Để tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh, Đài Loan cần phát triển công nghệ của riêng mình chứ không phải chỉ sản xuất các sản phẩm công nghệ và “dựa dẫm” vào Mỹ.
Morris Chang là bằng chứng sống về việc Đài Loan có thể thay đổi nền kinh tế của mình như thế nào. Năm 1985, anh Chang, sau thời gian làm giám đốc điều hành lâu năm tại Texas Instruments ở Mỹ, đã bị hấp dẫn đến Đài Loan bởi chính sách của lãnh thổ này trong việc phát triển lĩnh vực công nghệ cao.
Ban đầu anh làm việc cho một công ty nhà nước, sau đó Li Kuo-ting, một người có ảnh hưởng lớn trong làng công nghệ Đài Loan, gọi anh đến và gợi ý về khả năng anh nên thành lập công ty riêng.
Chang vì thế lập ra công ty sản xuất chất bán dẫn của riêng mình với tên Taiwan Semiconductor Manufacturing, công ty này nay đã trở thành một trong những “đại gia” trong ngành sản xuất chip của thế giới và đứng đầu tại Đài Loan.
Nhiều công ty sản xuất hàng điện tử khác (công ty sản xuất máy notebook, chip, màn hình LCD …) cũng mở chuỗi kinh doanh tại đây và vì thế đưa Đài Loan thành một đối trọng lớn trong ngành công nghệ thông tin thế giới.
Thành công trong lĩnh vực điện tử của Đài Loan là minh chứng cho thấy chỉ sau 1 thế hệ, chính sách kinh tế có thể đưa một lãnh thổ nghèo trở nên hùng mạnh hơn rất nhiều. Thế nhưng ngày nay, mô hình tăng trưởng kinh tế Đài Loan theo đuổi suốt từ những năm 1960, cụ thể đó là xây dựng ngành sản xuất hàng bán sang phương Tây, đã trở nên không còn hiệu quả như trước.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, xuất khẩu hàng điện tử giảm 28% trong nửa đầu năm 2009, mức hạ kỷ lục trong lịch sử lãnh thổ. Chính phủ dự đoán kinh tế lãnh thổ này sẽ suy giảm 4,25% trong năm 2009.
Ngay cả trước suy thoái, mô hình phát triển phụ thuộc vào công nghệ và định hướng xuất khẩu đã gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2000 đến năm 2007, GDP Đài Loan tăng trưởng trung bình chỉ 4,1%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,5% trong khoảng thời gian 1990 đến năm 1999.
Ngày nay, ông Chang cho rằng Đài Loan nên thay đổi mình để đảm bảo tăng trưởng tương lai và Chang đang đi đầu trong xu thế đó. Tháng 6/2009, ông quay trở lại làm giám đốc điều hành Taiwan Semiconductor Manufacturing 4 năm sau khi rời chức vụ này, dù nay ông đã 78 tuổi.
Ông muốn đưa công ty tiến vào những ngành nghề mới, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ mặt trời và đèn LED tiết kiệm năng lượng. Ông Chang nói: “Thay đổi tiếp theo sẽ cần đến những ý tưởng và sự cải cách, theo tôi, Đài Loan cần nhiều cải cách.”
Giới chức và các nhà lãnh đạo kinh tế hàng đầu Đài Loan đều nhận xét Đài Loan cần đa dạng hóa nền kinh tế và hội nhập nhiều hơn vào kinh tế khu vực hiện đang chịu quá nhiều sự chi phối từ Trung Quốc.
Ông San Gee, phó Bộ trưởng Hội đồng phụ trách hoạch định kinh tế và phát triển Đài Loan, nhận xét: “Bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ khủng hoảng tài chính hiện tại là chúng ta quá phụ thuộc vào xuất khẩu, đặc biệt là trong ngành công nghệ thông tin” và “chúng ta cần cải tổ để đưa nền kinh tế lên vị thế cao hơn.”
Thay đổi quan trọng của ngành công nghệ
Bà Christine Chen, một người làm việc trong hãng tin ETTV, đã nói đến thuật ngữ Chaiwan – từ dùng để nói đến quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan chặt chẽ hơn.
Báo giới Hàn Quốc cũng đã sử dụng thuật sử này, gần đây, Nhật báo kinh tế Hàn Quốc đã đăng một bài viết với dòng tít “Cơn bão Chaiwan (China and Taiwan) đang đến, Chaiwan chính là sự kết hợp giữa vốn của Trung Quốc và công nghệ Đài Loan, và điều này tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến các ngành của Hàn Quốc.
Người Hàn Quốc có lý do để lo lắng. Một trong những điểm chính trong chương trình cải cách kinh tế của Đài Loan là mở rộng hợp tác với Trung Quốc để kích thích tăng trưởng kinh tế Đài Loan.
Dù các công ty Đài Loan đã chuyển phần lớn sản xuất công nghệ trình độ thấp sang Trung Quốc, các ngành này hoạt động dưới nhiều hạn chế, Đài Loan vì thế thua thiệt hơn so với nhiều nước châu Á khác trong mối quan hệ với Đại Lục.
Từ khi bắt đầu nhận nhiệm sở, lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu đã cố gắng giảm bớt một số trở ngại đối với phát triển kinh tế lãnh thổ này. Trung Quốc và Đài Loan đã đi đến hợp tác về đường không, đường biển và thư tín, giới chức lãnh đạo kinh tế Đài Loan tháng 6/2009 lần đầu tiên đã cho phép một loạt các công ty đầu tư vào nhiều ngành nghề của Đài Loan.
Nay nhà lãnh đạo Đài Loan đang muốn đưa ra khung cải cách kinh tế toàn diện hợp tác với Trung Quốc, công ty Đài Loan sẽ có điều kiện tiếp cận tốt hơn đối với thị trường Trung Quốc. Đại diện cấp cao phụ trách kinh tế Đài Loan nhận xét những điểm tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ giữa Đài Loan và cho phép doanh nhân Đài Loan có mối quan hệ hoàn toàn khác biệt với Trung Quốc.
Một điểm quan trọng cần chú ý trong mối quan hệ này chính là thị trường Trung Quốc rộng lớn. Thông thường Đài Loan sản xuất hàng linh kiện điện tử sang Trung Quốc, hàng lắp đặt tại Đại Lục và sau đó bán sang khách hàng phuơng Tây.
Thế nhưng nay Đài Loan đang cố gắng bán hàng trực tiếp cho khách hàng tại Đại Lục, vì thế giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Hãng sản xuất tivi màn hình phẳng AmTRAN trước đây xuất khẩu hàng sang Bắc Mỹ nhưng nay đang cố gắng thắt chặt quan hệ với thị trường Trung Quốc.
Thị trường lo ngại việc Đài Loan mở rộng tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ khiến các công ty đồng loạt bỏ Đài Loan sang Trung Quốc và vì thế số lượng việc làm dành cho người Đài Loan sẽ giảm đi.
Thế nhưng đội ngũ kinh tế gia của người đừng đầu Đài Loan phản biện rằng mối quan hệ này sẽ giúp kinh tế Đài Loan đi lên trên phương diện tổng thể bởi các giám đốc điều hành sẽ có thể duy trì công việc kinh doanh cao cấp, đội ngũ nghiên cứu và quản lý trình độ cao tại Đài Loan.
Mục tiêu của giới chức kinh tế hàng đầu Đài Loan là biến Đài Loan thành một trung tâm hoạt động cho các ngành của Trung Quốc bằng việc cung cấp kinh nghiệm về kỹ thuật và sản xuất. Có dấu hiệu ban đầu cho thấy các kế hoạch của ông Mã Anh Cửu đang phát huy tác dụng.
Ông Sun Ta-wen, chủ tịch một công ty lớn tại Đài Loan đã quyết định chuyển sản xuất sang Trung Quốc để tăng tính hiệu quả bất chấp lo ngại quyền sở hữu trí tuệ có thể bị đánh cắp.
Hệ thống đường giao thông tốt hơn đã giúp giảm chi phí vận chuyển và thời gian đi lại, ông duy trì bộ phận nghiên cứu và phát triển tại Đài Loan và tiếp tục đầu tư 10 triệu USD xây dựng nhà máy mới tại Đài Loan. Ông cho biết: “Chúng tôi làm giàu ở Trung Quốc nhưng mang tiền về xây dựng Đài Loan.”
Thời khắc quyết định
Yếu tố mấu chốt đối với chương trình của những người đứng đầu Đài Loan chính là khuyến khích cải cách. Dù các công ty và trung tâm nghiên cứu đã phát triển mạnh trong những thập kỷ qua tại nhiều hệ thống sản xuất trình độ cao và theo kịp phương Tây, các trung tâm này vẫn chưa đủ khả năng tạo ra đột phá nào mới. Để tiếp tục duy trì khả năng cạnh tranh, Đài Loan cần phát triển công nghệ của riêng mình chứ không phải chỉ sản xuất các sản phẩm công nghệ.
Ông Morris Chang nhận xét Đài Loan thiếu nguồn nhân lực bởi hệ thống giáo dục Đài Loan còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, lối suy nghĩ độc lập chưa phát triển, tính sáng tạo kém. Ông chỉ ra Đài Loan cần cần phải thích nghi với điều kiện mới của thế giới. Dù vậy Đài Loan sẽ còn gặp nhiều khó khăn với thay đổi mới này.
Ngọc Diệp