Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn qua tài liệu lưu trữ

Sách “Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” là công trình kế thừa những thành tựu nghiên cứu và khối tài liệu quý về lịch sử đô thị.

Lịch sử vùng đất Sài Gòn – Gia Định từ thuở khai hoang vào thế kỷ XVI đến năm 1945 đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm với nhiều bài viết, nghiên cứu khoa học đăng trên các báo, tạp chí hoặc xuất bản thành sách.

Để phục vụ cho các công trình nghiên cứu Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ, nhóm tác giả tham khảo khối tài liệu tương đối phong phú của các tác giả và nhà nghiên cứu đương thời. Bên cạnh đó, nhóm tác giả đã sử dụng khá nhiều tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ trong và ngoài nước.

sai gon anh 1

Sách Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ phác họa lịch sử đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn qua nhiều tài liệu lần đầu giới thiệu đến bạn đọc.

Trong đó, nhiều tài liệu lần đầu được giới thiệu đến công chúng về lịch sử vùng đất Sài Gòn – Gia Định từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thiết lập chủ quyền của Đàng Trong tại vùng đất phía Nam (năm 1698) cho đến năm 1945; và các chương trình quy hoạch phát triển thành phố, cùng các công trình kiến trúc tiêu biểu do người Pháp xây dựng tại đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn từ cách nay hơn một thế kỷ.

Cuốn sách gồm hai phần: Vùng Sài Gòn – Gia Định từ sơ khởi đến năm 1859 Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn thời Pháp thuộc.

Lịch sử Sài Gòn – Gia Định từ sơ khởi đến năm 1859

Phần 1 Vùng Sài Gòn – Gia Định từ sơ khởi đến năm 1859 gồm 2 chương. Chương 1 – Những tiền đề hình thành vùng đất mới khái quát về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và quá trình khai phá vùng đất Nam Bộ thời Nguyễn. Cuốn sách xét đến vùng được gọi là Sài Gòn – Gia Định trong lịch sử là khu vực nằm giữa 2 rạch Bến Nghé ở phía Nam và Thị Nghè ở phía Bắc và sông Thị Nghè ở phía Đông, khác với cách gọi Sài Gòn để chỉ TP.HCM ngày nay.

Người Đàng Trong có mặt ở Nam Bộ từ cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, sau đó Chúa Nguyễn đã cho người vào khai phá và thiết lập những tổ chức đầu tiên ở Nam Bộ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật như thành trì, đồn lũy phòng thủ, mở đường sá lưu thông với các vùng. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định, đặt dinh Phiên Trấn và dinh Trấn Biên, chính thức xác lập đơn vị hành chính của Đàng Trong tại vùng đất phương Nam. Tại đây tác giả hệ thống và khái quát về các vùng khác nhau: Mô Xoài – Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn – Bến Nghé…

Chương 2 – Sài Gòn – Gia Định trước thời Pháp thuộc giới thiệu thành Gia Định và các đô thị cổ, gồm hai tòa thành và phố cổ Bến Nghé, đô thị cổ vùng Chợ Lớn và các công trình như đường thiên lý, Văn Miếu và Trường thi, các cây cầu…

Với vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương và điều kiện tự nhiên (chất lượng đất, lượng mưa, nhiệt độ, phân hóa mùa…) phù hợp cho việc trồng các loại cây nông lâm, các giống cây trồng-vật nuôi cho năng suất cao, vùng Sài Gòn ngày càng phát triển và trở thành một trong những trung tâm địa chính trị vùng và khu vực.

Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn thời Pháp thuộc

Phần 2 – Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn thời Pháp thuộc gồm 2 chương. Trong đó, chương bàn về Tổ chức hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn được chia theo các giai đoạn 1861-1896, 1897-1918, 1919-1929, 1930-1945. Từ những năm đầu Pháp xâm lược đến nửa đầu thế kỷ XX (1859 – 1945) vùng đất Sài Gòn – Gia Định, dưới sự khai thác của người Pháp, đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển thành một thành phố theo kiểu phương Tây.

Chương Quy hoạch đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn bàn về mở rộng đô thị theo các giai đoạn 1859-1896 và 1897-1945 và việc xây dựng cơ sở hạ tầng – cảng Sài Gòn, hệ thống đường sắt-nhà ga, xe điện, đường nội đô, hàng không-sân bay, xây dựng hệ thống điện, điện báo, điện thoại. Song song đó, các khu dân cư, phố xá dần hình thành.

Những con đường rải đá, vuông góc với khoảng cách đều nhau, hai ven đường là hàng cây thẳng tắp, được chiếu sáng bằng ánh đèn dầu, trở thành nơi tản bộ của cư dân. Đến đầu thế kỷ XX, thị tứ Á Đông của nhiều năm về trước đã chuyển biến sang diện mạo đô thị phương Tây đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Từ tiền đề này, đến giữa thế kỷ XX, Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại có tầm ảnh hưởng ở vùng Viễn Đông.

Ngày nay, thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn đã trở thành một phần đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế-văn hóa của Nam Bộ với những tòa cao ốc chọc trời. Nhưng ẩn sâu bên trong lòng đô thị này còn chứa đựng nhiều dấu vết lịch sử, các di sản kiến trúc cùng hạ tầng kỹ thuật từ thời Pháp thuộc… minh chứng cho tham vọng của người Pháp về một Tiểu Paris ở Viễn Đông.

Nhóm tác giả lưu ý các kết quả nghiên cứu ở giai đoạn phong kiến trong cuốn sách chỉ là những kết quả bước đầu và sơ lược, cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để làm sáng tỏ các dấu ấn lịch sử mà vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn đang mang trong mình, rộng hơn là cả Gia Định xưa.

Với phần nghiên cứu về Sài Gòn – Chợ Lớn thời Pháp thuộc, chỉ là những phác thảo hết sức thô sơ về tình hình phát triển đô thị và các mốc quan trọng của hai thành phố này cho đến khi sáp nhập vào thành một đô thị hiện đại hàng đầu ở Viễn Đông đến giữa thế kỷ XX.

Sách Đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ là công trình từ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, do Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Vũ Văn Tâm chỉ đạo nội dung, nhóm tác giả Võ Nguyên Phong, Cù Thị Dung thực hiện và TS Lê Hữu Phước thẩm định nội dung.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin