Không cần đến những chất tẩy rửa hóa học, những nguyên liệu đơn giản ngay trong căn bếp nhà bạn cũng có thể vệ sinh mọi thứ trở nên sạch bong, sáng bóng.
Những vật dụng trong nhà chúng ta, qua thời gian dài sử dụng sẽ bị khấu hao về ngoại hình cũng như mặt thẩm mỹ. Đặc biệt là với những vật dụng làm từ inox, nhôm hay đồng, như các loại bồn, vòi rửa hay nồi niêu, xoong chảo.
Đối với các loại bồn hay vòi rửa, sẽ xuất hiện các vết rỉ sét, oxy hóa hay ố vàng khi tiếp xúc lâu ngày với các chất bẩn, thức ăn thừa.
Còn đối với các loại nồi niêu xoong chảo, qua quá trình nấu nướng, tiếp xúc với nguồn lửa từ bếp, sẽ xảy ra tình trạng đáy nồi bị cháy đen. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của vật dụng mà còn liên quan phần nào tới hiệu quả hoạt động của chúng.
Để giải quyết các vấn đề trên, nhiều người sẽ tìm đến những loại dung dịch tẩy rửa hóa học chuyên dụng. Tuy nhiên, việc này cũng vô tình dẫn đến một số hệ lụy như gây mùi khó chịu, chi phí tốn kém, thành phần tạo nên các chất tẩy rửa có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng…
Một số người dùng còn đưa ra trường hợp dùng chất tẩy quá mạnh mà dẫn tới hư hại đồ dùng.
Người dùng Phương Phương (group Yêu Bếp) chia sẻ bồn rửa nhà mình xuất hiện các vệt bẩn mất thẩm mỹ khi dùng chất tẩy rửa quá mạnh. (Ảnh Phương Phương)
Mới đây, một người dùng trên nhóm Yêu Bếp đã chia sẻ phương pháp chỉ dùng những nguyên liệu đơn giản nhà nào cũng có. Đó là sử dụng kem đánh răng, giấm và baking soda.
Nếu như kem đánh răng và giấm là những nguyên liệu quen thuộc, gia đình nào cũng có thì baking soda có thể dễ dàng được tìm mua tại các siêu thị hay cửa hàng tạp hóa. Đây đều là những nguyên liệu có tính năng làm sạch, khử mùi tốt. Và quan trọng là an toàn với cả vật dụng và người sử dụng.
Cũng theo lời người dùng này, sẽ kết hợp 3 nguyên liệu trên với nhau tùy theo vật dụng cần làm sạch.
Người dùng chia sẻ phương pháp cọ sạch nghìn lẻ 1 thứ trong bếp chỉ với những nguyên liệu đơn giản như kem đánh răng, giấm và baking soda. (Ảnh Group Yêu Bếp)
1. Với bồn rửa cáu bẩn, ố vàng
Với các loại bồn rửa, pha hỗn hợp baking soda và giấm, có thể thêm một chút kem đánh răng tùy thích để làm sạch. Trộn các chất với nhau để tạo thành hỗn hợp có độ sền sệt nhất định. Giấm và baking soda đều là 2 chất tẩy rửa tốt, ngoài ra giấm còn có thể khử mùi.
Hình ảnh trước và sau khi làm sạch bồn rửa với baking soda và giấm. (Ảnh M.N – Group Yêu Bếp)
Bên cạnh việc dùng giấm và baking soda, một số phương pháp khác được chỉ ra để làm sạch bồn rửa bát có thể kể đến như dùng chanh tươi, muối, phèn chua hay nước nóng.
Dùng chanh tươi kết hợp phèn chua
Cách làm như sau: Hòa tan hỗn hợp nước cốt chanh và phèn chua theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, dùng một miếng rửa bát hoặc khăn vải thấm vào hỗn hợp rồi lau khắp bề mặt chậu rửa.
Lưu ý, với những khu vực nhiều vết bẩn hoặc vết bẩn dày, cứng đầu, có thể đổ trực tiếp hỗn hợp lên và để trong khoảng 20 – 30 phút.
Kết thúc quá trình, ta dùng nước sạch rửa lại toàn bộ khu vực bồn.
Dùng chanh kết hợp với muối
Tương tự như chanh tươi kết hợp với phèn chua, chanh tươi kết hợp với muối cũng là một lựa chọn tốt cho việc vệ sinh các vết ố vàng trong bồn rửa bát.
Đầu tiên, cần rắc đều một lượng muối vừa đủ lên toàn bộ bồn rửa và đợi trong khoảng từ 2 – 3 phút. Tiếp đến, dùng nửa quả chanh chà xát lên phần muối đó, chà mạnh hơn ở những khu vực tập trung nhiều vết bẩn.
Ảnh minh họa.
Sau khi hoàn thành, rửa lại bồn với nước sạch.
Dùng nước nóng
Cách làm đơn giản nhất đó là sử dụng nước sôi, đổ trực tiếp vào toàn bộ bề mặt bồn rửa. Nước sôi với nhiệt độ cao sẽ làm cho các chất bẩn trong bồn mềm ra, từ đó dễ dàng hơn cho việc vệ sinh. Bạn cũng có thể ngâm bồn trong nước sôi để quá trình này diễn ra hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, phương pháp dùng nước sôi sẽ chỉ phù hợp với những chiếc bồn không quá bẩn, không có những vết ố vàng đã bám lâu ngày.
2. Với đáy nồi, niều, xoong, chảo cháy đen
Đáy nồi, niêu, xoong, chảo bị cháy đen là trường hợp thường gặp, sau thời gian sử dụng. Để làm sạch những vết cháy đen như vậy, người dùng tiếp tục sử dụng hỗn hợp baking soda và giấm. Nhưng so với hỗn hợp để làm sạch bồn rửa, lần này sẽ có pha với cả nước. Sau đó, cho tất cả vào nồi và đun sôi.
Hình ảnh trước và sau khi làm sạch nồi, niêu cháy đen với baking soda và giấm. (Ảnh M.N – Group Yêu Bếp)
Hỗn hợp là sự kết hợp của 2 chất tẩy rửa giấm và baking soda, cùng với đó còn là nước sôi sẽ việc vệ sinh trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn. Hiệu quả của phương pháp này có thể thấy rõ trong video được đăng tải trên Youtube của một người dùng dưới đây.
Vết cháy đen ở nồi, niêu được làm sạch bởi hỗn hợp giấm và baking soda đun sôi. (Video Youtube Nhà Ơi)
Ngoài giấm, bạn cũng có thể dùng nước cốt chanh để thay thế.
Một cách làm khác vô cùng sáng tạo cũng được nhiều người dùng áp dụng đó là sử dụng hỗn hợp nước rửa chén, giấm và tương cà. Đây là một cách làm từng phổ biến trên một mạng xã hội Nhật Bản. Theo đó, cách làm như sau:
Bước 1: Cho 2 thìa tương cà, 2 thìa giấm và 1 thìa nước rửa bát vào với nhau. Sau đó, trộn đều hỗn hợp.
Bước 1.
Bước 2: Sau khi các nguyên liệu được trộn đều vào nhau, phết chúng lên những vị trí bị cháy đen của chiếc nồi hoặc chảo. Nên phết đều, những vị trí bẩn nhiều thì nên phết nhiều hơn. Để ngâm trong khoảng từ 3 – 5 phút.
Bước 2.
Bước 3: Sau khi hết thời gian đợi, dùng miếng bọt biển ẩm lau sạch phần hỗn hợp được phết. Vết bẩn sẽ từ đó mà được làm sạch. Cuối cùng là rửa lại với nước sạch là xong.
Bước 3.
3. Với vòi nước oxy hóa
Với các vòi nước bị oxy hóa trong nhà, cách làm đơn giản nhất là sử dụng kem đánh răng. Bạn chỉ cần cho kem đánh răng vào bàn chải, miếng cọ rửa hay những miếng bùi nhùi, sau đó chà trực tiếp lên vùng cần làm sạch. Tùy vào độ bám của vết bẩn, mà bạn sẽ cần điều chỉnh lực cọ sao cho phù hợp để tránh gây xước cho vật dụng.
Bên cạnh việc chỉ sử dụng kem đánh răng độc lập, bạn cũng có thể kết hợp chúng với một số nguyên liệu khác để tăng hiệu quả làm sạch, đặc biệt là với các vết bẩn cứng đầu, đã bám lâu ngày.
Vòi nước bị oxy hóa sau khi được xử lý với kem đánh răng thì trở nên sạch sẽ, sáng bóng. (Ảnh M.N – Group Yêu Bếp)
Kết hợp kem đánh răng với baking soda
Các bước thực hiện vô cùng đơn giản như sau:
– Chuẩn bị kem đánh răng, baking soda, bình xịt, bát hoặc một chiếc cốc sạch.
– Cho một lượng kem đánh răng và baking soda phù hợp vào bát/cốc, rồi cho thêm một ít nước.
– Trộn đều hỗn hợp.
– Cho hỗn hợp vào bình xịt.
– Sử dụng bình xịt, xịt hỗn hợp lên các phần cần làm sạch và cọ bằng bàn chải hoặc miếng cọ rửa.
– Cuối cùng là rửa lại vật dụng với nước.
Chỉ với những bước đơn giản như trên, các vết bẩn, oxy hóa, rỉ sét đã được giải quyết chỉ trong thời gian ngắn.
Kết hợp kem đánh răng với nước chanh và nước rửa bát
Trong chanh chứa axit, giúp tẩy rửa hiệu quả các vết bẩn. Kết hợp cùng kem đánh răng và nước rửa bát, ta sẽ cho ra dung dịch giải quyết các vết rỉ sét, oxy hóa triệt để.
– Vắt nước cốt chanh vào 1 cái bát, tùy theo lượng vết bẩn mà sử dụng số lượng chanh sao cho phù hợp. Thông thường khoảng từ 1 – 2 quả, sau đó lọc bỏ hạt.
– Cho kem đánh răng và nước rửa bát vào, hòa lẫn trong dung dịch nước chanh.
– Dùng bàn chải thấm vào dung dịch, chà lên các khu vực cần làm sạch.
– Có thể dùng các miếng bùi nhùi để cọ rửa, tuy nhiên nếu chà quá mạnh có thể gây xước các bề mặt.
– Sau khi cọ xong, rửa lại với nước và lau khô lại vật dụng bằng khăn vải.
Dưới đây là một video được người dùng thực hiện cọ rửa vết bẩn, oxy hóa trên vòi nước bằng công thức trên:
Người dùng làm sạch vòi nước bằng dung dịch nước chanh kết hợp cùng kem đánh răng và nước rửa bát. (Video: Youtube Sáng tạo DYI)
Người dùng làm sạch vòi nước bằng dung dịch nước chanh kết hợp cùng kem đánh răng và nước rửa bát. (Video: Youtube Sáng tạo DYI)
Có thể thấy, tác động của dung dịch nước chanh, nước rửa bát và kem đánh răng không những làm cho các vết bẩn bị đánh bay hoàn toàn mà còn giúp vòi nước nhà bạn được sáng bóng như mới.
Tuy nhiên, để tránh việc các vết bẩn bám lại lâu ngày trên thiết bị, đồ dùng gia đình, gây ra khó khăn cũng như tốn nhiều công sức hơn trong việc vệ sinh, bạn nên theo dõi và cọ rửa chúng thường xuyên, ngay cả khi không quá bẩn.
Hãy tận dụng khoảng 10 – 15 phút những ngày cuối tuần để tổng vệ sinh đồ dùng 1 lần. Có như vậy thiết bị vừa bền đẹp, vừa không ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cả không gian.