Những phiên cuối năm 2018, thị trường liên ngân hàng ghi nhận những bước giảm mạnh của tỷ giá USD/VND…
Trong phiên cận kề kết năm 2018, ngày 27/12, giá USD tiếp tục giảm mạnh trên thị trường liên ngân hàng, cũng như giảm thêm trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Như diễn biến từ đầu tháng 12 này, hôm nay (27/12), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm giữa VND với USD lên mức cao mới: 22.805 VND.
Thế nhưng, xu hướng sụt giảm mạnh của tỷ giá USD/VND trên các thị trường vẫn tiếp tục thể hiện.
Trước đó, ngày 26/12, lần đầu tiên kể từ phiên 21/9/2018 thị trường ghi nhận giá bán ra USD của các ngân hàng thương mại chính thức xuyên thủng dứt khoát mốc 23.300 VND, xuống 23.270 VND.
Diễn biến trên bám sát bước sụt giảm mạnh của giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cùng ngày, giảm mạnh 40 VND xuống còn 23.235 VND.
Nối tiếp, đà giảm mạnh tiếp tục thể hiện trên thị trường liên ngân hàng trong phiên hôm nay (27/12), giá USD đã về sát mốc 23.200 VND.
Những mốc giá trên trở nên đáng chú ý.
Trước hết, đó là kết quả sụt giảm liên tiếp của tỷ giá USD/VND ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất lần thứ tư trong năm. Giá USD trên liên ngân hàng, giao dịch giữa các tổ chức tín dụng Việt Nam, ghi nhận mức giảm tới gần 100 VND chỉ sau hơn một tuần, trái ngược với quan ngại tỷ giá có thể tăng lên mỗi khi FED tăng lãi suất.
Kế đến, những bước sụt sâu của tỷ giá USD/VND và mốc về sát 23.200 VND nói trên trở nên đáng chú ý khi so sánh với giá USD mà Ngân hàng Nhà nước bán kỳ hạn vừa qua.
Cụ thể, trong các phiên 23 và 26/11/2018, Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán ngoại tệ với ngày đến hạn là 31/1/2019, tỷ giá bán kỳ hạn là 23.462 VND/USD. Có tham số điểm hoán đổi lãi suất, nhưng ở đây thực tế đang lùi sâu so với mốc giá kỳ hạn này.
Trong khi đó, quan sát diễn biến tỷ giá khoảng chục năm trở lại đây, cứ vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND lại thường có những bước giảm mạnh, xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang VND để đáp ứng nhu cầu chi trả, thanh toán cận Tết.
Như vậy, với diễn biến rơi sâu những phiên gần đây, tỷ giá USD/VND đang khép lại năm 2018 với mức tăng chung chỉ khoảng 2,15% so với đầu năm. Tỷ giá trung tâm cũng chỉ tăng khoảng gần 1,5%. Tỷ giá của các ngân hàng thương mại tăng khoảng 2,7%.
Với những mức thay đổi trên, về cơ bản tỷ giá USD/VND năm 2018 nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, tạo sự ổn định tương đối trong bối cảnh thế giới đầy biến động với FED liên tiếp bốn lần tăng lãi suất, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung nổ ra căng thẳng và đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh…
Nhìn lại năm 2018, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, đồng USD trở nên mạnh hơn và các đồng tiền chủ chốt khác đã yếu hơn so với đồng USD và đồng VND không phải ngoại lệ.
Theo ông Hải, điểm khác biệt cơ bản đối với đồng VND là trong khi các đồng tiền châu Á khác đã giảm giá trung bình 5-7% trong năm 2018, như đồng Won của Hàn Quốc giảm 5,07%, đồng Peso của Philippines giảm 4,99%, Rupi của Indonesia giảm 6,62% và Rupi của Ấn Độ giảm 9,58% hay đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 6,43% thì đồng Việt Nam chỉ giảm 2,7% (tỷ giá thị trường) và 1,48% (tỷ giá trung ương).
“Điều này có nghĩa là đồng Việt Nam thực tế đã tăng giá so với một số đồng tiền khác, ví dụ tăng 4% do với Nhân dân tệ hay 3% so với Euro”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam tính toán.
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù có xu hướng giảm giá từ quý 3, tiền VND tiếp tục ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vẫn tốt với tăng trưởng GDP tăng trưởng cao và mức lạm phát hợp lý.
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại đạt 7,2 tỷ USD trong mười tháng đầu năm. Ngoài Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong vùng nhận nguồn vốn đầu tư thuần đạt 1,9 tỷ USD tính tới tháng 10/2018.
“Với tính chất mùa vụ vào cuối năm, khi cầu với đô la Mỹ để thanh toán thường tăng, có khả năng xu hướng giảm giá của đồng Việt Nam sẽ tiếp tục cho tới cuối năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chủ động sử dụng một số công cụ và chính sách để ổn định thị trường ngoại hối nhằm ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Do đó, khó có khả năng sẽ có những biến động lớn về tiền đồng cho tới cuối năm”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam dự báo.
Chuyên gia của HSBC cũng nhận định, do FED nhiều khả năng sẽ ngưng chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng hai lần nữa trong năm 2019, đồng USD nhiều khả năng sẽ không còn duy trì được xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác trong năm 2019.
Do đó, áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng sẽ giảm và dự kiến VND sẽ quay trở về biên độ điều chỉnh tỷ giá hẹp trong năm 2019 trừ trường hợp đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh.