Đồng euro tiếp tục trượt xuống mức thấp nhất mới chưa từng có trong vòng 20 năm so với USD, và tiến gần tới mức ngang bằng nhau do lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ đẩy khu vực đồng euro rơi vào suy thoái, trong bối cảnh đồng bạc xanh đang trên đà tăng giá bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn so với các đồng nghiệp.
Đường ống duy nhất lớn nhất chở khí đốt của Nga đến Đức, đường ống Nord Stream 1, bắt đầu được bảo trì hàng năm vào thứ Hai (11/7), theo kế hoạch thì dòng chảy khí dự kiến sẽ ngừng lại trong 10 ngày, nhưng các chính phủ, thị trường và công ty lo ngại thời gian ngừng hoạt động có thể bị kéo dài do tình hình căng thẳng ở Ukraine.
Bipan Rai, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ khu vực Bắc Mỹ của CIBC Capital Markets, trụ sở ở Toronto, cho biết: “Mối quan tâm hiện nay của các thị trường là liệu Nord Stream 1 có hoạt động trở lại hoạt động hay không”, và rằng “các thị trường đều chắc chắn rằng khu vực này sẽ rơi vào suy thoái nếu đường ống đó bị ngừng lại kéo dài”.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 11/7 theo giờ Việt Nam giảm 1,29% xuống 1,0056 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2002.
Trái lại, chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng vọt lên 108,14, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2002.
Đồng tiền của Mỹ tiếp tục tăng mạnh bởi kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ để giải quyết vấn đề lạm phát tăng cao.
“Fed sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ hơn hầu hết các ngân hàng trung ương của các nước phát triển khác và chúng tôi không nghĩ rằng các ngân hàng trung ương của các nước phát triển khác thực sự có đủ dư địa để theo kịp Fed”, ông Rai nói.
Tỷ giá EUR/USD.
Dự kiến Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 26-27/7. Các nhà giao dịch dự đoán lãi suất tham chiếu của Fed sẽ được nâng lên mức 3,49% vào tháng 3/2023, từ 1,58% hiện nay.
Dữ liệu giá tiêu dùng của Mỹ công bố vào thứ Tư (13/7) sẽ là trọng tâm chú ý của thị trường trong tuần này. Kết quả thăm dò của Reuters cho thấy các nhà kinh tế dự đoán chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 6 tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Đồng đô la Australia giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm khi nhiều thành phố của Trung Quốc áp dụng các biện pháp mới chống COVID-19, từ việc tạm ngừng kinh doanh đến phong tỏa để kiềm chế số ca nhiễm mới, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng toàn cầu.
Đồng đô la Australia lúc kết thúc ngày 11/7 theo giờ Việt Nam giảm 1,93% xuống 0,6724 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020.
Đồng bảng Anh cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm khi các nhà giao dịch đứng ngoài thị trường chờ đợi xem diễn biến cuộc bầu cử Thủ tướng Anh sẽ như thế nào.
Việc ông Boris Johnson từ chức thủ tướng đã làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn đang đeo bám nền kinh tế Anh, vốn đang chịu sức ép bởi tỷ lệ lạm phát đang ở mức hai con số, nguy cơ suy thoái và Brexit. Bất cứ ai kế nhiệm ông Johnson cũng sẽ đều phải đưa ra những quyết định lớn về thuế và chi tiêu, có thể làm giảm nguy cơ suy thoái nhưng cũng có thể làm tăng thêm sức nóng lạm phát trong nền kinh tế.
So với đô la Mỹ, đồng bảng Anh lúc kết thúc ngày 11/7 theo giờ Việt Nam được giao dịch ở mức 1,1867 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020 và giảm 1,2% trong một ngày. So với euro, đồng bảng Anh giảm một chút, xuống 84,80 pence.
Tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc cũng giảm giá so với USD do dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất mạnh trong tháng này, trong khi trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc tái bùng phát dịch bệnh làm suy giảm tâm lý của thị trường.
Các nhà giao dịch cho biết sự suy yếu của đồng nhân dân tệ là do phản ứng với sức mạnh rộng lớn của đồng đô la trên thị trường toàn cầu khi tăng trưởng số việc làm của Mỹ mạnh mẽ củng cố kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa vào cuối tháng này.
Trước khi mở cửa thị trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá tham chiếu ở mức cao nhất trong 10 ngày là 6,6960 CNY/USD, tăng 138 pips hoặc 0,2% so với 6,7098 của ngày hôm trước. Tuy nhiên, trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa cuối ngày giảm 140 pip xuống 6,7090 CNY. Đồng nhân dân tệ ở nước ngoài (CNH), thường yếu hơn đồng nhân dân tệ trong nước, được giao dịch ở mức 6,7064 CNH/USD.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin biến động nhẹ quanh mức hơn 20.000 USD, lúc kết thúc ngày 11/7 theo giờ Việt Nam ở mức 20.547 USD.
Giá Bitcoin ngày 11/7.
Giá vàng tiếp tục ở mức thấp nhất gần 9 tháng do thị trường đặt cược vào việc Fed sẽ tăng mạnh lãi suất và đồng bạc xanh tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Lúc kết thúc ngày 11/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.737,32 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2022 giảm 0,3% xuống 1.737 USD.
Bất chấp rủi ro suy thoái, gần đây các nhà đầu tư đã chọn đồng đô la hơn vàng.
Trong khi đó, việc tăng lãi suất làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi vì nó không phải trả lãi.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết: “Vàng đang chịu áp lực khi đồng đô la đang có những bước nhảy vọt và kỳ vọng lãi suất sẽ tăng khá mạnh sau khi báo cáo liên bang (gần đây của Mỹ) cho thấy một thị trường lao động rất mạnh mẽ”.
Ông dự đoán: “Giá vàng có thể loanh quanh dưới mức 1.700 USD, và sau đó có thể sẽ chạm mức hỗ trợ 1.670 USD.”
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk