Tiền trượt giá là khoản tiền người lao động cần quan tâm khi rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần. Theo đó, tùy vào thời gian làm thủ tục lãnh BHXH 1 lần mà thời điểm được nhận tiền trượt giá sẽ có sự khác nhau.
Khi nào được nhận tiền trượt giá BHXH 1 lần?
Tiền trượt giá BHXH được hiểu là số tiền được điều chỉnh tăng thêm để tạo ra sự cân bằng về giá trị tiền tệ ở thời điểm hiện tại so với những thời kỳ trước. Đây là số tiền được tính dựa trên mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố của từng năm.
Tiền trượt giá được tính thêm khi người lao động rút BHXH 1 lần với mục đích chống lại sự mất giá của đồng tiền ở thời điểm hiện tại so với những thời kỳ trước. Từ đó, quá trình đóng BHXH của người lao động sẽ được đảm bảo tính công bằng, bởi số tiền đóng BHXH của những năm trước thấp hơn rất nhiều ở hiện tại.
Hiện nay, Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn đều chưa có quy định cụ thể về thời điểm chi trả tiền trượt giá.
Tuy nhiên, trong công thức tính BHXH 1 lần mà Luật BHXH quy định, tiền trượt giá đã được tính luôn vào số tiền BHXH 1 lần. Riêng trường hợp làm thủ tục BHXH 1 lần trong thời gian đầu năm, khi chưa công bố hệ số trượt giá, cơ quan BHXH sẽ tạm thời chưa tính tiền trượt giá cho người lao động.
Do đó, tùy vào thời gian làm thủ tục lãnh BHXH 1 lần mà thời điểm được nhận tiền trượt giá sẽ có sự khác nhau:
– Trường hợp rút BHXH vào đầu năm khi chưa công bố hệ số trượt giá: Tiền trượt giá sẽ được nhận bù sau khi cơ quan BHXH nhận được công văn hướng dẫn áp dụng hệ số trượt giá.
– Trường hợp hệ số trượt giá đã được công bố: Tiền trượt giá được lãnh luôn cùng tiền BHXH 1 lần (tiền BHXH 1 lần bao gồm cả tiền trượt giá).
Hệ số trượt giá BHXH năm 2023 tăng bao nhiêu?
Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập đã đóng BHXH còn được biết đến với tên gọi khác là hệ số trượt giá BHXH, giúp tạo ra sự cân bằng về giá trị tiền tệ ở thời điểm hiện tại so với thời điểm trước. Cuối mỗi năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ công bố một hệ số mới áp dụng cho năm sau.
Vào ngày 3/1/2023, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư 01/2023/TT-BLĐTBXH quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
Mặc dù đến 20/2/2023, Thông tư này mới có hiệu lực nhưng những quy định về hệ số trượt giá đã được áp dụng từ 1/1/2023. Theo đó, từ ngày 1/1/2023, hệ số trượt giá BHXH sẽ được áp dụng cụ thể như sau:
Hệ số trượt giá BHXH đối với người tham gia BHXH bắt buộc
Hệ số trượt giá BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện
Có thể thấy, so với năm 2022, hệ số trượt giá BHXH năm 2023 trong các giai đoạn đều tăng, có giai đoạn tăng mạnh đến 0,16 (giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995). Do đó, khi tăng hệ số trượt giá BHXH, mức nhận BHXH 1 lần của người lao động cũng sẽ tăng theo.
Làm thế nào để nhận tiền trượt giá BHXH sau khi rút BHXH 1 lần?
Hiện chưa có sự thống nhất về hình thức chi trả bổ sung tiền trượt giá cho người lao động giữa các cơ quan BHXH. Thế nhưng, hiện có 2 cách phổ biến nhất để người lao động có thể nhận bù tiền trượt giá sớm nhất.
Cách 1: Đến trực tiếp cơ quan BHXH để nhận tiền trượt giá
Sau khi hệ số trượt giá của năm mới được công bố, người lao động có thể chủ động liên hệ bộ phận một cửa của cơ quan BHXH nơi đã giải quyết hưởng BHXH 1 lần để hỏi về tiền trượt giá.
Khi đi, người lao động nên mang các giấy tờ sau:
– Quyết định về việc hưởng BHXH 1 lần (Mẫu số 07B-HSB).
– Bản chính Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân để xuất trình.
Cách 2: Chờ tiền trượt giá tự trả về tài khoản hoặc chờ cơ quan BHXH gọi lên nhận tiền mặt
Khi có công văn hướng dẫn về việc áp dụng có hệ số trượt giá BHXH của năm đó, cơ quan BHXH sẽ tự tính thêm tiền trượt giá và liên hệ đến người lao động để nhận bổ sung.
Tùy vào hình thức đăng ký nhận tiền BHXH 1 lần trước đó mà người lao động sẽ được nhận bổ sung tiền trượt giá. Cụ thể, nếu người lao động đăng ký nhận BHXH 1 lần bằng tiền mặt, thì cần đến cơ quan BHXH để nhận tiền trượt giá.
Trường hợp người lao động đăng ký nhận BHXH 1 lần qua ATM, tiền trượt giá được chuyển thẳng về thẻ ATM.