Thứ Apple đang đối mặt không chỉ là một kỷ nguyên huy hoàng kết thúc, mà còn phải chấp nhận sự thật rằng iPhone giờ đây cũng chỉ là một mặt hàng bình dân.
Năm 2007, khi thị trường smartphone đầy rẫy những cái tên lâu đời như Nokia, Motorola, HTC, một huyền thoại đã được ra đời. Đó là iPhone thế hệ đầu tiên – một chiếc điện thoại có màn hình cảm ứng điện dung rộng 3.5 inch nhưng lại có sức hút kỳ lạ, đủ sức tạo ra một cuộc cách mạng trên thị trường thời bấy giờ.
Chỉ cần quan tâm một chút đến lĩnh vực di động, bạn chắc chắn sẽ cảm nhận được bầu không khí khác biệt mỗi khi iPhone mới ra mắt. Ai cũng biết đến sự kiện WWDC tổ chức thường niên. Họ ngóng chờ các buổi phát sóng sự kiện, sau đó lại bàn luận sôi nổi khi sản phẩm mới được ra mắt.
iPhone bị “bình dân hóa”
Nhưng sau nhiều năm, sức nóng của Apple cũng dần hạ nhiệt. Khi một người được phóng viên The Verge hỏi họ nghĩ gì về iPhone 15 mới ra mắt. “Ờ thì, nó là điện thoại”, người này trả lời.
Cách nói này để lộ một sự thật mà Apple luôn muốn phủ nhận: iPhone cũng chỉ là một chiếc điện thoại bình thường. Đối với hầu hết mọi người – ngay cả với nhân viên hãng – iPhone cũng chỉ là một công cụ. Việc có được một công cụ mới là tất yếu, thay vì một sự kiện đình đám.
iPhone mới không còn là gì quá hiếm lạ. Ảnh: Bloomberg. |
Đây không hẳn là vấn đề đối với người tiêu dùng, nhưng đó chắc chắn là vấn đề đối với Apple.
Bất chấp những nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm trong những năm qua, Táo khuyết vẫn là một tập đoàn phụ thuộc lớn vào một thiết bị phần cứng nhỏ bé – iPhone. Hãng ám ảnh với việc khiến người dùng tin rằng logo quả táo trên mặt lưng điện thoại của họ là rất quan trọng.
Giải pháp của Apple cho vấn đề này là xây những bức tường thật cao cho “khu vườn đóng” của mình. Họ muốn đảm bảo rằng khách hàng sử dụng sản phẩm của chính họ chứ không phải những hãng khác. Giờ đây, những bức tường đó đang có nguy cơ sụp đổ, cây bút The Verge viết.
Chúng ta còn lâu mới có được khoảnh khắc “wow” như khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời. Theo IDC, doanh số smartphone đã liên tục giảm 6 năm trong suốt 7 năm qua. Một phần sự sụt giảm đó là do độ bền của thiết bị ngày càng cao.
Gần như mọi chiếc flagship gần đây, bao gồm cả iPhone, đều có khả năng chống nước. Điều này có nghĩa là chúng vẫn sẽ sống sót sau khi ngâm mình trong nước một thời gian dài. Trong khi đó, các dòng điện thoại trước đây không thể làm thế.
IDC cũng chỉ ra chu kỳ thay điện thoại mới đang được kéo dãn. Việc thay thế smartphone vài năm một lần không còn là thói quen của nghiều người như trước. Ngày xưa, điện thoại về cơ bản đều nhanh chóng xuống cấp: tuổi thọ kém, camera chụp xấu, vi xử lý chậm và khả năng chơi game mượt như PC là một điều xa xỉ. Nhưng tất cả nhược điểm này đã bị xóa nhòa trong vài thập kỷ qua.
Sóng gió bủa vây “khu vườn đóng” của Apple
Với Apple, hãng liên tục yên vị là một trong 3 công ty đứng đầu về doanh thu ở Mỹ. Nhưng đây cũng là công ty duy nhất trong danh sách kiếm được phần lớn lợi nhuận từ một hoạt động kinh doanh rất cụ thể – sản xuất và bán điện thoại. Khi thị trường smartphone suy thoái, Apple cảm nhận điều đó rõ ràng hơn ai hết.
Vì vậy, hãng đã tìm đến những cách khác để kiếm tiền. Phần lớn nỗ lực đều thành công, đặc biệt là khi bổ sung kho ứng dụng App Store và các dịch vụ như Apple Music. Nhưng doanh thu chung vẫn trong tình trạng mất cân đối, phụ thuộc nhiều vào doanh số bán iPhone.
