Theo luật sư, nếu trách nhiệm liên đới đến các tổ chức tín dụng thì ngân hàng rất có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về việc khách hàng bị lộ. Và mức độ, quy mô vi phạm đến đâu sẽ bị truy cứu theo quy định của pháp luật.
Sự phát triển của dịch vụ internet banking hay còn là dịch vụ ngân hàng điện tử, ngày càng có nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin của người dùng để lừa đảo và chiếm đoạt tiền bạc. Mặc dù các ngân hàng thường xuyên khuyến cáo khách hàng về vấn đề bảo mật tài khoản, nhưng hầu như tháng nào cũng có những khách hàng bị “dính bẫy”.
Giả là nhân viên ngân hàng để lừa đảo không phải hiếm gặp
Mới đây, Cảnh sát cơ động, hình sự Công an quận Tân Bình (TP.HCM) phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng loạt ập vào 3 văn phòng trong các toà nhà ở quận Tân Bình, tạm giữ 86 người có dấu hiệu giả nhân viên tín dụng các ngân hàng gợi ý khách rút tiền từ thẻ tín dụng để chiếm đoạt.
Bước đầu, Cơ quan điều tra xác định, các nghi phạm giả danh nhân viên của đơn vị phát hành thẻ tín dụng, gọi điện thoại tư vấn các chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt qua phần mềm. Sau khi nạn nhân đồng ý, các nghi phạm yêu cầu chụp hình 2 mặt thẻ tín dụng và cung cấp mã OTP. Sau đó, nhóm này thực hiện thanh toán bằng thẻ thông qua các gian hàng trên website để chuyển đổi tiền từ thẻ của nạn nhân sang tài khoản ví điện tử của các đối tượng để chiếm đoạt.
Các vụ việc giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo không phải hiếm gặp. Nắm bắt được nhu cầu cần tiền mặt của người dân nên kẻ gian thường tung ra chiêu cho vay, rút tiền từ thẻ tín dụng hay việc nhẹ lương cao… để lừa đảo.
Cụ thể, các đối tượng thường thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo…, rồi sử dụng logo, phòng giao dịch, hình ảnh của nhân viên ngân hàng…liên hệ với khách hàng để giới thiệu các gói vay vốn hấp dẫn, hỗ trợ nâng hạn mức thẻ tín dụng…Sau khi tiếp cận được khách hàng có nhu cầu vay, kẻ lừa đảo giả mạo văn bản xác nhận có chữ ký lãnh đạo ngân hàng gửi cho khách hàng được giải ngân khoản vay. Kèm theo đó là yêu cầu khách nộp trước một khoản tiền, phí hoặc yêu cầu khách đóng một khoản tiền để xóa nợ xấu, phí hồ sơ hoàn tất thủ tục. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Việc có vô số khách hàng bị lộ thông tin là thực trạng vô cùng nguy hiểm. Theo một cán bộ điều tra phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang, đây là thủ đoạn không mới, có nhiều cách để các đối tượng lừa đảo biết được danh sách khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của các ngân hàng. Thứ nhất, liên kết với các nhà mua bán qua mạng, giả nhân viên ngân hàng, giả các loại hình giải thưởng, lấy thông tin điện, nước thanh toán qua tài khoản. Hoặc mua chuộc bên tín dụng, nơi trả lương hàng tháng qua tài khoản … Kể cả việc người dân tự đăng số tài khoản lên mạng với mục đích giao dịch khác cũng là sơ hở cho các đối tượng xấu có thông tin.
Dấu hiệu của tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng đại diện văn phòng Luật Kết nối cho rằng, về trách nhiệm trong các vụ việc trên, trước tiên phải xét đến những đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trực tiếp. Các đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn gian dối, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của người khác, chiếm đoạt số tiền lớn từ rất nhiều nạn nhân, có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù với mức cao nhất là chung thân.
Theo luật sư Hùng, liên quan đến hành vi này, nếu chưa đủ yếu tố để xử lý hình sự, người vi phạm sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Còn đối với tổ chức, mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi.
Ngoài ra, nếu trách nhiệm liên đới đến các tổ chức tín dụng thì ngân hàng rất có thể sẽ phải chịu trách nhiệm về việc khách hàng bị lộ, tùy thuộc vào chi nhánh hay trụ sở của ngân hàng đó là gì; Mức độ, quy mô vi phạm đến đâu sẽ bị truy cứu theo quy định của pháp luật.
Theo đó, căn cứ theo điểm d khoản 4 điều 47 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, hành vi làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức. Thậm chí, nếu đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự với tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù lên đến 7 năm.
Trước tình trạng mạo danh ngân hàng để lừa đảo gia tăng, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không nhấn vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã xác thực một lần (OTP) cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng; tuyệt đối không chuyển tiền phí, nợ gốc, nợ lãi hoặc hoặc phí bảo hiểm vào tài khoản cá nhân; các khoản phí nếu có luôn được ngân hàng, công ty bảo hiểm yêu cầu nộp hoặc chuyển vào tài khoản của ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm.
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cũng khuyến cáo người dùng khi nhận được các tin nhắn cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người dùng các dịch vụ ngân hàng cũng lưu ý website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức “https” và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn.” Trường hợp nghi ngờ thông tin tài khoản bị đánh cắp hoặc phát sinh giao dịch gian lận, khách hàng cần liên hệ đường dây nóng hoặc phòng giao dịch ngân hàng gần nhất.
Người dùng có thể tra cứu xem trang web và tài khoản ngân hàng có an toàn hay thuộc danh sách được báo cáo là lừa đảo hay không thông qua tính năng Tra cứu trên hệ thống Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) do Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia (NCSC) cung cấp./.