Khó khăn tài chính khiến Tổng Công ty quyết định giảm thu nhập bình quân của phi công xuống còn 77 triệu đồng/tháng, giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên và lao động mặt đất giảm lần lượt 52% (13,8 triệu đồng/tháng) và 55,5% (14 triệu đồng/tháng). Tựu chung, Vietnam Airlines trong cơn bĩ cực đã mạnh tay điều chỉnh giảm thu nhập cả năm của người lao động xấp xỉ 40-50%.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HVN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, với mức lỗ dự kiến lên đến 15.000 tỷ đồng giữa bối cảnh toàn ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi 2 đợt bùng dịch Covid-19.
Áp lực dòng tiền, Vietnam Airlines đã và đang đàm phán với Tổ chức tín dụng xuất khẩu châu Âu và các ngân hàng trong ngoài nước để gia hạn và giãn tiến độ thanh toán. Công ty cũng kiến nghị Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng nhằm tạo thanh khoản hoạt động, mở các đường bay ngắn giảm lỗ, không trả cổ tức…
Thậm chí, hãng chủ trương bán kế hoạch bán 6 máy bay Airbus A321 CEO sản xuất năm 2007 và sớm bán 3 chiếc Airbus A321 CEO sản xuất năm 2008 trong năm nay và năm sau, thay vì kế hoạch ban đầu bán vào năm 2023. Đây là dòng máy bay thân hẹp chở khoảng 220 khách.
Không những vậy, khó khăn tài chính khiến Tổng Công ty quyết định giảm thu nhập bình quân của phi công xuống còn 77 triệu đồng/tháng, giảm 48% so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên và lao động mặt đất giảm lần lượt 52% (13,8 triệu đồng/tháng) và 55,5% (14 triệu đồng/tháng). Tựu chung, Vietnam Airlines trong cơn bĩ cực đã mạnh tay điều chỉnh giảm thu nhập cả năm của người lao động xấp xỉ 40-50%.
Trong đó, từ tháng 4 đến tháng 6, nhân sự đi làm hưởng tiền lương chức danh, cán bộ lãnh đạo từ cấp ban tự nguyện không hưởng lương, cán bộ cấp phòng hưởng lương tối thiểu vùng. Tháng 7, sản lượng nội địa dự kiến hồi phục, Tổng Công ty xem xét việc trả thêm 10-30% tiền lương hiệu quả cho người lao động.
Ngoài ra, công ty tiếp tục tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, làm việc không trọn thời gian để phù hợp với quy mô sản xuất trong thời điểm dịch Covid-19. Dự kiến kế hoạch sử dụng bình quân trong năm là 4.785 lao động, giảm 26% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, trong tháng cao điểm là tháng 4 – toàn quốc thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, ghi nhận tại Vietnam Airlines, 50% nhân viên phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương. Với con số nhân viên toàn hệ thống là 20.000 người, tính nôm na đến hơn 10.000 người phải ngừng việc không lương.
Trong đó, tính riêng số phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người. Việc dừng các chuyến bay khiến tỷ lệ phi công, tiếp viên Vietnam Airlines phải ngừng việc lên tới 90%.
Thực tế, việc cắt giảm lương (theo chế độ và tự nguyện), cắt giảm nhân sự là phương án bắt buột chung của nhiều hãng hàng không trong thời buổi khủng hoảng. Cao điểm đợt dịch đầu tiên sau Tết âm lịch, nhiều nhân sự cấp cao của Vietjet Airs, Vietnam Airlines… đã tự nguyện xin tự giảm lương để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ trương bán 9 tàu bay A321CEO
Vietnam Airlines nhận định đội bay của VNA và VNA Group (bao gồm cả JPA) sẽ dư thừa cả đội tàu bay thân rộng và thân hẹp. Theo kịch bản điều hành và các dự báo hiện tại, số lượng tàu bay sẽ dư thừa khoảng 25 tàu trong 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tàu bay năm 2021 (bao gồm 6 tàu bán theo KH).
Đại dịch Covid-19 đã làm suy kiệt dòng tiền, gây ra thâm hụt nặng nề về dòng tiền và mức lỗ lớn của Tổng công ty năm 2020. Để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt, Vietnam Airlines sẽ phải thực hiện lại cơ cấu tài sản. Ngoài 6 tàu bay dự kiến bán theo kế hoạch, Tổng công ty dự kiến đẩy sớm chương trình bán 3 tàu A321 CEO sản xuất năm 2008 vào năm 2020-2021 (kế hoạch ban đầu là 2023-2024). Đồng thời dự phòng phương án SLB cho 3 tàu này nếu có hiệu quả tài chính hơn so với phương án bán.