Apple luôn xây dựng khu vườn với những bức tường cao, bao quanh các thiết bị và ứng dụng của mình. Ảnh: WSJ. |
Trong báo cáo tài chính quý I/2024, doanh thu ròng của Táo khuyết là 119,6 tỷ USD, trong đó 69,7 tỷ USD đến từ iPhone. Dịch vụ – phân khúc kinh doanh thu lợi cao thứ hai – chỉ đóng góp 23 tỷ USD.
Khi mới ra đời, iPhone nổi tiếng là một thiết bị hoàn thiện các công nghệ mới, hơn là đi tiên phong trong lĩnh vực. Apple không phải là công ty đầu tiên triển khai tính năng mở khóa bằng khuôn mặt, màn hình 120 Hz hay camera tele.
Nhưng khi Apple tích hợp chúng vào hàng loạt tính năng và dịch vụ độc quyền trong “khu vườn đóng” của mình – App Store, iMessage, FaceTime, Apple Wallet – sự thống trị ngày càng vững mạnh. Họ không muốn bất kỳ nhân tố nào đe dọa vị trí dẫn đầu của mình.
Khi những sản phẩm đó dần phát triển, Apple đã bắt đầu triển khai một số động thái phòng thủ. Đơn cử như iMessage, vốn được ra mắt vào năm 2011 và đạt 140 triệu người dùng vào năm 2012.
Nhưng khả năng tương thích đa thiết bị của nó gần như bằng 0. Người dùng Android không thể sử dụng dịch vụ, làm dấy lên cuộc chiến tin nhắn bong bóng xanh lục và xanh lam – SMS và iMessage. Ngay cả CEO Tim Cook cũng nói rằng nếu muốn dùng iMessage, bạn nên “mua cho mẹ mình một chiếc iPhone”.
Ngay cả Apple cũng không thể tồn tại mãi
Apple cũng duy trì quyền kiểm soát đối với App Store, đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với các nhà phát triển tạo ứng dụng cho nền tảng, đồng thời biến nó thành một cỗ máy tạo doanh thu cho công ty. App Store ra mắt vào năm 2008 cùng với một chính sách quan trọng: Apple sẽ nhận được hoa hồng 30% cho mỗi ứng dụng được bán.
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của EU yêu cầu các hãng công nghệ lớn tuân thủ hàng loạt quy định, như cho phép cài kho ứng dụng bên thứ 3, tạo điều kiện để người dùng chuyển sang nền tảng đối thủ… Ảnh: Bloomberg. |
Tuy nhiên, đây là nguồn cơn khiến Apple phải “hầu tòa” suốt nhiều năm. Năm 2020, Epic đã kiện Apple và Google về các hoạt động trên cửa hàng ứng dụng – cụ thể là khoản hoa hồng 30%. Tòa án đã ra phán quyết có lợi cho Epic.
Năm 2022, Liên minh châu Âu đã ban hành đạo luật đánh mạnh vào các gã khổng lồ, bao gồm cả Apple. Apple đã đáp lại áp lực bằng cách hứa hẹn hỗ trợ RCS trên iPhone – một tiêu chuẩn cập nhật giao thức SMS/MMS tương đối cổ xưa và bao gồm nhiều tính năng giống như iMessage.
Đòn đánh cuối cùng là khi Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện chống độc quyền chống lại Apple. Cơ quan này cáo buộc công ty cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép đối thủ và ngăn cản người dùng chuyển sang smartphone của thương hiệu khác.
Sau những sóng gió bủa vây, Apple đã bắt đầu thực hiện các thay đổi chưa từng có như cho phép phát hành công cụ stream, giả lập game trên App Store, hay cài kho ứng dụng bên thứ 3.
Theo The Verge, một đạo luật mới hay một vụ kiện chống độc quyền có thể không đủ để hạ bệ các bức tường đóng. Nhưng đối với Apple, 5 năm kiện tụng đã tích tụ một áp lực rất lớn. Hãng buộc phải phản ứng với các quy định, tạo ra các quy tắc khác nhau cho iOS ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Một công nghệ mới không thể làm chúng ta ngạc nhiên mãi mãi. Cuối cùng, nó cũng sẽ xuất hiện khắp mọi nơi. Lịch sử đã chứng minh rằng một công ty chỉ có thể thống trị trong một khoảng thời gian, và nếu sự thống trị càng lớn, càng cần nhiều nguồn lực để duy trì.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn