“Bởi thế, chúng tôi quyết định họp ‘Hội đồng gia đình’ để có một quyết định sáng suốt hơn về việc tìm thấy hài cốt anh Khôi”, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn viết.
Năm 2010, chuyến đi lên nghĩa trang liệt sĩ Phước Long vào rằm tháng Giêng, tìm được mộ anh Khôi nhờ tư vấn của Tiến sĩ Bùi Tiến Quý và hướng dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư, lúc ở hiện trường, do bị cuốn vào cảm xúc tâm linh và sự háo hức hướng về anh Khôi, mọi thắc mắc phát sinh đều bị coi là nhỏ, nhưng về Sài Gòn vài ngày, thật bình tâm lại, những thắc mắc được thu nhỏ kia lại phình to lên. Điều này thực ra không có gì khó hiểu.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn (trái) và ông Nguyễn Văn Phước – TGĐ First News tại buổi ra mắt sách Linh ứng. Ảnh: F.N. |
Chúng tôi vốn được sinh ra, rồi sống trong một nền giáo dục và nền tảng xã hội vô thần, nay phải tin ngay những điều thuộc thế giới tâm linh, một thế giới đang chỉ có nhận thức một chiều, không thể dễ dàng. Và phần quan trọng nhất, nếu đúng là mộ anh Khôi, làm sao có đủ cơ sở pháp lý để phòng Thương binh Xã hội Tỉnh Bình Phước, nơi quản lý nghĩa trang liệt sĩ Phước Long, chịu làm thủ tục thừa nhận, khi mà luật pháp còn chưa hợp pháp hóa việc tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm?
Bởi thế, chúng tôi quyết định họp “Hội đồng gia đình” để có một quyết định sáng suốt hơn về việc tìm thấy hài cốt anh Khôi. Bắt đầu thâm nhập vào thế giới tâm linh bằng những bước đi chập chững, càng đi, càng thấy đây là chuyện không thể coi thường.
“Hội đồng gia đình” chúng tôi, gồm vợ chồng tôi, vợ chồng Vân, Dật (Nhà văn Dương Trọng Dật, nguyên Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, sau là Chủ nhiệm Khoa Quan hệ Công chúng, trường Đại học Văn Lang), cậu Hùng, các con Thuận Ánh cùng chồng là Việt Hưng, Minh Trí cùng chồng là Vĩnh Phúc, và cậu con út Tuấn Phúc. Trước khi bắt đầu họp bàn, cả nhà cùng lên lầu bốn, đứng trước bàn thờ gia tộc, trong đó đương nhiên có hình ảnh anh Khôi, thắp nhang và cầu xin sự linh ứng.
Tiếp theo, Hà Phương, vợ tôi, tường thuật tóm tắt hành trình đi tìm anh Khôi, khởi đầu từ vụ vợ chồng tôi bị Tư Bông lừa ra Huế vào tháng Chín năm 2009 và kết thúc là tìm thấy mộ anh Khôi ở nghĩa trang liệt sĩ Phước Long, nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư.
Trong khi thế hệ già tham gia một cách trầm tĩnh và cẩn trọng, thì thế hệ trẻ gồm ba con gái, trai, và hai rể lại sôi nổi, vui vẻ, như thể cuộc sống hàng ngày của chúng vốn đều đều bằng lặng, nay bỗng nhiên nảy sinh một đề tài lạ, kích thích nên cảm hứng thú vị.
Tuấn Phúc, đang theo học khoa Đạo diễn, Đại học Điện ảnh Hà Nội, nói:
– Chú Bùi Tiến Quý nói thầy Lư vào miền Nam đúng một lần và ngắn ngày trong dịp đi Sóc Trăng dự đại lễ cầu hồn bên Phật giáo, nên không thể rành rẽ Phước Long, một tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nhưng hoàn toàn có thể suy luận, từ tháng mười năm ngoái, bố mẹ đi Hà Nam gặp thầy Lư, đến rằm tháng Giêng âm lịch năm nay mới có câu trả lời, là thời gian quá đủ để thầy Lư vào nghĩa trang Phước Long, thu xếp được mọi sự chính xác về mộ bác Khôi, như bố mẹ đã nghe… Theo con, chân lý nào cũng phải có chứng minh. Mọi kết quả không có chứng minh đều không nên vội tin.
Cô Vân nói:
– Hai bóng vong của bác Khôi và người phụ nữ tên Minh, thầy Lư nói là vợ bác ấy, chính mắt dì, cô Chín Nguyện và cậu Thắng trông thấy là chứng minh rồi còn gì?
Minh Trí nói:
– Theo logic tâm linh, bố mẹ cháu là người gần bác Khôi nhất, phải trông thấy. Dì Vân và cậu Thắng là em vợ, cô Chín Nguyện là bạn của bố mà trông thấy, có thể chỉ là tâm lý, chứ không hẳn tâm linh?
Cậu Hùng:
– Vụ đụng cái bình hoa ở chính ngôi mộ thầy Lư chỉ từ xa, nếu một lần và một người đụng là ngẫu nhiên, nhưng cậu Thắng đụng tới ba lần, còn chị Vân và cô Chín Nguyện đụng mỗi người một lần, không thể là ngẫu nhiên.
Sách Linh ứng. Ảnh: F.N. |
Việt Hưng, kỹ sư công nghệ thông tin, rể lớn, nói:
– Nếu bình hoa đặt trên mặt mộ bị đụng phải thì chỉ hai lần cũng đủ chứng minh do vong bác Khôi khiến, nhưng nó được đặt giữa hai ngôi mộ, tức là giữa lối đi, mà theo bố mẹ kể, mọi người đã chia nhau đi thắp nhang cho hơn một nghìn bốn trăm ngôi mộ, thì việc nhiều người vấp phải một lọ hoa vẫn có thể coi là chuyện bình thường, nhưng lọ hoa bị vấp này trùng với lời nhận định từ Hà Nam của thầy Lư thì không phải ngẫu nhiên.
Cô Vân thừa nhận ngay:
– Đúng là không hề ngẫu nhiên. Vì bình hoa này lúc đi thắp nhang, dì cố ý tránh, nhưng vẫn cứ đụng.
Vĩnh Phúc, rể nhỏ, kiến trúc sư, nói:
– Con tin thế giới tâm linh là có thật, nhưng do thật giả lẫn lộn, rồi người giỏi, người dở trong những thầy ngoại cảm cũng là chuyện có thật. Với những kết quả rõ ràng, không nhất thiết phải đòi hỏi chứng minh, nhưng với những sai số cũng rõ ràng như bố vừa nêu, vẫn nên kiểm tra lại.
Nhà văn Dương Trọng Dật, người đã mất nhiều năm đi tìm mộ anh trai Dương Trọng Chử, bộ đội trung đoàn 320 miền Bắc, hy sinh cùng tháng năm năm 1970 với anh Khôi, trong cùng chiến dịch đối đầu khốc liệt với lính Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ tại Svay Rieng, Campuchia, được chính những đồng đội còn sống, từng chôn cất anh và hơn trăm đồng đội hy sinh, sau đó, trực tiếp tham gia đội tìm kiếm hài cốt.
Nhưng do mặt trận bị bom đạn Mỹ cày xới nhiều lần, thời gian quá lâu, địa hình, địa vật thay đổi, nơi chôn cất lại ở vùng sình lầy, nên khai quật lên chỉ còn đất đen cùng những mủn xương vụn nên người thân chỉ còn cách mang đất về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Riêng Dương Trọng Dật đưa “anh Chử” về Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Dật góp ý:
– Theo tôi, đã nhờ tới thế giới tâm linh để tìm kiếm hài cốt người thân mất tích, nếu có đủ cơ sở chứng minh thì quá tốt, nhưng nếu vẫn còn những điều nghi ngờ, chưa hẳn do thiếu cơ sở chứng minh một cách khoa học, mình đã vội bác bỏ cũng không nên. Logic thuộc thế giới tâm linh có nhiều điều nằm ngoài tư duy thông thường. Ví dụ, thầy Lư này nói, muốn sớm biết rõ bác Khôi, phải tìm người tên Toản và đi đến mộ bác Khôi phải có người tên Thắng đón ngõ, thoạt đầu do không tin, nên chẳng ai để ý, nhưng kết cục lại từ cả hai người này mới ra anh Khôi. Đây là điều không thể nào chứng minh được.
Vợ tôi nói:
– Về cơ bản, chuyện này mình không tin cũng không được, nhưng tin ngay, cũng miễn cưỡng. Anh Khôi rõ ràng không có vợ, nhưng thầy Lư, ít nhất hai lần khẳng định, tại bệnh xá ở Svay Rieng, anh Khôi gặp vợ là y tá Minh. Một dấu hỏi lớn nữa là thầy Lư hai lần nói về một người tên Hùng hay Phùng, bạn anh Khôi, mà anh Tuấn biết, hiện cũng ở Phước Long, trong khi anh Tuấn không hề liên quan đến người này.
Thuận Ánh, biên tập viên chương trình Thời sự Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu:
– Sự sai số còn ở cả chỗ giấy báo tử từ Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh Vĩnh Phú gửi về gia đình ghi ngày mất của bác Khôi là mười hai tháng ba năm 1970, trong khi tại hồ sơ lưu trữ của Sư đoàn 9, căn cứ Đồng Dù, lại ghi ngày hai mươi ba tháng năm năm 1970. Cứ cho nhầm lẫn này do hoàn cảnh chiến tranh, thì việc làm thủ tục để phòng Thương binh Xã hội Bình Phước hợp thức hóa hài cốt bác Khôi, chắc chắn sẽ trục trặc.
Theo con, dù việc tìm được bác Khôi hay không, tìm trúng hay không trúng, thì từ trước đến nay, nhà mình cũng đã thờ bác rồi, nên việc bác ấy ở nghĩa trang Phước Long, tin hay không tin, quyết định thuộc về bố mẹ. Nếu bố mẹ tin bác ở đó, thì chúng con theo. Nhỡ thực tế, không phải bác ấy mà nhầm một liệt sĩ khác, thì người đó cũng xứng đáng được chúng ta thờ cúng, chắc bác Khôi cũng sẽ thông cảm.
Cuối cùng, “Hội đồng” quyết định sẽ trở lên nghĩa trang Phước Long lần nữa, làm việc với ban quản lý nghĩa trang, sau đó, đến phòng Thương binh Xã hội Tỉnh Bình Phước, tường trình toàn bộ việc tìm được mộ anh Khôi và đề nghị cho gia đình được mở nắp mộ, lấy một phần hài cốt đưa về Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra ADN. Đó là một quyết định hợp lý, nên ngay tuần sau, tuy vợ tôi còn mệt, hai vợ chồng vẫn thuê xe đi Bình Phước.