Từ cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh ngọc trai tự nhiên cực kỳ quý hiếm bởi một lượng khổng lồ đã bị khai thác cạn kiệt, phương pháp của Mikimoto ra đời đã can thiệp vào tự nhiên, thay thế tác nhân “hạt cát” rơi vào con trai và tạo ngọc “một cách tình cờ” trong thiên nhiên bằng một loại nhân cấy trực tiếp vào con trai, sau đó con trai được thả về với biển và quá trình tạo ngọc được diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên.
Hiện nay trên thế giới, ngọc trai nuôi trong môi trường tự nhiên có hai loại: ngọc trai nuôi tại môi trường biển và ngọc trai nuôi tại môi trường sông hồ, hay còn gọi là ngọc trai nước ngọt. Tuy bề ngoài thoạt nhìn có vẻ tương đối giống nhau, nhưng một viên ngọc trai biển có giá gấp 10 lần so với ngọc trai nước ngọt.
Người tiêu dùng ngày nay rất khó phân biệt 2 loại ngọc trai này bởi tình trạng ngọc trà trộn lẫn lộn trên thị trường, dễ gây nhầm lẫn và mất tiền oan cho người tiêu dùng khi mua phải ngọc trai “nước sông” với giá bán của ngọc trai biển.
Có 7 yếu tố mà qua đó người tiêu dùng có thể phân biệt được ngọc trai biển và ngọc trai nước ngọt.
Yếu tố 1: Màu sắc
Yếu tố đầu tiên có thể giúp người dùng phân biệt hai loại ngọc trai này là màu sắc.
Ngọc trai biển có màu sắc, hình dáng tự nhiên, không qua xử lý, không mài dũa và mang đặc tính riêng biệt về màu sắc, kích thước của từng loài trai sinh sống theo vùng, như ngọc trai đen của Tahiti (thuộc Pháp), ngọc trai vàng ánh kim South Sea của vùng biển Nam Thái Bình Dương, hay màu trắng, vàng kem, trắng ánh hồng của ngọc Akoya.
Với quá trình tạo ngọc trong tự nhiên, ngọc trai biển có cấu tạo gồm các tế bào xà cừ được xếp lớp hình cầu, cộng với môi trường nước biển có nhiều khoáng chất và xi-phông cao nên ngọc trai biển có độ bóng sáng rực rỡ, ánh lấp lánh, phản chiếu và khúc xạ ánh sáng chiếu vào tạo ra ánh màu 7 sắc cầu vồng, tuỳ thuộc vào các điều kiện ánh sáng khác nhau.
Có thể nhận thấy điều này rõ hơn khi ngọc trai bị ướt. Dưới tác động của hiện tượng khúc xạ, ánh xà cừ đặc trưng của ngọc trai biển nổi bật và khác hoàn toàn so với màu nhân tạo của ngọc trai nước ngọt.
Ngọc trai nước ngọt nguyên bản có gam màu sáng, thường có vằn, không đồng bộ màu trên cùng một viên ngọc, vì thế, để có được màu sắc đa dạng và hoàn hảo, người ta đã tiến hành tẩy trắng hoàn toàn và xử lý hóa chất nhuộm màu để cho ra những viên ngọc với nhiều màu sắc đa dạng, ngoài ra do được nuôi bằng phôi mềm không định hình nên hình dáng ngọc trai nước ngọt thường không tròn đều và được đánh bóng bằng máy quay li tâm để hình dạng viên ngọc “hoàn hảo” hơn trong mắt người mua.
Đôi khi viên ngọc trai nước ngọt đã qua xử lý lại có màu sắc và hình dáng đa dạng hơn cả ngọc trai biển trong khi giá trị của chúng có thể thấp hơn đến 10 lần, điều này làm nhiều người nhầm lẫn khi chọn mua ngọc trai biển, nhất là tại thị trường Việt Nam.
Hiện nay, ngọc trai nước ngọt chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc với số lượng khổng lồ, lên tới 1,500 tấn/năm. Việc chạy theo sản lượng nuôi cấy quá lớn của Trung Quốc đã khiến chất lượng ngọc nước ngọt ngày càng giảm.
Yếu tố 2: Độ cứng
Độ cứng ngọc trai được đo theo thước đo độ cứng Mohs dành cho kim cương và đá quý. Nếu ngọc trai biển được xác định ở mức 3.8 – 4.5 Moha thì ngọc trai nước ngọt chỉ đạt mức 1.8 Moha, tức là chỉ tương đương với thạch anh (theo Thang độ cứng Mohs – Hội Khoáng vật Hoa Kỳ).