Lãi suất tăng, vàng giảm: Cơn đau đầu của nhà giàu

Dòng tiền hàng chục ngàn tỷ trong dân có dấu hiệu dịch chuyển rất mạnh trong thời gian gần đây khi mà hệ thống ngân hàng chưa hết biến động, vàng giảm giá kéo dài, còn thị trường ngoại tệ trầm lắng.

Lãi suất tăng, vàng giảm

Hàng loạt các ngân hàng thương mại âm thầm bước vào một cuộc đua tăng lãi suất từ đầu năm cho tới nay.

Cho dù không ồn ào như những lần chạy đua lãi suất trong các năm trước khi lạm phát đứng ở mức cao kỷ lục, nhưng cuộc đua tăng huy động lãi suất để tái cấu trúc ngân hàng, để tăng cường cho vay, lớn mạnh chiếm thị phần cũng như cân đối lại tỷ trọng vốn ngắn hạn và dài hạn… cũng rất quyết liệt.

Thị trường lãi suất ngân hàng được đánh giá chỉ yên ắng trong một khoảng thời gian ngắn từ giữa tháng 4 với mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm lãi suất cho vay để tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế.

Ngân hàng tăng lãi suất.

Sau đó, thị trường đã nhanh chóng nóng trở lại. Nếu như cơn sóng lạ kéo lãi suất huy động lên kỷ lục mới sau nhiều năm, có nơi phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,2%/năm, thì trong 2 tháng qua – tháng 5 và tháng 6 – hàng loạt ngân hàng áp dụng bảng lãi suất huy động trực tiếp rất cao.

Ngân hàng Xây dựng đứng đầu danh sách với mức lãi suất huy động tiền gửi VND ở mức 8,4%/năm. Ngân hàng Eximbank cũng đưa ra mức lãi khá cao, lên tới 8%-8,2% tùy theo hình thức (trực tiếp hay online) và kỳ hạn gửi. Bảo Việt và VietCapitalBank cũng có mức cao nhất lên tới 8,2% giống như Eximbank. Ngân hàng Quốc dân (NCB) có mức huy động từ 8% trở lên.

Đó là chưa kể tới những hình thức huy động lãi suất không được các ngân hàng công bố rộng rãi trên website hay tại các chi nhánh giao dịch. Đại diện một số doanh nghiệp cho tiếp họ được ngân hàng tiếp cận chào mời gửi tiền với mức lãi suất cao hơn nhiều.

Đây cũng là mức lãi suất của một ngân hàng chưa phải nằm trong top đầu lãi suất cao công bố công khai. Nhưng là ngân hàng thường xuyên có mặt trong các cuộc đua lãi suất và rất khát vốn để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, vốn đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam.

Nhiều ngân hàng quy mô lớn và có nguồn gốc quốc doanh sau một thời gian im lặng hồi đầu năm gần đây đã bắt đầu tăng lãi suất, phần lớn đã chạm mốc 7%/năm.

Sóng ngầm tăng lãi suất từ đầu năm tới nay tưởng chừng không mạnh nhưng dường như rất dữ dội trong bối cảnh hàng loạt ngân hàng đang phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. Hệ thống ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn với nợ xấu ở mức cao và cuộc đua trụ hạng đang tới hồi gay cấn.

Dòng tiền về đâu

Lãi suất tăng khá trái ngược với diễn biến thường thấy khi thị trường vàng hoàn toàn trầm lắng, dân đầu cơ vàng vắng bóng và các doanh nghiệp kinh doanh vàng khó làm ăn, nhiều người thậm chí từ bỏ lướt sóng vàng và gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Tỷ giá ổn định, vàng giảm giá: Dòng tiền vào ngân hàng và chứng khoán.

Tính từ đầu năm tới nay, thị trường vàng miếng gần như đóng băng, giao dịch rất ít, chủ yếu là các giao dịch nhỏ lẻ của người dân mua vàng với mục tiêu tích trữ. Tính từ đầu năm, thị trường chỉ có một đợt sốt 2-3 ngày vào thời điểm ngày vía Thần tài hồi đầu năm.

Giá vàng phần lớn thời gian nằm dưới ngưỡng 37 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước thậm chí không biến động cho dù giá vàng thế giới có những thời điểm tăng khá mạnh.

Thị trường ngoại tệ cũng không có một đợt sốt nóng tăng cao nào. Tỷ giá USD /VND ổn định trên các thị trường. Giá USD trên thị trường chợ đen nhiều lúc còn thấp hơn giá USD trên thị trường ngân hàng. Lãi suất tiền gửi đồng USD là 0%.

Trước đây, thị trường vàng và ngoại tệ với quy mô có thể lên tới hàng chục tỷ USD hút một lượng tiền không nhỏ mỗi khi “có sóng”. Trong các năm trước, vàng thường chứng kiến vài còn sóng lớn mỗi lần tăng giảm vài triệu đồng/lượng va nhiều con sóng nhỏ. Tỷ giá cũng biến động rất mạnh, ít nhất là vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới và những lần trước và sau khi NHNN tăng tỷ giá.

Tuy nhiên, năm nay tình hình đã khác. Một số chuyên gia cho rằng, dòng tiền vào 2 thị trường này rất ít. Theo đó, trước đây tham gia vào thị trường này toàn là “tay to”, dân đen thì chỉ mang tính phong trào, còn “ông lớn” mới có những cú đầu cơ hàng triệu đô, có thể thao túng thị trường. Giờ đây, thị trường ổn định, dòng tiền tự động chuyển tới nơi khác.

Cũng theo chuyên gia này, việc thị trường chứng khoán sôi động trở lại và liên tiếp lập kỷ lục mới, lên mức cao nhất trong cả thập kỷ qua đã hút một dòng vốn lớn sang kênh huy động vốn này. Hàng loạt các cổ phiếu blue-chips cho tới penny tăng giá mạnh đã hút dòng tiền vào đây. Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu lớn được đưa lên sàn cũng kéo một dòng tiền lớn sang.

Gần đây, cổ phiếu ngành ngân hàng nổi sóng cùng với yêu cầu bắt buộc niêm yết cổ phiếu và kế hoạch tăng vốn trong thời gian tới cũng khiến các đại gia phải tính toán để dành tiền cho những cơ hội mới.

Trong khi một dòng vốn lớn đang chảy sang chứng khoán, hệ thống ngân hàng vẫn chưa hết biển động, chưa vào thời kỳ ổn định. Quá trình tái cấu trúc ngân hàng đang bước vào giai đoạn 2 khốc liệt hơn. Cuộc đua xử lý khối nợ xấu khổng lồ, rồi nỗ lực tái cấu trúc các ngân hàng thuộc diện yếu kém hay cuộc đua nước rút theo chuẩn quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như quy mô… đang buộc các ngân hàng cần một lượng tiền lớn.

Trong bối cảnh như vậy, hiện tượng ngân hàng tăng lãi suất là dễ hiểu và tình trạng này có thể còn kéo dài. Lãi suất cho vay ra nền kinh tế do vậy có thể cũng chưa thể giảm trong thời gian tới như kỳ vọng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin