Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ tác động gì đến kinh tế Việt Nam? Giá vàng, tỷ giá đồng loạt giảm; CEO Ngân hàng Quân đội hát nhảy ‘Bên trên tầng lầu’ gây sốt; Thống đốc Ngân hàng nói về áp lực khi xảy ra rút tiền hàng loạt tại SCB; Đề xuất áp dụng giá điện 2 thành phần… là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.
Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ tác động gì đến kinh tế Việt Nam ?
Sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kết thúc, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào những gì chính quyền mới của ông Donald Trump sẽ làm khi nhậm chức vào tháng 1/2025. Nhiều nước lo ngại về tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia của VinaCapital tin rằng những rủi ro này đã bị đẩy lên quá mức cần thiết.
Ông Trump đã chứng tỏ rằng sẽ không đặt lý tưởng lên trên yếu tố kinh tế.
Chuyên gia của VinaCapital cho biết, Mỹ đang mở rộng mối quan hệ kinh tế tích cực với Việt Nam , ở cấp cao nhất của Chính phủ Mỹ. Hơn nữa, ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân túy và Việt Nam được cử tri Mỹ đánh giá cao. Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự phản đối nào đối với việc tiêu thụ các sản phẩm “made in Vietnam” từ người tiêu dùng Mỹ.
Trên thực tế, Việt Nam có thể được xem là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ thoát khỏi việc phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ. Bởi mức lương cao và sự khan hiếm công nhân có tay nghề sẽ hạn chế nỗ lực của Mỹ trong việc đưa các công việc sản xuất trở về, chỉ tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 100 tỷ USD với Mỹ vào năm ngoái, trở thành quốc gia có cán cân thương mại lớn thứ 3 với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico.
“VinaCapital tin rằng, Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định dưới thời chính quyền ông Trump. Mặc dù có thể Mỹ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng Mỹ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam”, đại diện VinaCapital nói.
Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm
Chiều 9/11, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, báo chí có đặt câu hỏi về việc quản lý của cơ quan với các sàn thương mại điện tử Temu, Shein .
Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Hoàng Long – Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho biết, với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ đã làm việc với cơ quan pháp lý của các sàn Temu, Shein. Trong đó, yêu cầu khẩn trương đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương theo quy định pháp luật Việt Nam trong tháng 11 này.
“Trong thời gian triển khai đăng ký, phải thông báo với người tiêu dùng là đang thực hiện thủ tục đăng ký. Cùng với đó, Temu, Shein phải dừng tất cả hoạt động thương mại, quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam để bảo vệ người tiêu dùng”, ông Long cho hay.
Temu liên tục bị cảnh báo.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sàn này khẩn trương nghiên cứu các pháp luật khác có liên quan đến thương mại điện tử như hải quan, thuế. “Các sàn Shein và Temu đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và trong tháng 11, hai sàn này sẽ đăng ký hoạt động tại Việt Nam”, ông Long cho hay.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, sau thông báo, nếu các sàn này không tuân thủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra, cảnh báo người tiêu dùng nguy cơ rủi ro với các sàn thương mại điện tử chưa được cấp phép”, ông Long nói.
Giá vàng, tỷ giá đồng loạt giảm
Sáng 10/11, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC 82 – 85,8 triệu đồng/lượng, giảm 700.000 đồng/lượng so với sáng qua. Chênh lệch mua vào – bán ra 3,8 triệu đồng/lượng.
Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Doji niêm yết giá vàng miếng 86 triệu đồng/lượng bán ra, giảm nửa triệu đồng/lượng so với sáng qua.
Giá vàng SJC giảm (ảnh: Như Ý).
Như vậy, sau một ngày tăng 1 triệu đồng/lượng sau khi lao dốc đến 4 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC lại tiếp tục giảm. 3 hôm gần đây, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp để mức chênh lệch mua vào – bán ra nới rộng từ mức 2 triệu đồng/lượng lên gần 4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh giảm theo từ 200.000 – 300.000 đồng/lượng tuỳ từng thương hiệu. Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng nhẫn. 83,35 – 85,15 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 83,32 – 85,12 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới niêm yết 2684 USD/ounce, giảm 14 USD/ounce so với sáng qua.
Trên thị trường tiền tệ, sau khi Fed giảm 0,25% lãi suất, tỷ giá USD cũng hạ nhiệt theo.
CEO Ngân hàng Quân đội hát nhảy ‘Bên trên tầng lầu’ gây sốt
Tối 2/11, tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB), Tổng giám đốc Phạm Như Ánh gây bất ngờ cho toàn bộ khán giả khi vừa hát, vừa nhảy trình diễn ca khúc “Bên trên tầng lầu” cùng ca sĩ Tăng Duy Tân.
Clip ca khúc “Bên trên tầng lầu” do Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh cùng ca sĩ Tăng Duy Tân trình diễn, được lan truyền rộng rãi, tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội, thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận và khen ngợi về tinh thần sáng tạo, cởi mở và năng động của ban lãnh đạo MB.
Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh (thứ 2 từ trái qua) cùng ca sĩ Tăng Duy Tân (thứ 3 từ trái qua) với màn vũ đạo trong ca khúc “Bên trên tầng lầu”.
Ông Phạm Như Ánh năm nay 44 tuổi, được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc MB từ ngày 18/5/2023. Trước đó, ông Ánh là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành MB.
Ông Phạm Như Ánh tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh – Viện Quản trị kinh doanh UBI – Bỉ, cử nhân kinh tế chuyên ngành quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Đà Nẵng.
Ông Ánh có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính – ngân hàng. Tại MB, ông Phạm Như Ánh từng đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của ngân hàng như giám đốc chi nhánh, giám đốc khối, thành viên ban điều hành.
Giai đoạn 2007 – 2017, với vai trò là giám đốc một số chi nhánh, ông Phạm Như Ánh đã dẫn dắt các chi nhánh dẫn đầu khu vực miền Trung và miền Nam. Tháng 4/2017, ông được giao đảm nhiệm vị trí Giám đốc khối Khách hàng lớn (CIB).
Tháng 8/2020, ông Ánh được bổ nhiệm làm thành viên ban điều hành, phụ trách quản lý hoạt động kinh doanh các đơn vị tại khu vực phía Nam và khối CIB của MB. Các đơn vị này đều tăng trưởng vượt bậc và an toàn, gấp từ 2-5 lần.
Thống đốc Ngân hàng nói về áp lực khi xảy ra rút tiền hàng loạt tại SCB
Vụ việc liên quan tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đề cập trong báo cáo gửi đại biểu về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tại kỳ họp thứ 3, NHNN đã báo cáo những khó khăn, thách thức trong công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2022 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh tăng lãi suất, áp lực lạm phát. Những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản từ trước đã bộc lộ từ nửa cuối năm 2022.
“Việc rút tiền hàng loạt tại SCB vào tháng 10/2022 tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường tiền tệ, ngoại hối, tạo áp lực lên điều hành của NHNN trong việc đảm bảo ổn định hệ thống và góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, bà Hồng cho hay.
Sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB vào tháng 10/2022 tác động tiêu cực tới tâm lý thị trường tiền tệ (ảnh minh họa).
Về điều hành lãi suất, Thống đốc NHNN nhìn lại năm 2023, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Trong 10 tháng năm nay, NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay; báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng.
Đề xuất áp dụng giá điện 2 thành phần từ 1/1/2025
Đầu năm nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn tính toán, xây dựng Đề án Nghiên cứu, xây dựng lộ trình áp dụng giá điện hai thành phần cho các nhóm khách hàng sản xuất và kinh doanh.
Giá điện 2 thành phần gồm phần giá mà người sử dụng điện phải trả cho công suất đăng ký sử dụng và phần phải trả cho lượng điện năng tiêu thụ. Hiện tại, các nước trên thế giới đa phần đều áp dụng theo hình thức này, trong khi Việt Nam đang duy trì cơ chế giá bán theo một thành phần điện năng tiêu dùng, nghĩa là tính theo lượng điện năng thực tế sử dụng.
Trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị tư vấn, EVN đề xuất xây dựng hệ thống 2 biểu giá. Cụ thể, với hệ thống biểu giá cơ sở, hệ thống giá điện 2 thành phần này dựa trên nền tảng của chi phí biên dài hạn và điều chỉnh theo các đặc điểm hộ tiêu dùng. Phương án này phản ánh đầy đủ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện, chỉ có nhóm khách hàng sinh hoạt và ngoài sinh hoạt.
EVN đề xuất xây dựng hệ thống 2 biểu giá.
Hệ thống biểu giá khác sẽ áp dụng cho một số nhóm khách hàng cụ thể trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, áp dụng cho các khách hàng theo Nghị định 80 năm 2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Do giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được Chính phủ, bộ, ngành quy định và điều chỉnh nên cần điều tiết biểu giá hai thành phần trong điều kiện đang tồn tại 2 hệ thống giá (giá hiện hành và giá 2 thành phần).
Về lộ trình áp dụng cơ chế giá mới này, đơn vị tư vấn đề nghị áp dụng theo giai đoạn: Giai đoạn thử nghiệm, giai đoạn chuyển đổi và áp dụng chính thức.
Với giai đoạn thử nghiệm, sẽ thực hiện trên dữ liệu thời gian thực, song song áp dụng biểu giá bán lẻ điện hiện hành để tính hóa đơn tiền điện đến hết năm 2024.
Phương án lý tưởng là từ ngày 1/1/2025 sẽ triển khai cho toàn bộ khách hàng, nếu như giai đoạn thử nghiệm đề xuất trên được triển khai và kết thúc như dự kiến.