Nghiên cứu chỉ ra bày tỏ lòng biết ơn một cách chân thành và thường xuyên ở chỗ làm có sự tương quan với tỷ lệ nhân viên nghỉ việc thấp hơn 50%.
Chúng tôi cũng có dịp phỏng vấn Ken Chenault chỉ vài ngày sau khi ông rời ghế chủ tịch và tổng giám đốc công ty American Express. Trong 17 năm nắm giữ vị trí cao nhất của công ty, ông đã tạo nên một nền văn hóa tập trung vào sự gắn kết của nhân viên và trân trọng thành tích tốt. Kết quả như thế nào? Cứ nhìn vào cổ đông, khách hàng, lẫn nhân viên sẽ rõ.
Ông cho biết: “Theo tôi, mọi người thường hiểu nhầm lòng biết ơn chỉ là tỏ ra tốt bụng. Quan điểm ‘tôi muốn hà tiện lòng biết ơn’ bị đánh đồng với ‘tôi không tỏ ra đòi hỏi’. Thật ra thì ngược lại cơ. Bạn có thể vừa cực kỳ đòi hỏi vừa thường xuyên thể hiện lòng biết ơn một cách chân thành”.
Ảnh minh hoạ. |
Một vấn đề cấp bách khác của hầu hết công ty chúng tôi nghiên cứu là giữ chân nhân viên. Ước tính Mỹ mất đến 11 tỷ đôla hàng năm vì tỷ lệ thôi việc cao hơn mức cần thiết. Lý do gì khiến hầu hết nhân viên nghỉ việc?
Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, lý do số một mà mọi người đưa ra khi khảo sát với bên thứ ba (tức các cuộc khảo sát không do chính doanh nghiệp của họ thực hiện) là họ “không được cấp trên trân trọng” thành tích đóng góp nào đó.
Do đó, chẳng có gì bất ngờ khi nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng bày tỏ lòng biết ơn một cách chân thành và thường xuyên ở chỗ làm có sự tương quan với tỷ lệ nhân viên nghỉ việc thấp hơn 50%.
Chủ tịch Jonathan Klein của công ty Getty Images là nhà lãnh đạo nắm rõ được điểm này. Ông luôn đảm bảo rằng đội ngũ nhiếp ảnh gia của mình có được cảm giác trân trọng, rằng ông biết rõ họ đã phải đánh liều tính mạng để mang đến cho công chúng những bức ảnh về tình hình thế giới.
Ông cho biết:“Tôi luôn nỗ lực ghi nhớ và cảm ơn những người hùng thầm lặng này. Cuộc chiến nhân tài diễn ra vô cùng khốc liệt, có được đúng người là có được chìa khóa thành công. Bày tỏ lòng biết ơn như thế, những người tài năng sẽ muốn ở lại với công ty của bạn, và càng được trân trọng thì họ càng cống hiến nhiều hơn”.
Nói tóm lại: thông qua nghiên cứu của chúng tôi, gần như tất cả nhà lãnh đạo đạt hiệu suất cao, có thành tích xuất sắc duy trì qua nhiều năm đều quản lý một đội ngũ có tỷ lệ công nhận/trân trọng/ biết ơn vượt trên trung bình.
Việc được công nhận giá trị càng đặc biệt quan trọng hơn nữa đối với nhân viên thuộc thế hệ Millennial* và thế hệ Z**, bởi nhiều người trong số họ đã quen được khen thưởng thêm so với các thế hệ trước.
Quả thật vậy, Đánh giá Động lực, một cơ chế đánh giá được chúng tôi xây dựng cùng đội ngũ chuyên gia tâm lý với hơn 75.000 người tham gia cho thấy mong muốn được bày tỏ lòng biết ơn ở nơi làm việc đối với người ở độ tuổi 20 cao gấp 3 lần người ở độ tuổi 60.
Và nếu thành tích đạt được vẫn chưa đủ hấp dẫn thì các nghiên cứu còn cho thấy bày tỏ lòng biết ơn cũng đem tới ảnh hưởng tích cực cho tâm lý lẫn sức khỏe của chúng ta. Các nhà khoa học khám phá ra rằng lòng biết ơn là bức tường thành chống lại bệnh trầm cảm, tăng cường sự hài lòng với cuộc sống nói chung và thậm chí giúp chúng ta ngủ ngon hơn.
Các kết quả này là lý do để lòng biết ơn trở thành một yếu tố quan trọng của phong trào tâm lý học tích cực. Các giáo sư của Đại học bang Kent đã tiến hành một nghiên cứu, trong đó yêu cầu các đối tượng viết thư cho người mà họ biết ơn.
Mức độ hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống đã tăng mạnh ngay sau đó, hiệu quả này kéo dài suốt nhiều tuần tiếp theo. Trong hành trình theo đuổi hạnh phúc, lòng biết ơn đã được chứng minh có sự ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài với người trao đi. Do đó, chúng ta càng biết ơn và được biết ơn nhiều chừng nào thì sẽ càng hài lòng với cuộc sống nhiều chừng ấy.
Không tệ chút nào, nhỉ?
“Cách tốt nhất để sưởi ấm trái tim của bạn là sưởi ấm trái tim của người khác”. Đó là câu nói của Eric Schurenberg, tổng giám đốc công ty Mansueto Ventures, chủ sở hữu của tạp chí Fast Company và Inc. Như vậy, chúng ta một lần nữa quay về với câu hỏi cốt lõi: Điều gì đã ngăn cản mọi người, đặc biệt là những nhà lãnh đạo, thể hiện lòng biết ơn ở nơi làm việc?