Từ thế kỷ 16, thế giới đã phát hiện ra tác dụng lợi tiểu, thải độc tố của rau cần tây. Do vậy, loại rau này được ví như ‘thực phẩm vàng’ tốt cho thận.
Cần tây có tên khoa học là Apium glaveolens, thuộc họ hoa tán: Apiaceae (Umbelifelee). Cây được nhập vào nước ta, hiện được trồng phổ biến ở nhiều nơi để làm rau ăn.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho hay từ thế kỷ 16, tại Châu Âu, các nhà khoa học đã phát hiện ra rau cần tây có tác dụng lợi tiểu. Tại đây, người dân thường dùng cần tây làm thức ăn và làm thuốc lợi tiểu.
Còn tại Việt Nam, theo GS. TS. Đỗ Tất Lợi (tác giả cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam), cần tây có tác dụng hạ huyết áp.
Theo bác sĩ Vũ, cây cần tây chứa canxi, sắt, phospho, giàu protein. Cần tây còn chứa nhiều axít amin tự do, tinh dầu, mannitol, inositol, nhiều loại vitamin. Lượng kali và natri dồi dào trong cần tây sẽ giúp cơ thể điều tiết chất dịch và kích thích sản xuất nước tiểu, từ đó đào thải độc tố một cách dễ dàng. Cũng như nhiều loại rau xanh khác, cần tây còn có tác dụng làm nhuận tràng một cách tự nhiên.
Cần tây có hàm lượng nước cao (trên 90%) nên có tác dụng đào thải các chất độc hại dư thừa. Đây cũng là thực phẩm giúp thận khoẻ mạnh một cách tự nhiên.
Bác sĩ Vũ cho biết: “Chiết xuất lá cần tây có tác dụng hạ huyết áp tâm thu và tâm trương, giảm lipid máu, từ đó giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Đặc biệt, cần tây không gây tụt huyết áp và nhịp tim ở người bình thường“.
Không chỉ rau cần tây có tác dụng dược lý chữa bệnh, quả cây cần tây cũng có nhiều tác dụng không kém. Bác sĩ Vũ cho biết quả cần tây chứa 90,5% nước, 1,95% hợp chất nitơ, 0,07% chất béo, 1,15% xenluloza…, khi cất cho từ 2-3% tinh dầu. Chiết xuất hạt cần tây giúp hạ huyết áp nhờ tác dụng chậm nhịp tim, giãn mạch.
Một số bài thuốc hay từ rau cần tây
Hạ huyết áp: Mỗi ngày dùng toàn bộ một cây cần tây tươi thái nhỏ, đun nước uống, chia làm nhiều lần uống trong ngày. Nếu không có cần tây tươi có thể dùng cần tây phơi khô trong bóng râm uống dần.
Lưu ý, nên dừng ngay khi có kết quả ổn định và thăm khám đánh giá lại khi cần thiết, không nên lạm dụng.
Chữa mỡ trong máu cao: Cần tây và táo đen lượng bằng nhau, sắc nước uống hàng ngày. Hoặc người bệnh cũng có thể sử dụng nước ép cần tây hàng ngày, dùng trong thời gian từ 30 – 45 ngày.
Chữađi tiểu nước đục: Rễ cần tây cắt sát phần gốc đun nước uống. Uống khi đói vào buổi sáng và tối. Sử dụng liên tục trong 3 – 7 ngày, nước tiểu sẽ trong trở lại như bình thường.
Chữa bệnh suyễn, lao phổi, viêm màng phổi, viêm phế quản: Dùng hạt cần tây sắc lấy nước uống.
Chữa mất ngủ: Cần tây có chứa chất kiềm có thể làm giảm căng thẳng và làm dịu các dây thần kinh. Nên dùng các món ăn có cần tây vào bữa tối để có một giấc ngủ ngon.
Lưu ý theo y học cổ truyền, người huyết áp thấp không nên dùng cần tây thường xuyên. Người hư tỳ nhược dùng cần tây có thể làm tổn thương trung dương, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.