TTO – Là những người trẻ được sinh ra trong hòa bình và lớn lên cùng sự chuyển mình của TP.HCM, họ đều có khát vọng đóng góp…
Phấn đấu xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tôi nghĩ mỗi bạn trẻ cần ý thức được những điều tốt đẹp mà TP.HCM đã dành cho mình. Từ đó, mỗi người sẽ nhận thức trách nhiệm bản thân với việc xây dựng và phát triển thành phố. Điều này không chỉ báo đáp ơn nghĩa, mà còn để thế hệ con cái chúng ta cũng có được tương lai tốt đẹp.
VŨ CHÍ KIÊN
Chia sẻ của ba gương mặt “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM”: Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), Vũ Chí Kiên (Sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM) và Nguyễn Nhật Phương (chiến sĩ Công an TP.HCM) về thành phố nơi các bạn được sinh ra và lớn lên.
Ghi nhớ lịch sử anh hùng
* Sự kiện kỷ niệm 30-4, ngày thống nhất đất nước, trong những điều bạn có và biết là gì?
Chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh – Ảnh: DUYÊN PHAN
– Nguyệt Thanh: Ngày 30-4 trong tôi thời bé là chờ được xem pháo hoa cùng gia đình, hòa chung không khí cả nước mừng non sông liền một dải. Lúc tiểu học, tham dự kỳ thi Trạng nguyên, chúng tôi ngồi trên bãi cỏ trong hội trường Thống Nhất và được ôn lại những giây phút lịch sử hào hùng của đất nước, dân tộc ngay tại địa chỉ lịch sử này, tôi nhớ mãi.
– Chí Kiên: Ấy là dịp tôi được nhắc nhở về giá trị độc lập, tự do và sự hi sinh của thế hệ cha anh để mình được sống trong hòa bình. Cũng là dịp tôi tự nhắc bản thân về trách nhiệm tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước để cùng xây dựng thành phố thịnh vượng hơn.
– Nhật Phương: Đó còn là ngày tri ân. Chúng ta tri ân bao thế hệ cha anh đã ngã xuống, sự hi sinh lớn lao của các Mẹ Việt Nam anh hùng cùng bao nhiêu đồng bào để hôm nay có một Việt Nam hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống người dân ngày thêm ấm no, hạnh phúc.
* 46 năm, TP.HCM từng ngày đi lên mạnh mẽ. Bạn nghĩ mình đã đóng góp gì trong nhịp phát triển ấy?
– Nguyệt Thanh: Là người con của thành phố, tôi thấy may mắn khi quá trình trưởng thành của mình gắn với sự phát triển của thành phố. Tôi tự thấy mình đang thực hiện vai trò “đại sứ thanh niên” của TP.HCM, khi có dịp đặt chân đến 18 quốc gia khác nhau.
Tôi luôn tranh thủ quảng bá về văn hóa, con người, hình ảnh, lịch sử TP.HCM mỗi khi có cơ hội tại các hội nghị, diễn đàn thanh niên quốc tế. Tôi không ngừng học tập, nghiên cứu để có được các công trình đăng tải trên các tạp chí khoa học. Và một cách nào đó, tôi đang nỗ lực góp phần cùng đội ngũ y tế thành phố nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trong vai trò bác sĩ.
Anh Vũ Chí Kiên – Ảnh: DUYÊN PHAN
– Chí Kiên: Tôi cùng tham gia các đề án lớn của TP.HCM mà nổi bật là công tác xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông (nay là thành phố Thủ Đức), công tác bảo tồn đô thị. Tôi xây dựng và vẫn đang hoàn thiện ứng dụng Thông tin quy hoạch TP.HCM, cùng nghiên cứu ý tưởng quy hoạch đô thị sáng tạo tương tác cao, công trình trùng tu cột cờ Thủ Ngữ…
– Nhật Phương: Tôi cùng đồng đội luôn sẵn sàng có mặt nhanh nhất có thể trong nhiều vụ việc khi nhận được tin báo. Chúng tôi đã cứu sống hơn 20 người, vớt trên 50 thi thể. Chúng tôi có đưa một số chuyên đề đến người dân với các thông tin cơ bản, cần thiết nhất về cứu hộ, cứu nạn. Tôi tham mưu lãnh đạo để mở nhiều lớp huấn luyện kỹ năng cứu đuối nước cho trẻ em.
Nhận rõ trách nhiệm
* Nhìn về TP.HCM của ngày mai, bạn kỳ vọng điều gì?
– Chí Kiên: TP.HCM đang xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tương tác cao là những đề án lớn để thành phố phát triển hơn nữa. Tôi muốn được nhìn thấy thành phố chúng ta ngày càng hội nhập và phát triển mạnh mẽ, trở thành một đô thị toàn cầu (global city) – nơi bạn bè quốc tế cùng tìm đến đầu tư, sinh sống và phát triển.
– Nguyệt Thanh: Tôi mong thành phố chúng ta trở thành “đô thị khoa học – kỹ thuật” bậc nhất cả nước và khu vực. TP.HCM hoàn toàn có thể đầu tư để cải tiến trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, xây dựng các viện nghiên cứu và các trường ĐH đào tạo các ngành trọng điểm đạt chuẩn thế giới. Tôi kỳ vọng thành phố nâng cao chất lượng hệ thống y tế, xây dựng và hoàn thiện hệ thống y tế thông minh, bác sĩ gia đình phục vụ người dân càng sớm càng tốt.
Anh Nguyễn Nhật Phương – Ảnh: DUYÊN PHAN
– Nhật Phương: Là một người lính cứu hộ cứu nạn, tôi mong thành phố chúng ta ít xảy ra các sự cố, hoặc nếu có thì thiệt hại về người và tài sản luôn ở mức thấp nhất. Ai trong chúng ta cũng mong được sống bình an, hạnh phúc, mỗi người lính chúng tôi cũng chỉ mong điều đó. Nói vui là nếu chúng tôi càng thất nghiệp, cuộc sống càng vui.
* Đâu là trách nhiệm cần có của một công dân trẻ với mảnh đất mình sinh ra và trưởng thành?
– Nhật Phương: Mỗi bạn trẻ phải chịu khó học hỏi, vận dụng những điều được học vào thực tế một cách tối ưu, cống hiến hết sức trẻ của mình vào sự phát triển của thành phố dù là nhỏ nhất. Với cá nhân, trách nhiệm của tôi là cùng đồng đội bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân; không ngại khó, ngại khổ, luôn xung phong đi đầu mọi việc.
– Nguyệt Thanh: Tôi nghĩ trách nhiệm không thể thiếu là mỗi công dân trẻ phải tự nuôi dưỡng khát vọng cho mình. Khát vọng nâng cao kiến thức, nuôi dưỡng nhân cách, sống đẹp và sống có ích, rèn luyện các kỹ năng sống, trình độ ngoại ngữ… Cuối cùng là khát vọng được góp sức mình phục vụ TP.HCM, đất nước. Chính những khát vọng ấy mới có thể giúp mỗi công dân trẻ vượt qua “vùng an toàn” của bản thân để đạt đến những thành công ngoài mong đợi.
Đầu tư nhân lực cho thành phố vươn lên
Chị Trần Phương Ngọc Thảo – Ảnh T.T.
Để đội ngũ doanh nhân đồng hành cùng sự phát triển của TP.HCM, cũng như để nhiều người trẻ dấn thân khởi nghiệp sáng tạo, doanh nhân trẻ Trần Phương Ngọc Thảo (sinh năm 1984, tiến sĩ ĐH Harvard, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc chuyển đổi số hóa Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) cho rằng lãnh đạo TP.HCM cũng như đất nước nên đầu tư hơn cho giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“Chúng ta nói đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của đời sống, nhưng thực tế đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ còn hạn chế. Ngoài ra, việc trang bị kỹ năng mềm và thái độ sống tích cực, tư duy cởi mở, ham học hỏi cho đội ngũ lao động trẻ cũng rất cần thiết. Cần quan tâm giáo dục những yếu tố này ngay từ bậc tiểu học thay vì đợi đến bậc học cao. Đồng thời chú trọng phát triển tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước trước khi các em đi du học hay chuyển sang học hệ trường quốc tế, trường ngoài công lập” – chị Thảo nêu ý kiến.
Nói đến khởi nghiệp sáng tạo, chị Thảo gợi mở câu chuyện nhiều chính phủ các nước sẵn sàng tạo sân chơi, giao những dự án của Nhà nước ở quy mô vừa phải cho những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là sự trợ giúp quan trọng hơn cả đồng vốn.
“Đã là doanh nhân thì phải có nội lực và sẵn sàng tiến lên, không đòi hỏi hay chờ đợi những chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, với khởi nghiệp trẻ, chúng ta cũng nên có những “sân tập” như cách làm của một số nước. Hãy giao trọng trách và cơ hội cho người trẻ, chấp nhận có rủi ro, giao việc cho 5 anh mà 2 hay 3 anh thất bại cũng là bình thường.
Khi có “sân tập”, đội ngũ doanh nhân trẻ sẽ mạnh dạn dấn thân và sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá trong nhiều lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số đang rất cần thiết cho sự phát triển. Hãy nghĩ doanh nhân trẻ như những cầu thủ tiềm năng nhưng chưa nổi tiếng, họ cần được tin tưởng cho ra sân ở những trận đấu lớn” – chị Thảo chia sẻ.
KIM ANH