Kinh tế 6 tháng đầu năm 2019: Tăng trưởng chậm lại nhưng chưa mất “đà”, nhiều thách thức đặt ra cho nửa cuối năm

Theo GS. Trần Thọ Đạt, việc ký kết các FTA, CPTPP và EVFTA đã tạo cơ hội rất lớn cho nền kinh tế, nhân rộng các cơ hội kinh doanh cũng như tạo thêm các động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, đấy chỉ là điều kiện cần, vấn đề là ta có nắm bắt và khai thác được cơ hội do các hiệp định này tạo ra không?

Nền kinh tế năm 2019 đã đi qua nửa chặng đường. Các số liệu kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm đã được công bố. GS. Trần Thọ Đạt, Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã chia sẻ về những kết quả quan trọng nền kinh tế đã đi qua 6 tháng đầu năm và các thách thức còn lại của nửa cuối năm.

PV: Ông có thể đánh giá tổng quan các diễn biến kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2019 và một số “điểm nghẽn” tăng trưởng cần tháo gỡ hiện nay?

GS. Trần Thọ Đạt: Để đánh giá một cách khách quan và toàn diện các kết quả kinh tế – xã hội đạt được trong 6 tháng đầu năm, cần nhìn nhận đầy đủ bối cảnh quốc tế và trong nước trong thời gian qua. Kinh tế thế giới đã được dự đoán từ trước là đang trong xu hướng tăng trưởng chậm lại và dự báo gần đây lại được điều chỉnh giảm hơn, các yếu tố rủi ro liên quan đến căng thẳng thương mại làm suy giảm niềm tin kinh doanh, các điểm nóng địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp. Kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp, dịch tả lợn châu Phi vẫn lan rộng,…

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã giảm so với cùng kỳ năm trước (6,76% so với 7,05%) là có thể hiểu được, vì mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2018 được coi là khá “đột biến”. Hơn nữa, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 vẫn cao hơn so với tăng trưởng 6 tháng đầu năm cả giai đoạn 2011-2017, nên mặc dù tăng trưởng có chậm lại nhưng nền kinh tế vẫn chưa được coi là mất “đà” trong xu hướng phục hồi (quý II năm 2019 tăng trưởng 6,71%, chỉ giảm nhẹ so với 6,73% cùng kỳ năm trước). Ngoài ra, với mức tăng trưởng 6,76%, Việt Nam vẫn là nước có tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực.  

Các diễn biến kinh tế vĩ mô khác là khá khả quan như lạm phát đang được kiểm soát, lãi suất và tỷ giá khá ổn định, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng, hội nhập quốc tế có bước tiến mạnh mẽ,… Xếp hạng tín nhiệm của S&P, Fitch đều nâng hạng là minh chứng khá rõ cho việc đánh giá tình hình ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có cải thiện.

Còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, theo tôi gồm: về phía cung, ngành dịch vụ mặc dù dư địa tăng trưởng lớn nhưng 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng thấp hơn GDP, nông nghiệp tăng trưởng yếu. Về phía cầu, tiến độ giải ngân đầu tư công và vốn ODA vẫn chậm, tăng trưởng xuất khẩu có xu hướng giảm mặc dù hiệp định CPTPP đã có hiệu lực.

PV: Vài tháng trước, sau khi có đợt tăng mạnh giá điện và xăng dầu, đã có một số đánh giá khả năng duy trì lạm phát dưới 4% là rất khó khăn. Ông nhận định thế nào về thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay?

GS. Trần Thọ Đạt: Trong quý I và đầu quý II đã có nhiều đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp tổng cộng lên đến gần 20% và tăng giá điện 8,36%. Tuy nhiên, bình quân lạm phát 6 tháng chỉ là 2,64%, thấp nhất trong 3 năm gần đây. Lý do có thể được giải thích là giá của một số mặt hàng thiết yếu tăng chậm đã triệt tiêu phần nào tác động của tăng giá điện và xăng dầu đến CPI bình quân, trong tháng 6 lại có một số đợt giảm giá xăng. Chúng tôi cho rằng lo ngại về tác động “vòng 2” của tăng giá mạnh điện và xăng dầu đến nay cơ bản đã không còn, công tác điều hành giá đã khá chủ động, linh hoạt về liều lượng và thời điểm, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của năm. 

Lạm phát cơ bản hiện tại vẫn khá ổn định, bình quân 6 tháng ở mức 1,87% chỉ nhích nhẹ so với các tháng trước, tạo tiền đề cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng hiện nay là chủ động, linh hoạt trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Mặc dù rủi ro áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn còn, đặc biệt là có thể có những biến động trong giá xăng dầu thế giới, nhưng nhiều tính toán dựa trên mô hình dự báo định lượng hiện nay đều cho thấy khả năng lạm phát bình quân cả năm vượt mức trần 4% là khó xảy ra.

PV: Ông vừa đề cập đến việc điều hành của NHNN, vậy ông dự báo thế nào về khả năng biến động lãi suất từ nay đến cuối năm?

GS. Trần Thọ Đạt: Lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào biến động của các biến số kinh tế vĩ mô khác như tỷ giá, lạm phát, cán cân thanh toán, vào thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong nước và rõ ràng chúng ta cũng không thể miễn nhiễm với biến động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế (chẳng hạn FED thay đổi lãi suất).

