Không sử dụng nguồn điện trực tiếp, loại bình nước nóng này được nhiều người dùng nhận xét rằng tiết kiệm điện, an toàn hơn khi sử dụng và rất thích hợp vào mùa hè.
Nhắc tới những thiết bị hỗ trợ cuộc sống của con người trong các gia đình hiện đại hiện nay, bên cạnh điều hòa, tivi, tủ lạnh hay máy giặt, không thể không nhắc tới những chiếc bình nước nóng hay bình nóng lạnh. Thiết bị này thường được lắp đặt trong nhà vệ sinh, nhà tắm, nhằm cung cấp nguồn nước ấm, nóng cho các hoạt động sinh hoạt, các công việc vệ sinh cá nhân của con người. Khi lắp đặt bình nóng lạnh, bình nước nóng, không chỉ khu vực vòi hoa sen mà bồn rửa mặt, bồn rửa bát hay các vòi nước khác trong nhà cũng sẽ đều được cung cấp nguồn nước nóng.
Người dùng thường sẽ điều chỉnh bình nóng lạnh, bình nước nóng bằng công tắc hoặc bộ phận aptomat. Khi bình được bật, hệ thống điện sẽ làm nước nóng dần lên theo đúng nhiệt độ đã được cài sẵn. Sau đó, rơ le sẽ tự động ngắt mạch điện vào sợi đốt để có thể giữ được bình chỉ nóng ở mức nhiệt độ đó. Sau một thời gian, nhiệt độ nước giảm, rơ le nhiệt lại đóng mạch lại để sợi đốt tiếp tục đun nước. Chu trình này sẽ diễn ra lặp đi lặp lại để duy trì độ nóng của nước trong bình phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dùng. Đến khi không có nhu cầu sử dụng nữa, người dùng sẽ tắt công tắc/aptomat đi.
Bình nóng lạnh cung cấp nước nóng là thiết bị quen thuộc trong mọi gia đình (Ảnh minh họa)
Tuy có cách sử dụng đơn giản và được dùng như một vật dụng quen thuộc trong gia đình mỗi ngày, tuy nhiên bình nóng lạnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố cho người dùng. Có thể kể tới trường hợp bình bị rò điện, chập, cháy, thậm chí là gây giật điện nguy hiểm.
Chính vì vậy, hiện nay có một phiên bản khác của bình nóng lạnh, bình nước nóng, được người dùng nhận xét là đem lại độ an toàn cao hơn, đồng thời còn giúp tiết kiệm điện. Thiết bị này mang tên bình/máy nước nóng năng lượng mặt trời.
Bình nước nóng năng lượng mặt trời hoạt động như thế nào?
Ngay từ tên gọi của thiết bị, người dùng đã có thể phần nào hình dung ra cơ chế hoạt động của nó. Thay vì sử dụng điện, các loại bình nước nóng này hoạt động chủ yếu nhờ vào năng lượng từ ánh nắng mặt trời tự nhiên.
Cụ thể, thiết bị sẽ bao gồm một bộ phận thu nhiệt, thường được đặt trên nóc, mái nhà, nhằm thu nhiệt từ ánh sáng mặt trời, từ đó làm nóng nước. Sau đó, nước nóng sẽ được lưu trữ trong bình bảo ôn – một bộ phận còn được gọi là bộ phận giữ nhiệt, dùng để lưu trữ nước nóng và nước lạnh.
Các loại bình/máy nước nóng năng lượng mặt trời tận dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên (Ảnh minh họa)
Trong đó, bộ phận thu nhiệt của bình nước nóng năng lượng mặt trời hiện nay cũng được phân thành 3 loại khác biệt. Đầu tiên là loại ống chân không, sử dụng các ống chân không để hấp thụ nhiệt. Thứ 2 là ống dầu, và thứ 3 là tấm phẳng, được bảo vệ bởi một lớp kính cường lực cao cấp.
Đi sâu hơn vào nguyên lý hoạt động của bình nước nóng năng lượng mặt trời, các chuyên gia gọi cơ chế của nó là nguyên lý đối lưu nhiệt tự nhiên. Khi có ánh nắng mặt trời rọi xuống, các ống chân không, ống dầu hoặc tấm phẳng sẽ hấp thụ lượng nhiệt năng từ ánh nắng, sau đó làm nóng nước một cách nhanh chóng. Nước sau khi được làm nóng sẽ di chuyển lên trên, còn nước lạnh sẽ di chuyển xuống dưới các ống để được làm nóng.
Quá trình “đun” nước này sẽ kết thúc khi nhiệt độ nước trong bình chứa và các ống bằng nhau. Các chuyên gia cũng đánh giá rằng, nước được làm nóng bằng năng lượng mặt trời có thể đạt tới nhiệt độ hơn 90 độ C.
Ảnh minh họa
Ưu điểm của bình nước nóng năng lượng mặt trời
Chính bởi cơ chế hoạt động hoàn toàn dựa vào ánh nắng mặt trời tự nhiên nên loại bình nước nóng này có ưu điểm lớn là không gây tốn điện, từ đó tiết kiệm chi phí vận hành cho người dùng. Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra sự cố mất điện, máy vẫn có thể hoạt động nhờ vào tính năng làm nóng nước liên tục khi có nắng và bình bảo ôn, giữ nước nóng lên đến hơn 72 giờ.
Một ưu điểm lớn nữa khi không sử dụng điện để hoạt động của bình nước nóng năng lượng mặt trời đó chính là an toàn hơn khi sử dụng, không xảy ra các trường hợp chập cháy hay điện giật đối với người dùng. Bên cạnh đó, các bộ phận máy sử dụng cũng làm từ các chất liệu bền bỉ, chống gỉ và chịu được tác động của thời tiết hoặc môi trường.
Một số ưu điểm nữa cũng được chỉ ra ở bình nóng lạnh năng lượng mặt trời là thân thiện với môi trường, có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống, tại doanh nghiệp, nhà máy hay các hộ gia đình, và các loại bình này thường có dung tích lớn, dao động từ 140 lít đến 400 lít.
Không sử dụng điện, bình/máy nước nóng năng lượng mặt trời được đánh giá là tiết kiệm hơn, an toàn hơn (Ảnh minh họa)
Nhuuợc điểm của bình nước nóng năng lượng mặt trời
Tuy nhiên, đi cùng với ưu điểm cũng là những nhược điểm. Cụ thể, đối với bình chân không, bình hoạt động kém hiệu quả khi trời không có nắng, đặc biệt là vào mùa đông, ánh nắng yếu. Đồng thời quan thời gian dài, các ống của máy dễ bị rong rêu, bụi bẩn bám vào, từ đó làm suy giảm hiệu quả hoạt động của thiết bị.
Đối với bình ống dầu, tuy có thể sử dụng tốt ngay khi trời không có nắng như giá thành lại khá cao. Theo khảo sát, giá thành của bình ống dầu thường đắt hơn so với bình chân không khoảng 2-3 triệu đồng. Còn với máy tấm phẳng, thiết bị không thể hoạt động khi mất điện. Ngoài ra lượng nhiệt thoát ra môi trường khá lớn dẫn đến hiệu suất hoạt động kém. Giá thành của máy nước nóng tấm phẳng cũng được đánh giá là cao nhất so với 2 loại còn lại, dao động từ 70 triệu đồng/máy.
Máy nước nóng tấm phẳng là loại đắt nhất hiện nay (Ảnh minh họa)
Trước khi quyết định mua và sử dụng các loại bình, máy nước nóng năng lượng mặt trời, tốt hơn hết người dùng nên cân nhắc kỹ điều kiện và nhu cầu của cá nhân nói riêng cũng như cả gia đình nói chung.
Còn với các loại bình nóng lạnh sử dụng điện thông thường, chúng vẫn sẽ là một thiết bị hiệu quả và an toàn nếu như người dùng ghi nhớ một số lưu ý như sau:
– Lựa chọn mua thiết bị chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ các nhà phân phối uy tín. Không nên mua lại bình nóng lạnh cũ, đã qua sử dụng.
– Không vừa bật vừa sử dụng thiết bị. Tốt hơn hết nên bật trước khi cần sử dụng khoảng 30 phút rồi tắt đi.
– Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ 1-2 lần/năm, tùy vào chất lượng nguồn nước khu vực.
– Khi bình xuất hiện dấu hiệu lạ như nhỏ nước, phát ra tiếng kêu hay rò điện, gọi đơn vị kỹ thuật tới kiểm tra, sửa chữa, không tự ý sửa tại nhà.
– Ở một số loại bình nóng lạnh có thể tùy chỉnh nhiệt độ nước để tiết kiệm điện hơn.