Lãi suất tiền gửi USD được điều chỉnh giảm sâu được kỳ vọng sẽ khiến lãi suất vay USD giảm theo, từ đó hỗ trợ cho các nhà xuất – nhập khẩu vay vốn cuối năm. Song thực tế diễn biến lãi suất như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, lãi suất vay ngoại tệ chưa giảm như mong muốn. Mặt bằng lãi suất cho vay bằng ngoại tệ đang dao động chỉ 3-3,5%/năm, nhưng theo ý kiến của các doanh nghiệp, lãi suất vay ngoại tệ nên được đưa về mức 2,5-3%/năm, để giúp các công ty giảm chi phí tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mức trên cũng đảm bảo cho ngân hàng có lãi sau khi trừ chi phí huy động vốn và dự trữ bắt buộc. Vay ngoại tệ là chấp nhận rủi ro tỉ giá, lãi suất vay phải hấp dẫn, đủ bù đắp rủi ro, thì bên vay mới chấp nhận.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, nếu giảm thêm cũng chỉ có thể kỳ vọng ở mức 0,5%/năm đến gần 1%/năm. Bên cạnh đó, hiện lãi suất cho vay tiền đồng đã giảm đáng kể so với trước và chênh lệch giữa lãi suất vay ngoại tệ – tiền đồng dần thu hẹp, các DN xuất khẩu phần lớn được khuyến khích chọn xu hướng vay tiền đồng để tránh rủi ro biến động tỉ giá như thời gian vừa qua chứ không phải khuyến khích vay USD.
Trong báo cáo mới đây của mình, Ngân hàng HSBC Việt Nam đưa ra nhận định, dù lãi suất tiền gửi USD giảm nhưng lãi suất cho vay USD sẽ khó có khả năng giảm vì thực tế Việt Nam vẫn bám sát lãi suất USD tại thị trường quốc tế. Lãi suất thị trường quốc tế hiện nay đã phản ánh phần nào kỳ vọng của thị trường về việc FED sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.2015.
Với tình hình ngoại hối trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ của NHNN, HSBC không nghĩ cho vay USD sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, do các DN sẽ cẩn trọng hơn khi vay ngoại tệ nếu không có doanh thu bằng ngoại tệ.
Đại diện một số ngân hàng thương mại cũng cho biết, nhu cầu vay ngoại tệ khó tăng thêm trong bối cảnh khách hàng vẫn đang canh chừng biến động tỉ giá. Hơn nữa, ngân hàng cũng không muốn dãn khoảng cách cho vay tiền đồng và ngoại tệ quá xa, nhất là xu hướng đi lên của lãi suất tiền đồng đang thể hiện ngày một đậm nét.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng tiền đồng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Lãi suất cho vay bằng tiền đồng vẫn ổn định, với mức phổ biến cho các lĩnh vực ưu tiên là 6-7%/năm đối với ngắn hạn.
Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại đưa ra dự báo lãi suất đang chịu sức ép tăng vào giai đoạn cuối năm. Tại hội nghị các nhà đầu tư mới đây, ông Andy Hồ – Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư của Quỹ đầu tư VinaCapital – nhận định, nếu Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế trong năm nay đồng thời với việc tăng lãi suất để hấp dẫn nhà đầu tư, điều này có thể tạo ra sức ép khiến lãi suất (ngân hàng) tăng trong những tháng cuối năm.
Theo ông Andy Hồ, nếu Việt Nam muốn phát hành trái phiếu quốc tế ngay trong năm nay, có khả năng lãi suất ngân hàng sẽ tăng ngay sau đó, còn nếu chờ đến năm 2016, lãi suất sẽ ổn định đến hết năm nay. Ngoài ra, nếu Mỹ tăng lãi suất vào cuối năm 2015, việc này cũng sẽ tạo sức ép khiến lãi suất của Việt Nam có thể tăng lên vào cuối năm.