê 2023-2024), Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê. Lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch lại tăng tới 33,1%, lên mức 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay.
“Ông vua” xuất khẩu cà phê trong niên vụ cà phê 2023-2024 gọi tên Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) với kim ngạch hơn 520 triệu USD. Niên vụ 2022-2023 trước đó, doanh nghiệp này đứng ở vị trí thứ 2 với kim ngạch chỉ 244 triệu USD.
Trong danh sách, Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên – Nhà máy cà phê Sài Gòn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng thứ 16 với kim ngạch đạt hơn 114 triệu USD.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp do ông Thái Như Hiệp (SN 1963), Phó Chủ tịch VICOFA, sáng lập và là Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có 3 sản phẩm chính là cà phê nhân, hồ tiêu và cà phê thương hiệu L’amant Café và là doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất cà phê hữu cơ.
Tháng 9/2024, công ty vừa tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng, trong đó, ông Thái Như Hiệp góp 67,9% vốn, bà Trần Thị Lan Anh góp 3,21% vốn.
Theo Báo Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hiện đang liên kết với người dân sản xuất 28.000 ha cà phê, chiếm gần 30% tổng diện tích cây cà phê toàn tỉnh.
Vĩnh Hiệp cũng cho biết, công ty là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có nông trại đạt chứng nhận hữu cơ USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, EU Organic, JAS, Korea Organic và các chứng nhận quốc tế như Fair Trade, Rain Forest, 4C,…
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp được thành lập năm 1991 tại Quận 6, Tp Hồ Chí Minh. Công ty khi mới được thành lập chỉ bắt đầu với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng với 6 công nhân trong một nhà kho có diện tích là 500m2. Doanh nghiệp ban đầu chủ yếu chế biến, gia công và cung cấp các mặt hàng nông sản như đậu phộng, mè đen, tiêu, vàng, đậu trắng, ớt khô, gừng khô, … cho các Công ty xuất sang các thị trường Nga và Algeria.
Đến năm 1999, Vĩnh Hiệp đặt văn phòng chính thức tại Tp Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đồng thời cũng mở rộng về quy mô sản xuất, phát triển hệ thống dây chuyền nhà máy và tập trung vào chế biến mặt cà phê tiêu điều cho các đối tác xuất khẩu.
Năm 2004, công ty hoàn tất chuyển đổi thành Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và bắt đầu xuất khẩu trực tiếp vào thị trường nước ngoài.
Hiện nay, Vĩnh Hiệp xuất khẩu cà phê đến 60 quốc gia, đưa hơn 80.000 tấn cà phê của Việt Nam đến khắp 5 châu mỗi năm.
Năm 2017, Công ty cho ra đời thương hiệu L’amant Café. Đến nay, các sản phẩm của thương hiệu cũng đã được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm những thị trường “nổi tiếng khó tính” như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, sau 2 năm đàm phán, ngày 19/3/2024, Vĩnh Hiệp đã thành công xuất khẩu lô hàng cà phê nhân xanh hữu cơ đầu tiên của Công ty sang thị trường Nhật Bản.
Hiện nay, Vĩnh Hiệp có 1 nhà máy chế biến cà phê nhân chất lượng cao tại Khu Công nghiệp Trà Đa với diện tích gần 70.000 m2, công suất 100.000 tấn cà phê/năm; 1 nhà máy chế biến cà phê bột, rang xay khép kín tại 404 Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku với diện tích 5.000 m2, công suất 2.000 tấn/năm.
Tại tỉnh Bình Dương, Công ty có 1 nhà máy chế biến cà phê nhân tại Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên-tỉnh Bình Dương; diện tích tổng thể là 14.000 m2 và công suất đạt 50.000 tấn cà phê/năm.