Trong cuốn “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21”, tác giả Ben S. Bernanke đã điểm lại các chính sách tiền tệ của Mỹ trong 70 năm qua.
Minh họa: Shutterstock. |
Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 là cuốn sách bàn về lịch sử chống lạm phát và khủng hoảng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – cơ quan quản lý chính sách tiền tệ Mỹ của hiện tại và tương lai chủ yếu thông qua lăng kính lịch sử.
Bản tổng kết chính sách tiền tệ của Mỹ trong 70 năm qua
Sách mang đến cái nhìn tổng quan về quá trình hoạch định chính sách của Fed, cho thấy những thay đổi trong nền kinh tế đã thúc đẩy những đổi mới của Fed như thế nào cũng như những thách thức mới mà Fed phải đối mặt, bao gồm: lạm phát quay trở lại, tiền điện tử, rủi ro bất ổn tài chính gia tăng và các mối đe dọa đối với tính độc lập của chính Fed.
Sách cũng giúp người đọc hiểu được Fed đã làm thế nào để đạt được vị trí như ngày nay, học được gì từ những thách thức đa dạng phải đối mặt, và có thể phát triển như thế nào trong tương lai.
Cuốn sách được viết bởi Ben S. Bernanke – người giữ chức Chủ tịch Fed từ năm 2006 đến năm 2014. Ông là một trong những nhà kinh tế hàng đầu thế giới và là chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2022 cho nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính (cùng Douglas Diamond và Philip H. Dybvig).
Ông có nhiều nghiên cứu học thuật rất thành công, đặc biệt là nghiên cứu về cuộc đại khủng hoảng những năm 1930. Và chính nhờ nghiên cứu này mà năm 2006, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và giữ chức vụ này cho đến năm 2014 (qua hai đời tổng thống Mỹ George Bush và Barack Obama). Trong giai đoạn này, ông là người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008”.
Cuốn sách đã tổng kết quá trình thực thi xây dựng chính sách tiền tệ ở Mỹ trong khoảng thời gian 70 năm qua nhiều đời Chủ tịch. Đặc biệt là trong khoảng thời gian phải đối phó với đại dịch Covid-19, Cục Dự trữ Liên bang đã triển khai một loạt công cụ chính sách đặc biệt giúp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ.
Từ đó tác giả nhận xét ưu nhược điểm trong những giai đoạn ấy và những khó khăn trong việc thực thi chính sách của giai đoạn thông tin còn hạn chế dẫn đến chính sách có những độ trễ nhất định.
Sách Chính sách tiền tệ thế kỷ 21. Ảnh: Omega Plus. |
Tác động của những người từng chèo lái Fed đối với nền kinh tế
Ngoài việc giải thích các công cụ hoạch định chính sách mới của hệ thống ngân hàng trung ương, Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 còn kể lại những khoảnh khắc kịch tính mà với đó, các quyết định của Fed dưới triết lý của những người từng chèo lái tổ chức này – đã tạo nên nhiều tác động đáng kể.
TS Vũ Hoàng Linh (Giảng viên chương trình Swinburne Việt Nam, Đại học FPT) – đồng dịch giả cuốn sách – cho biết trong ấn phẩm Bernanke đã có những đánh giá xác đáng về người tiền nhiệm của mình là Greenspan. Trong giai đoạn đầu, Greenspan đã có những thành công khi đưa nước Mỹ ổn định lạm phát, kinh tế tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, về sau Greenspan lại bị chỉ trích dữ dội khi mà ông không nhận ra những bất ổn tiềm ẩn trong nền kinh tế Mỹ dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008.
Với tư cách là người kế nhiệm Greenspan, trong vai trò là người giải quyết những hậu quả của người tiền nhiệm Bernanke không chĩa mũi nhọn phê phán Greenspan. Bernanke cho rằng việc giải quyết những bất ổn trên thị trường chứng khoán, rủi ro tài chính cũng không hoàn toàn dựa trên chính sách tiền tệ lãi suất mà có vai trò rất nhiều trong việc thiết lập những hệ thống để kiểm soát những điều đấy.
Cũng theo dịch giả Vũ Hoàng Linh, điểm thú vị của cuốn sách chính là mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế, chính sách tiền tệ. “Chúng ta đều biết Fed là tổ chức có tính độc lập rất cao, thậm chí có người nói chủ tích Fed là người có quyền lực nhất thế giới, có thể chi phối chính sách tiền tệ. Tuy nhiên trên thực tế không phải là như vậy.
Quá trình hoạch định chính sách, ra chính sách rất phức tạp. Trong Fed cũng có hơn chục vị thống đốc Fed ở các vùng. Do vậy, quyết định của Fed là quyết định của tập thể. Chủ tịch Fed có vai trò quan trọng nhất của người đứng đầu, nhưng không có vai trò thống trị chính sách”, dịch giả Vũ Hoàng Linh cho biết.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Fed và các cơ quan chính phủ là cân bằng. Chủ tịch Fed do tổng thống đề cử và các đảng cũng có vai trò ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách.
Trong quá trình bình luận về các vị chủ tịch Fed trước, Bernanke cho biết Arthur F. Burns (chủ tịch Fed giai đoạn 1970-1978) đã có những thỏa hiệp với chính quyền dẫn đến hậu quả sau đó lạm phát rất cao. Ngược lại, Paul A. Volcker (chủ tịch Fed nhiệm kỳ 1979-1987) là người Bernanke đánh giá cao nhất khi ông có một chính sách rất độc lập với cả sức ép của chính quyền.
Cũng theo dịch giả Vũ Hoàng Linh, những đánh giá thành công hay thất bại và những bài học trong chính sách tiền tệ của Mỹ 70 năm qua từ một chuyên gia như Ben S. Bernanke chắc chắn là những kiến thức quý báu cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới.
Hơn thế, bạn đọc còn có thể rút ra cho mình những bài học về lãnh đạo trong tình huống khó khăn, về các lựa chọn mà những người chèo lái tổ chức phải đưa ra trong bối cảnh khó đoán trước.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Nhà quản lý tiền tài ba của kinh tế MỹAlan Greenspan là người nắm giữ vị trí chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) liên tiếp năm nhiệm kỳ và có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Mỹ trong những năm 90. |
Quần đảo của giới siêu giàu tại MỹJekyll là một quần đảo thuộc quyền sở hữu của những nhân vật giàu có siêu hạng ở Mỹ, tại nơi đây văn kiện về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã được khởi thảo. |
Hành trình chống lại khủng hoảng của người từng nắm túi tiền nước MỹHồi ký “Dám hành động” là một cái nhìn của “người trong cuộc” về hành trình chiến đấu chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế chỉ đứng sau Đại Khủng hoảng về quy mô. |