Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, khi Luật Đất đai và các luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản, và nhiều vướng mắc lâu nay sẽ được tháo gỡ.
Tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án
Quốc hội vừa thông qua việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Qua đó, ngay tại đợt 2, Kỳ họp thứ 7 diễn ra trong ít ngày tới, Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản , có hiệu lực từ 1/8/2024. Theo ông, khi các luật này có hiệu lực sẽ tác động như thế nào tới thị trường bất động sản?
Hiện tại, Quốc hội mới chỉ chốt điều chỉnh chương trình và phải sang đợt 2 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội mới xem xét và thông qua chủ trương này. Tuy nhiên theo tôi, Quốc hội sẽ đồng ý thông qua, để Luật Đất đai và các luật liên quan đến bất động sản sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024, tức là sớm hơn 5 tháng.
Trước đây, đại biểu cũng đắn đo với việc ban hành hiệu lực sớm hơn, vì số lượng các văn bản đi kèm phải chuẩn bị rất lớn. Chẳng hạn, Luật Đất đai có đến 16 nghị định liên quan, hay Luật Nhà ở cũng có tới 3 nghị định, kèm theo đó còn rất nhiều thông tư hướng dẫn. Khi luật mới có hiệu lực, luật cũ sẽ không còn giá trị. Trong khi đó, nếu các văn bản dưới luật không làm kịp thì các địa phương sẽ rất khó trong tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên vừa qua, Chính phủ đã cơ bản hoàn thiện một số nghị định rồi, nên việc áp dụng sớm từ ngày 1/8 sẽ khả thi và cần thiết. Khi 3 luật này có hiệu lực song song, đồng điệu với nhau thì việc tổ chức thực hiện sẽ hiệu quả hơn. Tôi rất đồng tình và người dân cũng rất ủng hộ chủ trương này. Chỉ có điều, các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải làm sao gấp rút hoàn thiện các văn bản liên quan, để khi luật có hiệu lực sẽ mang lại hiệu quả tức thì.
Việc ba dự án luật này có hiệu lực sẽ tác động đến thị trường bất động sản ra sao, thưa ông?
Tôi tin, khi các dự án luật này có hiệu lực sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản, đáp ứng sự mong đợi của chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Đi tiếp xúc cử tri, họ cũng bày tỏ mong muốn và rất kỳ vọng, đặc biệt Luật Đất đai có hiệu lực sớm sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Điển hình như lâu nay, nhiều trường hợp đất không có tranh chấp, khiếu kiện, nhưng vẫn không được cấp quyền sử dụng đất. Nhưng khi luật mới có hiệu lực, những trường hợp này sẽ được cấp sổ đỏ nếu được địa phương xác nhận đất “không có tranh chấp”. Vì thế, người dân rất trông đợi điều này.
Hay như việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng sẽ được đẩy nhanh hơn, bởi khi đó sẽ áp dụng theo giá thị trường. Dự án thu hồi phục vụ lợi ích công cộng có giá đền bù khác, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, có chênh lệch địa tô, mức giá đền bù cũng sẽ khác. Một điểm mới đáng chú ý khác, khi luật mới có hiệu lực, sẽ cho phép người nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam được mua nhà đất tại Việt Nam… Theo tôi, những quy định mới trên sẽ tác động rất tích cực đến thị trường bất động sản.
Nhà ở xã hội sẽ thêm nhiều nguồn cung
Còn riêng với thị trường nhà ở xã hội thì sao, thưa ông?
Chắc chắn khi đó nguồn cung nhà ở xã hội sẽ khác. Lúc đó, Tổng Liên Đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cũng được tham gia xây nhà ở xã hội, phục vụ công nhân các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, luật quy định rất rõ, địa phương cũng phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Tất nhiên, để xây dựng một khu nhà ở không thể trong ngày một, ngày hai, nên sẽ không thể có ngay nguồn cung trong năm nay được. Nhưng từ 2025 trở đi, tôi tin sẽ có những chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là thị trường nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Khi đó, mục tiêu triển khai 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ khả thi.
Theo ông, đất đai và nhà ở là lĩnh vực xảy ra nhiều khiếu kiện và tiêu cực. Vậy cần phải làm gì để không xảy ra tình trạng “cài cắm lợi ích” trong các văn bản dưới luật?
Đúng vậy. Cá nhân tôi cũng như nhiều người không khỏi lo ngại về tình trạng “cài cắm lợi ích” trong các nghị định, thông tư, văn bản dưới luật. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này rất cần đến trách nhiệm người đứng đầu trong việc ban hành các văn bản, thông tư. Đặc biệt, sự giám sát trong tổ chức thực hiện của Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội là cực kỳ quan trọng, làm sao để nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành không khác luật, không sai luật và cũng loại bỏ, ngăn chặn được tình trạng “cài cắm lợi ích” trong đó.
Cảm ơn ông!