Bảo hiểm xe máy là một trong các loại giấy tờ bắt buộc người điều khiển xe phải mang theo khi tham gia giao thông. Vậy, trường hợp không có bảo hiểm xe máy bắt buộc bị phạt bao nhiêu?
Bảo hiểm xe máy là loại bảo hiểm bảo vệ về mặt tài chính cho chủ phương tiện và người bị thiệt hại trong trường hợp tai nạn về người và xe khi tham gia giao thông. Mỗi phương tiện sẽ được cấp một giấy chứng nhận bảo hiểm (có thể lưu hành dưới dạng bảo hiểm điện tử) và nếu bị mất phải có văn bản đề nghị nơi cấp (nơi phát hành) cấp lại.
Theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định:
“Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm quy định tại Nghị định này, chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trong Giấy chứng nhận bảo hiểm”
Theo đó, bảo hiểm xe máy có hai loại:
– Bảo hiểm xe máy bắt buộc.
– Bảo hiểm xe máy tự nguyện.
Tuy nhiên, Nghị định 03/2021/NĐ-CP chỉ quy định người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông phải mang theo bảo hiểm xe máy bắt buộc.
Theo điểm a, khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ) quy định:
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (bảo hiểm xe máy) còn hiệu lực thì bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Như vậy, so với mức phạt cũ của Nghị định 46 là 80.000 – 120.000 đồng, mức phạt lỗi không có bảo hiểm xe máy hoặc bảo hiểm xe máy hết hiệu lực hiện hành đã tăng lên đáng kể.