TTO – Phát biểu trước Quốc hội ngày 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: phải hành động để người Việt làm giàu trên quê hương mình. Điều này trước tiên cần tư duy khác về chuyện làm giàu và những chính sách mới để cùng làm giàu.
Xoài Cao Lãnh, đặc sản của các hợp tác xã chuyên doanh về xoài Đồng Tháp tại Phiên chợ quê siêu thị Big C An Lạc (TP.HCM) ngày 8-11 – Ảnh: V.LỢI
Câu chuyện khởi nghiệp, khấm khá hơn trên quê hương mình từ tỉnh Đồng Tháp.
Khởi nghiệp từ nông nghiệp
Ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang) từng nói “Để người dân không bỏ quê đi Bình Dương, hãy làm như Đồng Tháp!” (Tuổi Trẻ ngày 20-1-2018).
“Đi Bình Dương” là cách nói của người ĐBSCL về chuyện bỏ quê đi tìm công ăn việc làm ở xứ khác. Dù thực tế ở tỉnh vẫn đông người “đi Bình Dương” lắm, nhưng quả thật Đồng Tháp đã nỗ lực rất nhiều để người dân địa phương mình bớt phải kiếm sống phương xa.
Bên cạnh việc tập trung đào tạo nghề cho người trẻ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi (chỉ số PCI của tỉnh này 11 năm liền đứng trong tốp đầu cả nước), Đồng Tháp cụ thể hóa việc tái cơ cấu lực lượng lao động ở nông thôn bằng cách phát động khởi nghiệp nông nghiệp, làm du lịch nông nghiệp và tái khởi động chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) với phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”.
5 năm trở lại đây, Đồng Tháp đã trở thành điểm sáng về khởi nghiệp nông nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tăng gần gấp 3 lần so với trước, bình quân mỗi năm là 500 doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp xuất phát từ Đồng Tháp đã thành danh trong nước và xuất khẩu, như sản phẩm trái cây sấy của Nam Huy Đồng Tháp, mãng cầu xiêm Thuận Thiên Thành, trà lá sen Khánh Thu, hoa sen ướp tươi Ecolotus…
Chuỗi giá trị nông sản của Đồng Tháp đã dài ra, sản phẩm chế biến từ nông sản tươi và phụ phẩm nông sản nhiều hơn. Thêm nhiều công ăn việc làm giữa lòng nông thôn, nhiều lao động nhàn rỗi có thêm thu nhập.
Về du lịch, xoay quanh “tam giác” làng hoa Sa Đéc, Vườn quốc gia Tràm Chim và khu di tích Gò Tháp – 3 điểm đến là tài nguyên chính của du lịch Đồng Tháp, tỉnh đã phát động nông dân đầu tư làm du lịch vườn, du lịch sinh thái, homestay… Du khách biết đến Đồng Tháp có du lịch vườn quýt hồng Lai Vung, du lịch Đồng Sen Tháp Mười, homestay Sa Đéc…
Người Đồng Tháp làm du lịch, quảng bá và tiêu thụ nông sản tại chỗ, nhà nông có ý thức gìn giữ môi trường ruộng vườn, làm đẹp làng xóm. Cùng với đó, nhiều lao động nông thôn có thêm việc làm.
Đồng Tháp cũng tái khởi động chương trình xuất khẩu lao động. 4 năm qua, mỗi năm Đồng Tháp đưa hơn 1.000 lao động đi nước ngoài làm việc, tập trung vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Không chỉ lao động được hỗ trợ chính sách tối đa, có thể vay đủ 100% chi phí từ khi học nghề đến lúc lên máy bay, mỗi đợt tiễn đưa lao động xuất cảnh đều có lãnh đạo tỉnh đến dự lễ để dặn dò.
Hiện nay, một bộ phận lao động của Đồng Tháp đi nước ngoài làm việc đã trở về. Một bộ phận trong đó đã kế nghiệp công việc của gia đình, một phần trong đó tự khởi nghiệp – lập nghiệp để làm chủ thực sự.
Làm giàu nhưng phải hợp pháp
Toàn cầu hóa làm cho khoảng cách giàu – nghèo ngày một sâu sắc hơn. Hàng hóa xa xỉ được đổ qua nước nghèo, nhưng tri thức và khoa học kỹ thuật tiên tiến thì nước giàu giữ rịt. Nên nước nghèo vẫn cứ nghèo. Cái nghèo ngày xưa được so sánh trong nội bộ lũy tre làng, mơ ước của nhiều người chỉ là đủ ăn, đủ mặc.
Ngày nay, nghèo – giàu được đem so với thế giới. Không ít người nghĩ rằng nghèo nghĩa là không có xe sang, “dế” xịn. Cho nên có chị làm công nhân may, lương tháng 5-7 triệu đồng vẫn vay mượn để sắm điện thoại iPhone. Có sinh viên mới ra trường đã khóc lóc xin gia đình sắm cho con xe SH Mode để đi làm.
Hoặc với không ít người, chuẩn giàu là phải có nhà lầu, xe hơi, bất kể giàu bằng cách nào! Giàu thì tốt nhưng phải giàu lên hợp pháp. Giàu không chỉ là sự phú quý cho bản thân, cho gia đình nhỏ của mình. Giàu sẽ có ý nghĩa hơn khi mình làm chủ đời mình, góp phần tạo việc làm cho người khác và xã hội sẽ phồn thịnh hơn, con người không tủi phận chui lủi phận làm thuê.
Trước đây, Nhà nước muốn lập cụm công nghiệp ở mỗi huyện để nông dân ly nông nhưng không ly hương. Khổ nỗi, khu công nghiệp chỉ có các nhóm ngành công nghiệp giản đơn, thâm dụng lao động, lương thấp.
Vậy thì đi tỉnh khác làm công nhân, làm dịch vụ hay đi xa hơn ra nước ngoài càng tốt. Ai còn trẻ, có sức khỏe, có kiến thức cố mà đi để có thêm thu nhập. Quê tôi bây giờ, nhà nào cũng có người đi làm ăn xứ khác, ai chịu làm đều khá. Người thất bại cũng có nhưng ít thôi, chủ yếu do lười lao động.
Không bỏ quê có thể khấm khá được không? Rất may, câu trả lời là được. Một trong những cách để người dân nước nông nghiệp vươn lên thoát nghèo ngày nay theo tôi là cần phải dịch chuyển tư duy. Nông sản không chỉ là lương thực thực phẩm, cần chú trọng chế biến nông sản để tạo ra giá trị cao hơn.
Tôi đã gặp ở quê mình những người khấm khá từ nghề làm mứt chuối; người trồng cây mãng cầu xiêm lấy trái phần đóng lọ, phần sấy dẻo; lá sầu riêng thì làm trà. Lại có người lấy múi mít, lát khoai, hột sen đưa vô lò sấy rồi đóng gói làm nên thương hiệu trái cây sấy; vỏ cam, vỏ quýt về chưng cất làm ra sản phẩm tinh dầu…
Họ đã không bỏ quê và giúp cho nhiều người khác sống khá được ở quê mình. Điểm chung của họ là có kiến thức, và quan trọng nhất là khát vọng.
Lao động Đồng Tháp đi nước ngoài làm việc không chỉ để kiếm tiền mà còn là để học hỏi kỹ năng làm việc và quảng bá hình ảnh quê mình. Ở hậu phương, tỉnh đã vận động thành lập nhiều CLB gia đình có con em đi XKLĐ. Các gia đình tự bảo ban nhau động viên con em mình làm việc ở nước ngoài phải tuân thủ quy định, đúng hạn thì về, vừa cùng tìm cách giúp nhau giữ và sử dụng tiền của con em mình gửi về một cách hợp lý, để khi lao động về nước có cơ sở để khởi nghiệp, chuyển sang làm chủ.