Với khả năng biến động của lạm phát và tỷ giá dự báo như hiện nay, nếu không có những biến động đặc biệt trên thị trường quốc tế thì lãi suất cơ bản sẽ giữ ổn định và khả năng giảm lãi suất là khó xảy ra. Có một số nguyên nhân khiến lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức hiện tại, thậm chí có thể tăng nhẹ bao gồm: các kênh huy động vốn cạnh tranh khác như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh với lãi suất không giảm, các ngân hàng thương mại cần tiếp tục huy động vốn khi dư địa tăng trưởng tín dụng tổng thể từ nay đến cuối năm còn nhiều, đồng thời ngân hàng cần tiếp tục đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, kết quả là nhu cầu huy động vốn vay trung và dài hạn sẽ tăng lên.

Lãi suất cho vay cũng sẽ tương đối ổn định ở mức như hiện nay vì các ngân hàng thương mại sẽ phải cân đối giữa nhu cầu vay, đặc biệt là nhu cầu cho vay cá nhân tăng lên với việc đáp ứng và duy trì chuẩn Basel II.

PV: Thế còn biến động của tỷ giá và cách thức điều hành tỷ giá trung tâm hiện nay thì sao thưa ông?

GS. Trần Thọ Đạt: Cùng với độ mở ngày càng tăng của nền kinh tế và những biến động khó lường của thị trường tài chính tiền tệ gần đây, đặc biệt là biến động của USD và CNY và tỷ giá của cặp tiền tệ này, sức ép đến tỷ giá VND sẽ ngày càng tăng. Từ nay đến cuối năm, dự báo là cán cân vãng lai nếu có thâm hụt thì ở mức nhẹ, luồng vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì đà tăng cao, dự trữ ngoại tệ đang khá dồi dào là những đảm bảo cho việc tỷ giá biến động trong phạm vi kiểm soát được. Việc tăng tỷ giá trung tâm trong bối cảnh hiện nay là điều khó tránh, tuy nhiên cách thức điều hành tỷ giá trung tâm một cách chủ động và linh hoạt, có lên có xuống trong thời gian qua đã góp phần đáng kể vào việc tạo lập tâm lý ổn định và niềm tin của thị trường.   

PV: Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực từ đầu năm và EVFTA vừa được ký kết đã tạo niềm tin có sự gia tăng mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm lại giảm so với năm trước, ông có thể giải thích về điều này?

GS. Trần Thọ Đạt: Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm và bước đầu xuất khẩu của Việt Nam sang một số nước thành viên đã có sự tăng trưởng mạnh (Canada, Mexico,…), xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam cũng đang tăng trưởng tốt (Nhật bản, ASEAN,…), sang Mỹ đã tăng mạnh trong 6 tháng qua. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ tăng 1%, sang thị trường EU giảm nên kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 7,3%, giảm so với cùng kỳ năm trước.

Việc ký kết các FTA, CPTPP và EVFTA đã tạo cơ hội rất lớn cho nền kinh tế, nhân rộng các cơ hội kinh doanh cũng như tạo thêm các động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, đấy chỉ là điều kiện cần, vấn đề là ta có nắm bắt và khai thác được cơ hội do các hiệp định này tạo ra không? Muốn hội nhập thực sự hiệu quả và thành công, gia tăng được xuất khẩu, điều kiện đủ là phải cải cách môi trường thể chế, hướng tới các “luật chơi” quốc tế, qua đó giúp huy động và sử dụng tốt nhất những nguồn lực sẵn có ở trong nước và tận dụng tốt hơn các nguồn lực bên ngoài, thúc đẩy được khả năng cạnh tranh. Chúng ta phải có những cải cách thực chất và rõ rệt ở các lĩnh vực như dịch vụ, hải quan, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan…

Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; kết nối hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ khi đó, những cơ hội vàng mà mà các hiệp định tự do thương mại mới trở thành hiện thực.

PV: Vậy thì từ nay đến cuối năm và các năm sau cần phải thực thi các giải pháp gì để nền kinh tế có thể tiếp tục tích lũy và “bứt phá”, thưa ông?

GS. Trần Thọ Đạt: Trước hết, những “điểm nghẽn” cố hữu trong thời gian qua cần được giải quyết ngay: đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và trái phiếu chính phủ, cần thiết thì phái điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và còn nhiều dư địa phát triển như logistic, fintech, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ phát triển nông nghiệp, chú trọng gia tăng cả số lượng và chất lượng du lịch. Cần triển khai ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất cho ngành chăn nuôi.

Để sớm tận dụng các cơ hội do CPTPP và EVFTA mang lại, cần tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh phụ thuộc nhiều vào một hoặc một số thị trường, triển khai ngay các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, đầu tư chui và núp bóng,…

Trong bối cảnh rủi ro gia tăng hiện nay, cần bám sát các diễn biến về tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, di chuyển dòng tiền và dòng vốn đầu tư, phân tích các nguy cơ tiềm ẩn để nâng cao năng lực dự phòng, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Sớm áp dụng thí điểm các chính sách và khuôn khổ pháp luật mới cho các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số, mô hình kinh tế chia sẻ, các mô hình hoạt động mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (fintech, thanh toán không dùng tiền mặt),… để nhanh chóng hình thành và tích lũy các động lực tăng trưởng mới, tạo bứt phá trong các năm sau.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin