“Làm chủ hay nhượng quyền?”, “Làm thế nào để nhượng quyền bền vững?”,… Hãy cùng lắng nghe bà Nguyễn Phi Vân – thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates chia sẻ và giải đáp về vấn đề này.
Ngành nhượng quyền thương hiệu (franchise) đang nở rộ tại Việt Nam với sự có mặt của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Thế nhưng để thành công chẳng phải điều đơn giản. Người thắng có, kẻ thua cũng không ít. Trước những cơ hội và thách thức của ngành nhượng quyền thương hiệu, các nhà kinh doanh hãy lắng nghe những chia sẻ của bà Nguyễn Phi Vân để tìm được chìa khóa thành công cho riêng mình.
Bà Nguyễn Phi Vân được biết đến là một trong những người đi đầu trong việc nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam. Bà hiện là thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates tại khu vực Đông nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, đại diện cho gần 1000 thương hiệu quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm với tư cách là giám đốc cấp cao về phát triển thương hiệu, bán lẻ, nhượng quyền thương mại tại các thị trường toàn cầu mới nổi ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu, bà Nguyễn Phi Vân đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho những nhà đầu tư.
Lựa chọn nhượng quyền hay tự xây dựng thương hiệu riêng chưa bao giờ là câu hỏi dễ trả lời. Vậy theo bà, đâu sẽ là hướng đi thành công và ít rủi ro nhất cho những nhà đầu tư ?
“Có 2 vấn đề ở đây khi nói đến kinh doanh nhượng quyền: mua mô hình nhượng quyền và xây dựng mô hình nhượng quyền. Nếu bạn còn trẻ, chưa có kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm quản trị thì việc mua nhượng quyền có lẽ sẽ giúp bạn học hỏi được cách tổ chức, quản trị, vận hành để bạn có thể tự mình làm chủ công việc kinh doanh. Trên thực tế, rất nhiều người kể cả doanh nhân trên thế giới chọn mua mô hình nhượng quyền để học hỏi cách làm tốt nhất của một tập đoàn, thương hiệu nào đó.
Ngược lại, khi bạn đã dày dạn kinh nghiệm và hiểu biết rõ về nhượng quyền thì tôi rất ủng hộ bạn đứng ra xây dựng cho mình một thương hiệu, mô hình nhượng quyền mà chính bạn làm chủ. Hiện nay ở Việt Nam, người ta mua mô hình nhượng quyền từ các nước khác rất nhiều. Tuy nhiên trong giai đoạn 2 – 3 năm tiếp theo, để phát triển kinh tế, chúng ta cần phải phát triển mạnh mẽ hơn các thương hiệu, mô hình Việt Nam sau đi đã học hỏi cách làm từ các thương hiệu khác.
Chính bản thân tôi cũng đang tham gia mua mô hình nhượng quyền và tự xây dựng mô hình nhượng quyền. Nếu mình chưa có kinh nghiệm trong ngành thì nên chọn mua nhượng quyền vì chỉ bằng cách này, bao nhiêu năm kinh nghiệm vận hành và cách làm tốt nhất đều đã được đóng gói và trao lại cho người mua nhượng quyền. Nếu người khác phải mất 20 năm để xây dựng mô hình nhượng quyền thì mình chỉ mất khoảng 2 tuần để học lại tất cả cách vận hành và cách làm tốt nhất đó để bắt đầu công việc kinh doanh.
Ngược lại, đối với những ngành bạn đã có thời gian trải nghiệm đủ lâu thì câu hỏi đặt ra là bạn nên mua nhượng quyền hay bạn có thể đóng gói những trải nghiệm đó thành một mô hình hiệu quả hơn, tối ưu hóa hơn, mang tính dễ dàng phát triển hơn so với các mô hình hiện có.
Vì vậy không có phân cách rõ ràng giữa việc nên đi mua nhượng quyền hay tự xây dựng mô hình nhượng quyền. Một nhà làm kinh doanh có thể tham gia cả hai khía cạnh cùng một lúc.”
Có rất nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi hiện tại ngành nhượng quyền nào đang hot và có nên đầu tư vào ngành “hot” đó không?
“Thực ra mô hình nhượng quyền nào cũng có thể hot dễ dàng. Những mô hình có lợi nhuận ròng cao, đặc đối với mô hình trà sữa, nếu làm đúng, tỷ suất lợi nhuận có thể lên đến 30 – 40%. Chưa có ngành nào có thể đạt được mức tỷ suất lợi nhuận cao như vậy. Nên nếu ngành nào có thể làm được như vậy thì sẽ “hot” và sẽ có nhiều người tham gia đầu tư và cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là chu kỳ “hot” đó là bao lâu. Nếu bắt đầu khi chu kỳ “hot” bắt đầu tăng cao và rút ra trong khoảng 8 – 12 tháng thì bạn đang trong vùng đầu tư an toàn. Nếu mình tham gia khi chu kỳ “hot” đã qua đỉnh điểm, tỷ suất lợi nhuận chỉ còn 10% thì có lẽ nó không còn “hot” nữa. Bạn nên xem lại có nên đầu tư hay không.”
Vậy theo bà, các nhà kinh doanh nên đầu tư ngành nhượng quyền nào trong tương lai?
“Cách đúng đắn khi đầu tư nhượng quyền là bạn phải hiểu rõ mong muốn của mình khi đầu tư nhượng quyền là gì. Nếu bạn muốn có một mô hình đầu tư nhượng quyền hiệu quả thì bạn phải tìm những mô hình mang tính phát triển mạnh, bền vững trong tương lai, mặc dù hiện tại mô hình đó chưa phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Ví dụ như các ngành dịch vụ giáo dục, huấn luyện, bảo hiểm, giải trí và đặc biệt là các mô hình có yếu tố công nghệ. Trong những năm gần đây, công nghệ đang phát triển rất mạnh mẽ, ví dụ như công nghệ VR (virtual reality – công nghệ thực tế ảo) giúp tạo ra một mô hình chơi game và giải trí chỉ gói gọn trong khoảng 15m2. Đó là một trong những mô hình nhỏ gọn, dễ làm, có yếu tố công nghệ và rất tiềm năng trong tương lai. Người đầu tư cho tương lai họ sẽ lựa chọn mô hình như vậy. Nếu bạn chỉ muốn đầu tư nhanh, hoàn vốn nhanh, rút ra nhanh vì sợ nhiều rủi ro thì bạn nên chọn những mô hình có thể hoàn vốn đầu tư trong khoảng 6 – 12 tháng và có lợi nhuận.”
Để lựa chọn ngành hàng muốn đầu tư thì tiền vốn cũng là một trong những yếu tố quyết định. Nếu nhà đầu tư có 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì lời khuyên của bà dành cho họ là gì?
“Nếu như mà các bạn có số tiền đó, mà sau khi đầu tư nếu không thành công mà không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình thì nên đầu tư. Thứ hai là chọn các mô hình nhỏ, gọn, vốn đầu tư nằm trong khoảng thấp hơn 500 – 1 tỷ mà bạn đang có. Lý do là nếu mình có 1 tỷ mà đầu tư hết 1 tỷ, trong 6 tháng đầu tiên nếu kinh doanh chưa tốt, chưa mang lại lợi nhuận thì mình gặp vấn đề về tiền mặt, như vậy việc tìm thêm nguồn tiền mặt để bù đắp chi phí rất khó khăn. Nên nếu có 1 tỷ thì nên đầu tư khoảng 700 triệu thôi, còn 300 triệu còn lại nên giữ để xử lý các vấn đề phát sinh trong những tháng đầu tiên.”
Còn với 2 tỷ thì nên đầu tư ngành nào là chuẩn, thưa bà?
“Nếu mình có 2 tỷ trở lên, thực ra các bạn nên tự hỏi chính mình “ngành nghề mình yêu thích là gì, ngành ăn uống hay thời trang, là công nghệ hay trà sữa, cà phê?”. Điều quan trọng hơn hết là bạn phải thích ngành mà bạn chọn, sau đó mình mới suy nghĩ tiếp rằng trong những ngành đó, ngành nào là ngành có tỷ suất sinh lời cao nhất và thời gian hoàn vốn nhanh nhất. Lúc đó bạn sẽ tìm được ngành vừa yêu thích vừa hiệu quả. Nếu bạn bỏ qua giai đoạn phân tích này mà chỉ chạy theo các lời giới thiệu, quảng bá của các nhãn hàng thì đôi khi bạn sẽ bị hụt hẫng khi lao vào đầu tư nhưng kết quả không như mong muốn hoặc không thể gắn bó lâu dài. Giả sử thương hiệu nhượng quyền bạn mua trong thời gian 5 năm, thì bạn có sẵn sàng gắn bó với thứ bạn không yêu thích trong khoảng thời gian dài như thế hay không?”
Và có một câu hỏi chung mà bất kì nhà kinh doanh nào cũng băn khoăn và rất mong được lắng nghe lời khuyên từ bà. Đó là làm sao để phát triển nhượng quyền bền vững?
“Một thương hiệu muốn phát triển bền vững thì bản thân thương hiệu đó phải có hiệu quả kinh doanh. Tôi rất hay lật ngược vấn đề với các doanh nghiệp đang băn khoăn về việc có nên nhượng quyền mô hình của mình hay không rằng các chi nhánh của bạn đã hoạt động hiệu quả hay không. Trước hết chúng ta phải quản trị tốt mô hình kinh doanh của mình rồi mới suy nghĩ đến việc phát triển nó thành mô hình nhượng quyền. Nếu mô hình kinh doanh của bạn đã tốt, nếu bạn đủ tài chính, bạn có thể tự mở thêm chi nhánh. Nếu tài chính của bạn chưa đủ, bạn nên nhượng quyền. Ngoài ra, bạn phải nhìn được mô hình này có còn khả năng phát triển hơn nữa hay không. Nếu mô hình của bạn đang chưa có được khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tương lai, đặc biệt là digital customer (khách hàng số) , tức là mô hình đó không thể phát triển bền vững thì bạn phải đi đến bước 2 là bước chuyển đổi mô hình từ mô hình truyền thống thành mô hình tech – enable – mô hình được hỗ trợ bởi công nghệ và số hóa. Sau đó bước thứ 3 là phát triển thị trường. Đó là 3 bước cần làm để phát triển một mô hình nhượng quyền bền vững.”
Cám ơn bà về buổi trò chuyện ngày hôm nay! Hẹn gặp lại Bà Nguyễn Phi Vân tại Chuỗi Hội thảo Chuyên đề được tổ chức bên trong Triển lãm Quốc tế Công nghệ cửa hàng và Nhượng quyền thương hiệu (VIETRF 2019).
Để tìm hiểu thêm về thị trường bán lẻ và nhượng quyền, tìm kiếm mô hình phù hợp để kinh doanh nhượng quyền, bạn có thể đăng ký tham quan Triển lãm VIETRF 2019 lần thứ 11 – quy tụ hơn 200 thương hiệu Công nghệ bán lẻ và Nhượng quyền thương hiệu Việt Nam và Quốc tế, được tổ chức từ ngày 31/10/2019 đến 02/11/2019 tại SECC – Trung tâm Hội nghị và triển lãm Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, HCM.
Thông tin chi tiết:www.vietrf.com