Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ phương án sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỉ đồng nhà ở xã hội
Đây là thông tin được đưa ra tại Họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 sáng 23-7.
Cụ thể, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng sẽ được sửa theo hướng tăng mức ưu đãi cho người mua nhà: Lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, hiện tại là thấp hơn 1,5-2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần). Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại.
Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư sẽ được giữ nguyên như hiện tại.
Đối tượng vay vốn của gói tín dụng 120.000 tỉ đồng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội; nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.
Người vay phải đáp ứng các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng; đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.
Mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần để mua một căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định. Mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại chương trình này một lần.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến nay, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng mới giải ngân được 1.344 tỉ đồng. Trong đó, Agribank là ngân hàng giải ngân nhiều nhất.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng giải ngân chậm là do nhiều địa phương vẫn chưa công bố danh mục nhà ở xã hội (mới có 34/63 địa phương công bố). Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được các địa phương công bố, nhiều dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Một số dự án khi được ngân hàng tiếp cận lại đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý (vướng mắc về thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa khởi công…) nên chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm.
Cho vay doanh nghiệp bất động sản tăng 10,29%
Tín dụng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong tháng 6-2024 với mức tăng 3,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng 5 tháng cộng lại. Tính chung đến cuối tháng 6-2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023.
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang, tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%…
Riêng tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, chiếm tỉ trọng 39-40% tổng tín dụng bất động sản. Tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,15% và chiếm tỉ trọng 60%. Như vậy, cầu vay mua nhà đã thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm song vẫn ở mức thấp.
Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng có 4 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank tham gia, mỗi ngân hàng tham gia 30.000 tỉ đồng. Ngoài ra, 2 ngân hàng TMCP tư nhân (TPBank, VPBank) mỗi ngân hàng tham gia 5.000 tỉ đồng.