Từ những khó khăn chồng chất vào năm 1975, Canon đã “lột xác” để giữ vững và khẳng định vị thế như hiện nay.
Phát triển – tiếp thị sản phẩm mới và liên tiếp gặt hái thành công
Ông Ryuzaburo Kaku, giám đốc điều hành của Canon, đã được chủ tịch Canon chấp thuận để thay đổi hoạt động quản lý và bán hàng. Dưới sự điều hành của Kaku, Canon điều chỉnh lại hoạt động sản xuất và tiếp thị sản phẩm mạnh mẽ hơn.
Năm 1976, Canon công bố loại máy ảnh AE-1 35-millimeter với những đổi mới vượt trội. Sản phẩm này đã thành công đến nỗi mà chuyên gia ngành ảnh đã coi dòng máy trên như “chiếc Chevrolet của thị trường 35mm”.
Sự quan tâm phát triển sản phẩm mới của Kaku đã dẫn đến công nghệ máy in laser vào năm 1975. Năm 1977, Kaku trở thành chủ tịch Canon khi chủ tịch Mitarai về hưu.
Năm 1982, Canon giới thiệu với thị trường máy photocopy cá nhân đầu tiên, với loại máy này, người dùng có thể tự lắp đặt và thay thế linh kiện. Sản phẩm này đi kèm với chiến lược tiếp thị, quảng bá sản phẩm hoành tráng.
Trong chưa đầy 1 thập kỷ, doanh số của Canon tăng trưởng cực kỳ ấn tượng.
Đầu thập niên 1980 khi Canon vượt Nikon về doanh số bán máy ảnh, cựu chủ tịch Nikon nói: “Chúng tôi vẫn sản xuất ra những loại máy ảnh tốt nhất, Canon chỉ tiếp thị tốt hơn chúng tôi.”
Trong suốt các năm của thập kỷ 1980, Canon liên tiếp tung ra sản phẩm mới và chiến thắng đối thủ trên các thị trường mới.
Năm 1982, Canon tung ra máy đánh chữ điện tử và cạnh tranh trực tiếp với IBM. Trong 1 năm, Canon giành 11% thị phần còn thị phần của IBM giảm từ 26% xuống 17%.
Năm 1983, Canon khiến Xerox choáng váng với sản phẩm máy in laser cùng chất lượng nhưng giá chỉ bằng 1/3. Canon cũng khiến Ricoh lo lắng với sản phẩm máy fax vào đầu thập niên 1980 và đặt nền móng cho sự cạnh tranh với IBM về sau này trong ngành công nghiệp máy tính.
Canon cũng nghiên cứu phát triển mạch tích hợp (chip) cho máy tính cá nhân và đến năm 1984, Canon bắt đầu tiếp thị sản phẩm máy tính Apple Macintosh tại Nhật. Canon cũng hợp tác với Apple để phát triển phần mềm dành cho thị trường Nhật.
Nỗ lực phát triển sản phẩm chip của Canon đã mang lại thành công khi sau đó CEO của Apple, ông Steve Jobs chọn sản phẩm chip của Canon cho dòng máy tính NeXT của hãng. Năm 1989, Canon giành được 16,7% trong công ty NeXT Incorporated cùng với quyền tiếp thị độc quyền sản phẩm này tại châu Á. Năm 1985, Canon còn hợp tác với HP để cùng sản xuất máy in laser.
Giai đoạn trầm lắng
Từ năm 1975 đến cuối thập niên 1980, doanh thu và lợi nhuận của Canon lên mạnh. Giai đoạn 1975 – 1985, tăng trưởng doanh thu đạt 7 lần lên 3,3 tỷ USD và lợi nhuận tăng 20 lần lên 135 triệu USD.
Đến năm 1989, doanh thu đạt 8,18 tỷ USD còn lợi nhuận chạm mức 232 triệu USD.
Năm 1990, lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc, doanh thu tăng tới 27,9% lên 12,73 tỷ USD còn lợi nhuận tăng gấp đôi lên khoảng 452 triệu USD.
Sau năm 1990, lợi nhuận và doanh thu không ngừng sụt giảm.
Năm 1992, Fuji vượt Canon đứng đầu thế giới về sản xuất máy ảnh.
Công việc kinh doanh của Canon thập niên 1990 chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế Nhật và việc đồng yên tăng giá. 2 yếu tố này ảnh hưởng tiêu cực đến mọi công ty Nhật thế nhưng tác động nặng nề nhất đến nhóm công ty thiên về xuất khẩu như Canon.
Canon lập tức ứng phó bằng cách đưa ra cam kết toàn cầu hóa, chuyển sản xuất ra khỏi Nhật và quan trọng nhất, đến nơi nào sản phẩm được bán. Ngay cả trong những năm tăng trưởng kém hơn này, Canon vẫn luôn đảm bảo chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Thời kỳ hoàng kim dưới sự lãnh đạo của Fujio Mitarai
Năm 1993, con trai út của nhà sáng lập Canon, ông Hajime Mitarai, thay thế Kaku để trở thành chủ tịch Canon, tuy nhiên 2 năm sau đó ông mất do bệnh viêm phổi.
Ông Fujio Mitarai, cháu trai của người sáng lập, đã đưa Canon lên tầm cao mới. Ông nắm phong cách lãnh đạo kết hợp giữa nét đặc trưng nhất của Nhật và Mỹ, phong cách mà ông học được sau 23 năm làm việc tại Canon Mỹ. 10 năm ông làm lãnh đạo tại Mỹ, doanh thu tăng gấp 6 lần lên 2,6 tỷ USD tương đương 35% doanh thu trên toàn thế giới. Năm 1989, ông trở lại Nhật và đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành.
Khi bắt đầu làm chủ tịch Canon, ông lập tức vực dậy công ty bằng việc yêu cầu đóng cửa một số bộ phận hoạt động không hiệu quả trong thời gian từ năm 1997 đến năm 1999.
Canon lại tái tập trung vào 3 mảng chính: máy photocopy, máy in và máy ảnh. Dù tránh sa thải nhân công, chủ yếu tại Nhật, Mitarai cắt giảm chi phí bằng cách tổ chức lại sản xuất.
Canon cũng giảm nợ bằng cách sử dụng chính nguồn tiền mặt dồi dào của hãng để đầu tư thay cho đi vay tiền, giống như lệ thường tại các công ty Nhật. Tỷ lệ nợ/tài sản của Canonn giảm từ 34% vào năm 1995 xuống chưa đầy 11% vào năm 2001.
Cùng lúc đó, Mitarai không giảm chi tiêu vào nghiên cứu vào phát triển, đầu tư khoảng 7,5% doanh thu hàng năm vào phát triển sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm cũ.
Năm 1997, Canon kỷ niệm 60 năm thành lập công ty và chiếc máy ảnh thứ 100 triệu ra đời.
Năm 2000, cổ phiếu Canon chính thức giao dịch tại thị trường chứng khoán New York. Canon bước vào chương mới trong lịch sử hình thành và phát triển.
Canon nằm trong số ít các hãng máy ảnh đã chuyển hướng sản phẩm máy ảnh từ dùng phim sang kỹ thuật số thành công.
Năm 2004, Canon đứng đầu thị trường máy ảnh kỹ thuật số toàn cầu, vượt qua Sony.
Năm 2005, Canon chiếm 20% thị phần máy ảnh kỹ thuật số của thế giới.
Kỷ nguyên của Mitarai, kết quả kinh doanh của Canon ấn tượng hơn bao giờ hết. Doanh thu ròng tăng từ 21,03 tỷ USD năm 1995 lên 31,82 tỷ USD năm 2005. Lợi nhuận ròng tăng 7 lần từ 533 triệu USD lên 3,26 tỷ USD.
Mitarai được coi như CEO thành công nhất trong kỷ nguyên của ông.
Tầm ảnh hưởng của ông đối với giới doanh nghiệp Nhật lớn đến nỗi ông đã được đề nghị làm chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Nhật (Nippon Keidanren), tổ chức đại diện hàng đầu của nhóm doanh nghiệp lớn nhất Nhật.
Nhiều năm liền, Fujio Mitarai được Business Week bình chọn vào danh sách 25 nhà quản lý hàng đầu thế giới.
Bởi phải đảm nhiệm chức vụ mới, ông Mitarai từ chức chủ tịch Canon vào giữa năm 2006 tuy nhiên vẫn tham gia vào công việc điều hành tập đoàn.
Ông Tsuneji Uchida kế vị Fujio Mitarai và tiếp tục lãnh đạo Canon lên đứng đầu trên thị trường máy ảnh kỹ thuật số.
Trong thời kỳ lãnh đạo mới, Canon thực hiện nhiều thay đổi để sản xuất hiệu quả hơn trong đó bao gồm nỗ lực tự động hóa 25% nhà máy trong 3 năm.
Động thái táo bạo nhưng cũng đầy mạo hiểm của Canon chính là việc hợp tác với Toshiba. Canon đã hy vọng liên doanh với Toshiba sẽ thâu tóm khoảng 20% thị phần màn hình phẳng vào năm 2010 tuy nhiên việc áp dụng công nghệ mới đã bị trì hoãn đến tận năm 2007 khi đó giá màn hình phẳng tuột dốc.
Dù chưa thành công ở lĩnh vực này, Canon vẫn đảm bảo được vị thế công ty sản xuất hàng điện tử hàng đầu, đứng đầu hoặc gần đứng đầu trong sản xuất máy ảnh, máy photocopy và máy in.
Ngọc Diệp