Các nền tảng mạng xã hội là kênh quảng cáo quen thuộc của các nhãn hàng, nhiều người coi đây là con “gà đẻ trứng vàng”. Thế nhưng, mạng xã hội cũng đem đến nhiều mặt trái.
Mạng xã hội khiến nhiều người bị phân tâm và làm việc không hiệu quả. Ảnh: T.N. |
Liệu phần giá trị bị bỏ sót của các phương tiện truyền thông xã hội có thể bù đắp cho sự suy giảm năng suất rõ rệt ở các nước giàu không? Cái khó dĩ nhiên nằm ở chỗ chúng tôi không biết phải gán bao nhiêu giá trị cho những sản phẩm miễn phí này. Nhưng chúng tôi có thể cố gắng ước tính mức giá mà mọi người sẵn lòng trả.
Đã có những nỗ lực nhằm thực hiện việc này bằng cách xem xét, chẳng hạn, lượng thời gian mọi người bỏ ra để lướt mạng, lấy đó làm đại lượng trung gian phản ánh giá trị của nó đối với họ. Ý tưởng là lẽ ra với thời gian đó, mọi người đã có thể làm việc và kiếm tiền.
Nếu chúng ta sử dụng cách tiếp cận này, giá trị trung bình hàng năm của Internet đối với một người Mỹ tăng từ 3000 USD vào năm 2004 lên 3900 USD vào năm 2015. Nếu đưa phần giá trị này vào GDP năm 2015, ta có thể giải thích chừng 1/3 của 3000 tỷ USD “sản lượng bị mất” trong năm đó (tức là so với mức GDP lẽ ra sẽ đạt được nếu đợt suy thoái hậu 2004 không xảy ra).
Cách lượng hóa hệ quả của Internet này có một vấn đề, đó là nó cho rằng mọi người có thể chọn làm việc nhiều giờ hơn để kiếm nhiều tiền hơn thay vì dành thời gian lang thang trên mạng.
Nhưng điều này không đúng với đa phần những người làm việc theo giờ hành chính; thay vào đó, họ cần phải tìm cách tự tiêu khiển (hoặc chí ít là không dính vào rắc rối) trong khoảng tám tiếng nữa mỗi ngày. Nếu họ dành thời gian lên mạng, nó chỉ có nghĩa là họ thích làm thế hơn là đọc sách hoặc chơi với bạn bè hoặc người thân.
Nếu họ không đặc biệt quảng giao và không thích sách, thì đó khó lòng là một sự chứng thực hùng hồn; giá trị của việc lên mạng có thể thấp hơn nhiều so với con số 3900 USD.
Tuy nhiên, còn có một vấn đề trái ngược nữa. Thử xét một người không thể tưởng tượng nổi cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu Internet, người cần một “liều” Twitter kéo dài một tiếng đồng hồ mỗi sáng. Một tiếng đầu tiên đó mang lại lạc thú gần như vô tận.
Nhưng khi gần hết một tiếng đó, khi tất cả kẻ thù đã bị sửa gáy, và mọi pha chơi chữ thông minh đã được lĩnh hội xong và bị bỏ qua, những gì còn lại cho giờ thứ hai chỉ là sự chán chường nhiều đến nỗi không bao giờ có tới giờ thứ ba nữa.
Thử so sánh người đó với một người cũng dành hai tiếng phản hồi nhát gừng các bài đăng Facebook do bạn bè đưa lên hoặc nói về các bạn bè mà anh ta/cô ta đã gần quên và các “bạn bè” anh ta/cô ta chỉ muốn quên phứt đi cho xong.
Trong dữ liệu, cả hai người đều sẽ xuất hiện ở cùng một chỗ, định giá internet ở mức giá của hai tiếng đồng hồ. Nhưng hiển nhiên là họ khác nhau, và xem họ như nhau có thể khiến chúng ta đánh giá thấp trầm trọng giá trị của internet.
Đứng trước khả năng chúng ta có thể định giá Internet cao quá đáng, hoặc ngược lại, các học giả đã tìm kiếm những cách khác để đo lường giá trị của nó đối với người dùng.
Cụ thể là, có một vài thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên về những gì xảy ra khi nhà thí nghiệm (được sự cho phép của người tham gia) chặn quyền truy cập Facebook (hoặc các phương tiện truyền thông xã hội nói chung) của một nhóm cá nhân được chọn ngẫu nhiên trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
Thí nghiệm có quy mô lớn nhất trong số này, với sự tham gia của hơn 2000 người được trả tiền để đóng Facebook trong một tháng, phát hiện ra rằng những người ngưng sử dụng Facebook hạnh phúc hơn xét theo một loạt thước đo hạnh phúc và phúc lợi tự báo cáo và, thú vị làm sao, không còn thấy buồn chán nữa (có lẽ là đỡ buồn chán hơn).
Dường như họ đã tìm ra những cách khác để tự tiêu khiển, bao gồm việc dành thêm thời gian với gia đình và bạn bè.