Trường hợp lao động nữ nghỉ thai sản trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thưởng Tết Âm lịch, nghỉ bù và hưởng lương ngày Tết, hưởng tiền bảo hiểm từ cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) không?
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây là kỳ nghỉ kéo dài nhất trong năm. Bên cạnh thời gian nghỉ lễ dài, những vấn đề liên quan đến lương, thưởng Tết cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động.
Đang nghỉ chế độ thai sản có được thưởng Tết không?
Về vấn đề này, căn cứ Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Như vậy, thưởng Tết Âm lịch 2024 không phải là khoản thưởng bắt buộc công ty phải trả cho người lao động. Việc thưởng Tết Âm lịch 2024 sẽ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động và được công ty quy định tại quy chế thưởng.
Mặt khác, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ hiện nay là 06 tháng, trong khi đó thưởng Tết là khoản tiền ghi nhận công sức, hiệu quả làm việc trong suốt một năm. Mức thưởng Tết như thế nào do doanh nghiệp tự xem xét, quyết định, dựa vào nhiều yếu tố như: Thời gian làm việc, hiệu quả làm việc, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp,…
Do đó, trường hợp lao động nữ đang nghỉ chế độ thai sản, doanh nghiệp vẫn có thể căn cứ vào các yếu tố này để xét thưởng Tết cho người lao động.
Chế độ thai sản có tính ngày lễ Tết không?
Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
…
7. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Như vậy, thời gian nghỉ chế độ thai sản khi sinh con đã được tính bao gồm ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần nên khi nghỉ thai sản trùng Tết, người lao động sẽ không được giải quyết nghỉ bù.
Quy định này được áp dụng đối với cả lao động nam và lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Bên cạnh đó, những lao động nghỉ thai sản vào dịp Tết sẽ bị thiệt một số quyền lợi như: Số ngày nghỉ có hưởng lương ít hơn người lao động khác do không được nghỉ bù; không được tính lương ngày Tết. Tuy nhiên, người lao động vẫn được tính phép năm trong thời gian nghỉ thai sản, được lĩnh tiền bảo hiểm từ cơ quan BHXH.
Cụ thể, với lao động nữ sinh con, mức hưởng chế độ thai sản = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ thai sản x 6 tháng. Với lao động nam, mức hưởng chế độ thai sản = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ thai sản: 24 x số ngày nghỉ.
Mặt khác, theo khoản 6, Điều 42 Quyết định 595/2017/QĐ-BHXH, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc/tháng trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nhưng thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH. Đồng thời họ còn được cơ quan BHXH đóng bảo hiểm y tế.
Thời gian này sẽ được tính cộng đồn vào tổng thời gian tham gia BHXH của người lao động để sau này tính hưởng BHXH 1 lần hoặc hưởng lương hưu khi về già.