Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ số về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá,… có sự ổn định hơn, xuất nhập khẩu có sự bứt phá hơn so với các năm trước.
Tuy nhiên, thách thức vẫn đang chờ ở phía trước. Năm 2012, một bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa kèm theo nhiều lo lắng kéo dài cả năm và nhiều nỗ lực của Chính phủ đã được triển khai như: Ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP nhằm kích thích tăng tổng cầu và hỗ trợ thị trường; 6 lần giảm lãi suất huy động tiền gửi; hạ lãi suất cho vay xuống dưới 15%.
Nỗ lực này đã góp phần làm GDP nhúc nhích theo chiều hướng tăng dần, lạm phát được kiềm chế, XK tăng cao. Đó là những điểm sáng khá tích cực trong bức tranh tiêu cực của cả năm 2012.
Tuy nhiên, những khó khăn của nền kinh tế vẫn chưa hết, mà tất cả dồn sang năm 2013. Bước vào năm 2013, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với thử thách, do hệ quả để lại sau 5 năm bất ổn kinh tế vĩ mô (từ 2008 đến nay).
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013 là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…” với tốc độ tăng GDP khoảng 5,8% và kiểm soát CPI dưới 8%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho thị trường thông qua một “gói giải pháp hỗ trợ thị trường” nhằm giải quyết hàng tồn kho; xử lí nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ngay từ đầu năm (ngày 7-1-2013), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP.
Nhờ đó, dù vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng nhưng năm 2013 được đánh giá là năm kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục, trái ngược với nhận định của một luồng quan điểm cho là kinh tế “nằm bẹp dưới đáy”.
Ông Glenn B. Maguire, Kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ đánh giá: Tăng trưởng chạm đáy và lạm phát cũng chạm đáy trong năm 2013. Đó là tiền đề để tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng tốc lên mức 5,8% trong năm 2014. Như vậy, tốc độ tăng trưởng trong 2 năm tới của Việt Nam chỉ thấp hơn một số ít các nước xung quanh như Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: “Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trường cho 3 tháng cuối năm 2013 và năm 2014”. Nhưng Thủ tướng cũng nhận định, nền kinh tế vẫn phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, ngay cả những mặt làm được cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vấn đề đang đặt ra cho năm 2014 và các năm tiếp theo là phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, để tạo cơ sở cho việc xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo hướng tích cực, trong đó thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu nền kinh tế Việt Nam không đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 7- 8% mỗi năm trong vòng vài thập niên, thì chúng ta không thể kỳ vọng đến sự thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và cũng không có tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội.
PGS. TS. Trần Hoàng Ngân- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Bức tranh kinh tế 2014 sáng sủa hơn
Về các chỉ tiêu kinh tế năm 2014 mà Quốc hội đã thông qua trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 là tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2013 ở mức 5,8%, kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đặt mục tiêu lạm phát là 7%, do đó bức tranh kinh tế năm 2014 sẽ có điểm sáng hơn năm 2013.
Đặc biệt là chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm trong kinh tế vĩ mô và quan trọng là kinh nghiệm trong kiềm chế lạm phát để tạo đà cho nền kinh tế phát triển bền vững. Một điểm nữa là chúng ta đã nhìn thấy những khiếm khuyết của kinh tế vĩ mô trong thời gian qua nên đã hoàn thiện được nhiều vấn đề về thể chế trong 3 năm trở lại đây.
Từ năm 2011 đến 2013 Chính phủ đã ưu tiên hoàn thiện thể chế như sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đầu tư công… Khi thể chế đã được hoàn thiện sẽ tạo đà cho tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt đối với tái cơ cấu DN Nhà nước hiện đã hoàn thiện nhiều Nghị định, Thông tư liên quan đến cổ phần hóa DN Nhà nước nên quá trình tái cơ cấu DN Nhà nước đã tốt hơn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã nhìn thấy nhược điểm của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và đang sửa đổi, mở rộng đối tượng sẽ khiến thị trường bất động sản “ấm” hơn. Cùng với việc đẩy mạnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Chính phủ cũng đang nghiên cứu đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Ngoài ra nguồn vốn từ 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cũng sẽ nâng tổng cầu lên. Tất cả những điểm trên sẽ làm sáng hơn bức tranh kinh tế 2014.
Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham:
Thu hút FDI với chất lượng tốt hơn
Trong năm 2013, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với một số thách thức do mức tăng trưởng chậm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách nhằm tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhờ có các chính sách này, lạm phát được giữ ở mức vừa phải, tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối tại Ngân hàng Nhà nước đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm vừa qua và rủi ro quốc gia (được đo bằng chênh lệch lãi suất trái phiếu Chính phủ và hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng) đang ở mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Trong 2 năm tới, dự đoán sẽ vẫn duy trì thặng dư tài khoản vãng lai ở mức khá cao và tiếp tục thu hút mạnh dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nếu Việt Nam muốn hướng đến một mô hình phát triển kinh tế bền vững có sức cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cần phải thu hút nguồn FDI nhiều hơn và với chất lượng tốt hơn. Để được như vậy, Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục tập trung các nỗ lực trong năm 2014 vào việc bảo đảm hiệu quả cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Nếu không, điều này sẽ tạo ra tình trạng không chắc chắn đối với các nhà đầu tư và nguồn vốn FDI sẽ vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng thực sự.
EuroCham sẽ tiếp tục nỗ lực để quảng bá Việt Nam như một điểm đến thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp châu Âu lẫn Việt Nam, và mong muốn được tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam, các thành viên và đối tác ở Việt Nam và châu Âu, nhằm tối đa hóa sự thành công của các bên tại Việt Nam – một quốc gia đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính Ngân hàng BIDV:
Nền kinh tế đang ấm lên từ đáy
Năm 2013 là năm mà nền kinh tế Việt Nam “ấm lên từ đáy”. Đáy ở đây có thể hiểu là năm 2012, khi GDP tăng trưởng 5,03% thấp nhất trong 10 năm trước đó. Năm 2013, GDP tăng trưởng ở mức 5,42%. Động lực tăng trưởng năm 2013 không phải do đầu tư nội địa mà cơ bản vẫn là do xuất khẩu (tăng khoảng 15% so với năm 2012), giải ngân đầu tư FDI và ODA (tăng 7 – 8%) và do tổng cầu (sản xuất và tiêu dùng) tăng. Tăng trưởng GDP dù còn yếu ớt, nhưng đang có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, với những rủi ro, thách thức, Việt Nam cần tiếp tục kiên định chính sách ổn định kinh kế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đồng thời quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế. Những khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, bộ ngành và Ngân hàng Nhà nước đó là: Đẩy nhanh thực hiện 3 “đột phá” gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; Đẩy nhanh và đồng bộ 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế; Tiếp tục hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp; Giải pháp tổng thể, khẩn trương xử lý nợ xấu; Sớm cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong tài chính- ngân hàng; Quyết liệt hơn trong phối hợp chính sách và cải cách thủ tục hành chính; Có chính sách dài hơi đối với thị trường vàng; Định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong gia nhập TPP và AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN).
Về phía DN, các DN cần thực hiện quyết liệt tái cơ cấu (chiến lược-tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị…), tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng CNTT và phân tích kinh doanh nhằm giảm chi phí, phát triển đúng và bài bản. DN cũng cần nâng cao chất lượng quản trị DN bằng việc áp dụng các thông lệ và chuẩn mực về quản trị DN và quản lý rủi ro, đồng thời tăng cường liên kết cùng chia sẻ khó khăn, cơ hội.
Những công việc cần làm khác là tăng cường công tác nghiên cứu và dự báo bài bản, đặc biệt đối với các chính sách tài chính-tiền tệ và vĩ mô và củng cố, tăng cường, đào tạo đội ngũ cán bộ, thu hút tài năng lại càng phù hợp trong những thời điểm hiện nay.
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Cả tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể. Nhưng điểm tích cực nổi bật là các chỉ báo kinh tế vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định hơn; lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng cao, bình ổn được tỷ giá VNĐ…
Nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” thì kết quả của năm 2013 là tích cực. Nhưng những chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau, nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến của tình hình.
Từ sự đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 như trên cho thấy, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn đặt ra trong năm 2013 (như đã nêu trên) vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014.
Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm; khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn; khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến trong năm 2014; nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi về cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013; khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012-2013. Do đó, có thể dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,8% và CPI tăng khoảng 7%. Nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Lương Bằng- Hồ Huệ (thực hiện)
Theo Lương Bằng