“Những khung hình của phố” của Quách Thúy Quỳnh là những trang viết đầy rung cảm, vừa ăm ắp hồi ức vấn vít nhớ thương, vừa đong đầy những suy tư hoài niệm về phố và người ở phố.
Chỉ nhận mình là “người ở phố”, cách định vị thật khiêm nhường của tác giả Quách Thúy Quỳnh có lẽ cũng chỉ mong nhận được sự đồng cảm với bao “người ở phố”. Tập tản văn Những khung hình của phố được chia làm bốn phần chủ đề chính: “Chuyện phố”, “Những chuyện tâm tình”, “Mùa trong lòng phố”, “Chuyện Tết”. Dù có sự phân tách song từng ký ức ấy như hòa quyện, bện xoắn vào nhau trong những câu từ chất chứa tình cảm da diết yêu thương, gắn bó của người viết. Từ những chi tiết nhỏ trong sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế đủ sức nhấn nhá, gợi lên nỗi bồi hồi, thổn thức, xúc động, hoài mong với những ai chọn đọc tập tản văn này.
“Chuyện phố” viết về Hà Nội, như một miền ký ức được gói ghém trong những trang sách giàu sức gợi. Hà Nội một thời còn xóm nọ, xóm kia xôn xao, lấp lánh với những “trò trẻ” tập tành nấu cơm bằng ống bơ, làm đám tang cho những con chim sẻ, cá chọi, cào cào, châu chấu. Hà Nội “những bạn bè tôi”, “những con đường lứa tuổi 20” với những nỗi riêng chung lắm khi không thể nào tách bạch.
Khúc lắng đọng khi đọc “Những chuyện tâm tình” với những hình dung về con phố xưa cũ, nơi có những nhà nào, của ai, từng sinh sống ra sao… chân dung số phận của từng con người sinh động, đa chiều cũng góp phần làm nên chân dung sống động, mang lại cảm giác mọi thứ như vẫn hiện hữu đâu đây.
“Mùa trong lòng phố” đưa độc giả cùng thong dong thưởng thức với những sắc thái đặc trưng. Là cả mùa xuân chan chứa nhựa sống, hay là mùa của những vệt sáng xanh trong từ tán lá non. Là những mùa hoa chứa ký ức nồng nàn về ngang phố. Cả những xuyến xao khi phố giao mùa, khi nắng, khi mưa, khi nổi gió… Bằng góc nhìn đầy thẩm mỹ lẫn thi vị từ chính những chi tiết quen thuộc, Quách Thúy Quỳnh biết cách thổi hồn, mang dư vị của mùa vào từng trang viết.
Và góc “Chuyện Tết” không thể kể thiếu những “sớm mùng” xôn xao tựa như những tiếng gõ lanh canh đánh thức bao hoài nhớ thiêng liêng, hay cùng nhàn đàm về cách “ăn Tết thuận tự nhiên” sao cho vừa sức, vừa với tâm ý của mình.
Văn phong của Quách Thúy Quỳnh vừa có nét duyên, dí dỏm mà chân thành, vừa nhạy cảm, tinh tế với những góc nhìn nhận rất riêng. Tác giả họa nên một bức tranh bằng ngôn từ, hay những thước phim quay chậm để người đọc được nhấm nháp dư vị bình yên từ hồi ức, quá khứ đẹp đã trôi qua nhưng chưa hề có sự chia xa, ngăn trở. Đọc sách, độc giả có thể nhận thấy những dấu ấn về văn hóa, con người đan xen, thấm trong từng tác phẩm viết. Phía sau những nét dáng, thanh âm, sắc màu, mùi vị… được gom góp, gìn giữ không chỉ đơn thuần là nỗi nhớ không dưng, mà đó còn là một thái độ văn hóa, một tình cảm đầy trân trọng nâng niu giá trị của người, của phố.
Đọc “Những khung hình của phố” mà thấy cả phố, cả người, cả ký ức như đang thì thầm bao chuyện. Để rồi, ta chợt nhận ra rằng, mọi thăng trầm, buồn vui, được mất… không bao giờ vô nghĩa trước nỗi nhớ về ký ức vẫn vẹn nguyên thao thức trong lòng người vốn còn đầy rung cảm.