Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn vừa có báo cáo nhận định thị trường và nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015. Trong đó đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành tựu mới.
Trong năm 2014, mặc dù chỉ tiêu tiêu dùng cá nhân không khả quan nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô đã khuyến khích khu vực đầu tư tư nhân và đây là một tín hiệu tốt cho đầu năm 2015. Trong năm nay, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu gia tăng tăng trưởng GDP lên mức 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY), ổn định chỉ số tiêu dùng (CPI) ở mức thấp hơn 5% YoY và ổn định Việt Nam đồng (VND- chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu 2% cho sự trượt giá của VND, mục tiêu này đã phần nào đạt được khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức giảm giá VND 1% vào tháng 1/2015).
SSI Research đánh giátăng trưởng GDP năm 2015 sẽ đạt 6,5% YoY và chỉ số CPI sẽ giữ ở mức 2,28% YoY.
Theo ý kiến của Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn, mục tiêu trên của nền kinh tế Việt Nam còn khá khiêm tốn so với dự đoán của bộ phận là tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,5% YoY và chỉ số CPI sẽ giữ ở mức 2,28% YoY. Dự đoán trên cho năm 2015 dựa trên 2 nguyên nhân: những yếu tố có thể dự đoán và những yếu tố biến động năm 2015.
Những yếu tố có thể dự đoán năm 2015
1. Các chuyên gia nhận định tiêu dùng nội địa (chiếm 65% tổng GDP) sẽ tăng mạnh trở lại như trước đây do giá nhiên liệu sẽ kích thích tăng trưởng chi tiêu.
Giá xăng dầu sẽ là một yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng tiêu dùng bởi việc giá xăng dầu giảm tương đương như việc cắt giảm thuế không chính thức cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp. Các tính toán cho thấy nếu giá bán lẻ của các sản phẩm dầu mỏ giảm bình quân 20% năm 2014 thì người tiêu dùng và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiết kiệm được tổng cộng 4 tỷ USD, và số tiền này chắc chắn sẽ được dùng cho chi tiêu.
Chênh lệch giữa tổng tiền gửi và tổng nợ (tỷ VND)
Giá xăng dầu năm 2013 và 2014 là khá tương đương, nhưng giá xăng dầu bình quân tính đến đầu tháng 2/2015 đã giảm 30% so với năm 2014. Điều này cho thấy việc giá xăng dầu giảm mạnh (YoY) sẽ được thể hiện rõ trong năm 2015. Chi tiêu sẽ tăng mạnh trở lại cùng với niềm tin của người tiêu dùng, nhưng quá trình này cần có thời gian để hồi phục sau một giai đoạn ảm đạm kéo dài.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng tình hình lãi suất thấp khiến các ngân hàng và cá nhân đang tích trữ một lượng tiền mặt khổng lồ. Mặc dù một phần tài chính này đã được đầu tư vào bất động sản nhưng cơ hội để khu vực tư nhân đầu tư và chi tiêu thêm vẫn còn rất nhiều trong năm 2015.
Tăng trưởng chi tiêu khu vực tư nhân 2006-2015 / Giá dầu và tăng trưởng doanh thu bán lẻ
2. Lạm phát
Các chuyên gia dự đoán rằng chỉ số bình quân CPI, một chỉ số quan trọng đối với chính phủ Việt Nam, sẽ tiếp tục giảm trong năm 2015 do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ năm 2014 và chỉ có thể phục hồi từ Quý 4/2015. Lạm phát thấp có thể khiến chính phủ xem xét cắt giảm trợ cấp trên một số lĩnh vực, chẳng hạn như việc tăng giá điện (có thể tăng ở mức 10% trong quý 1/2015).
Bên cạnh đó, có nhiều cách để chính phủ Việt Nam thực hiện những chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2015. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể thực hiện chính sách giảm lãi suất vào đầu năm 2015, sau đó loại bỏ trần huy động vốn ngắn hạn để tạo cơ chế kinh doanh thị trường và kích thích cạnh tranh giữa các ngân hàng.
Lãi suất có thể giảm xuống mức sàn trong quý 1/2015, sau đó dần ổn định lại do sự thu hẹp khả năng thực hiện các điều chỉnh khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quan tâm đến việc bảo vệ tỷ giá đồng VND trước đồng USD. Các chuyên gia cho rằng yếu tố lạm phát sẽ không gây ảnh hưởng xấu nào đến nền kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn năm 2015.
Chỉ số CPI theo tháng 2009-2015 / Giá bán lẻ xăng RON 92 2013-2015
3. Các chuyên gia nhận định với sự thặng dư tài khoản vãng lai, sự thận trọng trong kiểm soát vốn và sự tăng trưởng trong dự trữ ngoại hối thì VND có thể vượt qua được những tác động từ sự tăng giá của đồng USD. Vì vậy, mục tiêu duy trì tỷ lệ giảm giá đồng nội tệ ở mức 2% của chính phủ là khả thi.
Trong tình hình thặng dư tài khoản vãng lai, các chuyên gia dự đoán cán cân thương mại sẽ tăng nhẹ với mức thặng dư 4,8 tỷ USD năm 2015, cao hơn so với mức 2 tỷ USD năm 2014. Nguyên nhân là do Việt Nam phải chi trả ít hơn cho những sản phẩm liên quan đến dầu mỏ (Việt Nam đã bị thâm hụt thương mại ở mức kỷ lục 14 tỷ USD cho các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ trong năm 2014). Kết hợp với đó là sự gia tăng xuất khẩu của hãng Samsung tại Việt Nam cùng với sự mở rộng của những ngành công nghiệp hỗ trợ khác.
Tất cả những yếu tố trên thừa sức bù đắp cho sự tăng trưởng nhập khẩu máy móc và những sản phẩm khác, một kết quả tất yếu từ sự gia tăng tiêu thụ cũng như sản xuất. Tăng trưởng giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lượng kiều hối gửi về nước trong năm 2014 sẽ được tiếp diễn trong năm 2015.
FDI / Dự trữ ngoại hối
4. Năm 2015 là thời hạn cuối cho các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như việc giảm bớt vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Các chuyên gia nhận định rằng việc tái cơ cấu các DNNN sẽ diễn ra một cách hoàn chỉnh trong năm 2015 và có xu hướng tập trung vào những DNNN lớn. Thông tư 01/2015 có hiệu lực từ ngày 1/3/2015, trong đó quy định rằng các DNNN sau khi IPO phải niêm yết trên sàn Upcom trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được chứng nhận đăng ký, đối với những DNNN thực hiện IPO trước ngày 1/10/2014 thì phải niêm yết trước ngày 1/10/2014. Thông tư này sẽ là yếu tố kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng quyết định này của chính phủ sẽ có hiệu quả hơn trong việc buộc các DNNN niêm yết trên sàn chứng khoán so với Nghị định 108/2013 trước đây, trong đó đơn giản chỉ phạt một khoản tiền nhỏ đối với những DNNN không niêm yết.
Những công ty dự kiến niêm yết trong năm 2015 (có vốn điều lệ tối thiểu 50 triệu USD)
Những IPO dự kiến trong năm 2015:
-Bộ Giao thông Vận tải: Công ty Cổ phần sân bay của Việt Nam (công ty sở hữu tất cả những sân bay chính tại Việt Nam), Vinalines (công ty vận tải khổng lồ), Cảng Sài Gòn.
-Bộ Xây Dựng: FICO (kinh doanh vật liệu xây dựng), VICEM (kinh doanh xi măng), HUD, CC1, LILAMA, Sông Đà, IDICO, COMA (tất cả đều liên quan đến xây dựng và bất động sản).
-Bộ Y tế: Vinapharm và một số công ty sản xuất vắc-xin khác.
-Bộ Công thương: Vimico (công ty khai thác mỏ của Vinacomin), Vinacomin Power, VVMI (công nghiệp mỏ Việt Bắc), Vinapaco (Tập đoàn giấy Việt Nam), MIE, VEAM (kinh doanh thiết bị).
-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Vigecam, Vinafor (lâm nghiệp), VRG (Tập đoàn Cao su Việt Nam, nhưng chỉ có các công ty con tại xã Phú Riềng, Bình Long, Lộc Ninh), …
Với mục tiêu tạo thuận lợi cho các DNNN chuyển đổi cơ cấu và phát triển cơ sở hạ tầng nhanh hơn, Bộ Giao thông Vận tải đã tuyên bố rằng sẽ giảm đầu tư công và áp dụng những biện pháp nhằm kích thích đầu tư tại khu vực tư nhân. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ ưu tiên cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng. Do đó, dự án lớn Cảng nước sâu Lạch Huyện có thể sẽ là dự án cuối cùng được nhà nước tài trợ. Sau đó, chính phủ sẽ chuyển hướng tập trung vào những dự án có liên quan đến những lĩnh vực ít hấp dẫn các nhà đầu tư hoặc liên quan đến an ninh quốc gia.
Tháng 1/2015, danh sách những dự án cơ sở hàng hải mà các nhà đầu tư tư nhân có thể tham gia đã được công bố với 41 dự án với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD, thời hạn 2015-2020, trong đó có 19 dự án cảng biển. Có 3 dự án sẽ được thực hiện trong năm 2015-2016 và sẽ có một số công ty niêm yết trên sàn tham gia, như công ty MPC tham gia dự án Cảng Hậu Giang, VIC tham gia dự án cảng neo đậu cho tàu du lịch cao cấp ở Dương Đông-Phú Quốc. Bên cạnh đó, Vinalines cũng sẽ bán một số cảng biển cho các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Tập đoàn Vinalines đã tìm cách để có được sự chấp thuận của chính phủ trong việc thoái vốn hoàn toàn khỏi Cảng Quảng Ninh (có thể là chuyển gioa cho tập đoàn T&T, công ty này đang sở hữu SHB trên HNX).
Gần đây, chính phủ Việt Nam đã tuyên bố kế hoạch bán quyền thu lệ phí đường cao tốc cho khu vực tư nhân. Tổng Công ty đường Cao tốc Việt Nam (VEC) đang đề xuất bán một phần danh mục đầu tư của mình, bao gồm 5 dự án đường cao tốc: Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành với tổng chiều dài 570km và tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD (trong đó có 57% từ nguồn vốn nhà nước).
Vào tháng 10/2014, chính phủ Việt nam đã bán 49% cổ phần của dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho công ty Ấn Độ IL&FS với những điều khoản khá ưu đãi. Theo những thông báo gần đây của chính phủ thì các chuyên gia nhận định rằng việc tái cơ cấu những DNNN cũng như tái cơ cấu đầu tư công đang được thổi một làn gió mới, trong đó việc chính phủ Việt Nam thông qua một cơ chế thị trường và tăng cường tư nhân hóa sẽ đem lại kết quả trong năm 2015.
(Còn nữa…)
Theo Hoàng Nam