Dù là thương hiệu “sinh sau đẻ muộn”, Katinat đã nắm 1,35% thị phần trên thị trường chuỗi đồ uống với doanh thu gần 470 tỷ đồng trong năm 2023, dần “đe dọa” các ông lớn trong ngành.
Cái tên Katinat trở thành tâm điểm dư luận hồi tháng 9, giữa lúc cả nước đang hướng về đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão số 3. Chuỗi đồ uống này tuyên bố sẽ trích 1.000 đồng trên mỗi ly nước bán ra tại hệ thống từ ngày 12/9 – 30/9 để ủng hộ công tác cứu trợ. Tuy nhiên, bài đăng của Katinat hứng chịu hàng chục nghìn lượt phẫn nộ và “bão chỉ trích”, bởi cách ủng hộ này bị coi là trục lợi và “marketing không đẹp”.
Cuối cùng, Katinat đã xin lỗi và giải thích vì cách truyền thông gây hiểu lầm, đồng thời lập tức chuyển khoản 1 tỷ đồng đến Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam – Ban Cứu trợ Trung ương. Ngày 1/10, Katinat cũng công bố đã bán được gần 889.000 ly nước trong chương trình trích 1.000 đồng/ly ủng hộ bà con chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Mới đây, Katinat tiếp tục phải đăng thông cáo báo chí giải trình về việc xuất hiện nội dung không phù hợp, thiếu chuẩn mực trên tem dán ly nước của thương hiệu, được bán ra tại cửa hàng Katinat Diamond Residence Lê Văn Lương – Hà Nội.
Katinat cho biết hãng nhận thức rõ đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu. Vì thế, Katinat đã sa thải nhân viên vi phạm, kỷ luật quản lý cửa hàng, rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và chuẩn mực thương hiệu trên toàn hệ thống để hạn chế xảy ra sự việc tương tự.
Tính đến giữa tháng 6/2024, Katinat có hơn 70 cửa hàng – con số khá khiêm tốn so với khoảng 800 cửa hàng của Highlands Coffee, 160 cửa hàng của Phúc Long, 120 cửa hàng của Trung Nguyên Legend, 120 cửa hàng của The Coffee House và 110 cửa hàng Starbucks.
Tuy nhiên, thương hiệu “sinh sau đẻ muộn” này tăng trưởng khá ngoạn mục. Được thành lập từ năm 2016, cho tới khi Covid-19 bùng phát Katinat mới có chưa đến 10 chi nhánh nhỏ, tập trung tại quận 1 và quận 3 (TP. HCM). Tận dụng giai đoạn thị trường F&B tái cơ cấu hậu đại dịch, nhiều vị trí đắc địa ở các bùng binh lớn trong trung tâm thành phố bị trả lại, Katinat đã “nhanh chân” tới thuê hàng loạt.
Kể từ đây, Katinat bắt đầu “chơi lớn”, đầu tư xây dựng không gian rộng rãi và kiến trúc ấn tượng để biến cửa hàng thành nơi check-in cho giới trẻ. Bộ nhận diện thương hiệu và concept thay đổi. Menu đồ uống phong phú, độc đáo và rất biết cách lấy cảm tình của Gen Z bằng những bộ sưu tập ly nước bắt mắt.
Đến cuối năm 2021, số cửa hàng của Katinat đã nâng lên tới gần 50, trong đó 40 cửa hàng được đặt tại TP. HCM. Theo thông tin trên website Katinat hiện nay, thương hiệu đang có hơn 70 cơ sở ở 10 tỉnh thành sau 8 năm phát triển.
Vietdata, nền tảng cung cấp dữ liệu vĩ mô, doanh nghiệp và nghiên cứu các lĩnh vực tại Việt Nam, cho biết đến nay Katinat đã có trong tay 1,35% thị phần toàn thị trường, với doanh thu năm 2023 đạt gần 470 tỷ đồng .
Theo đánh giá của Vietdata, Katinat đang dần “đe dọa” các “ông lớn” trong ngành, với đối thủ đang bị bám đuổi sát nhất là The Coffee House.
Thị phần của The Coffee House năm 2023 bị giảm so với 2022, xuống còn 2,02%. Số lượng cửa hàng cũng liên tục giảm, đáng chú ý nhất là việc dừng kinh doanh tại Đà Nẵng và Cần Thơ. Doanh thu của The Coffee House biến động liên tục trong giai đoạn 2021 – 2023, đạt 700 tỷ đồng vào năm ngoái và tiếp tục ghi nhận lỗ lũy kế.
Về phía Phúc Long, Vietdata cho biết doanh thu năm 2023 đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, thị phần giảm so với năm 2022 – về mức 4,52%. Lợi nhuận của Phúc Long cũng liên tục giảm kể từ năm 2021, xuống dưới mức 30 tỷ đồng vào năm 2023. Sau khi đóng cửa những kiosk không hiệu quả bên trong Winmart+, Phúc Long tập trung mở rộng tại hai thành phố chiến lược là TP.HCM và Hà Nội.
Trong khi đó, Highlands Coffee ngày càng chứng tỏ sức mạnh trong cuộc đua giữa các chuỗi đồ uống. Doanh thu năm 2023 đạt kỷ lục gần 4.000 tỷ đồng, nắm giữ gần 12% thị phần. Chỉ trong 2 năm trở lại đây, Highlands Coffee đã mở mới tới 300 cửa hàng, nâng tổng số điểm bán hiện tại lên 815, bỏ xa các đối thủ.
Theo số liệu của iPOS, tính đến hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng gần 305.000 nhà hàng/quán cà phê, giảm 3,9% so với số liệu năm 2023. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng giá trị doanh thu ngành F&B đã chạm mốc 403,9 nghìn tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tương đương 68,46% doanh thu của cả năm 2023.