Cục Quan hệ lao động và Tiền lương tiến hành điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp để có dữ liệu phục vụ cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Lương thấp khiến cuộc sống của vợ chồng chị Lê Thị Kim Anh, công nhân Công ty TNHH CCHTop (KCX Tân Thuận, TP HCM) lâm vào khó khăn. Làm việc tại công ty gần 5 năm nhưng thu nhập của chị Ngân khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, hầu như mọi khoản chi trong gia đình, chị Ngân đều phải lo liệu. Riêng khoản nhà trọ, điện, nước đã 3 triệu đồng, phần còn lại lo ăn uống, tiền xăng đi lại cho hai vợ chồng. Dù có tiết kiệm cách mấy, có tháng chị cũng phải vay mượn.
“Đi làm bao năm, tôi vẫn chưa tích cóp được tài sản giá trị nào. Thậm chí, làm không đủ ăn, chúng tôi không dám sinh thêm đứa con thứ hai. Tôi hi vọng Chính phủ tiếp tục điều chỉnh lương tối thiểu vùng để công nhân bớt khó khăn” – chị Kim Anh bày tỏ.
Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) Nguyễn Huy Hưng, cho biết Cục đang hoàn thiện dự thảo 2 thông tư và tiếp tục triển khai 2 nghị định bổ sung về quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước; quy định tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể.
Liên quan nội dung điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, ông Nguyễn Huy Hưng cho biết công tác điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2024 đã được Cục hướng dẫn và triển khai đến các doanh nghiệp.
Qua theo dõi, các doanh nghiệp cơ bản không gặp khó khăn hay vướng mắc trong việc thực hiện, góp phần đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Cục cũng tiến hành điều tra lao động, tiền lương trong doanh nghiệp để có dữ liệu phục vụ cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Nhìn chung, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ổn định. Các hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể tiếp tục được đẩy mạnh, hạn chế các cuộc đình công và giải quyết nhanh các mâu thuẫn phát sinh.
Đời sống của người lao động được cải thiện, thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, nhằm xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2025, Bộ LĐ-TB-XH ban hành quyết định điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp trong năm 2024, được tiến hành trên phạm vi 18 tỉnh, thành trực thuộc trung ương, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.
Tổng số doanh nghiệp được điều tra là 3.400, tổng số người lao động được điều tra là 6.800.
Hai địa phương có số lượng doanh nghiệp được khảo sát nhiều là TP Hà Nội với 700 doanh nghiệp (1.400 lao động) và TP HCM với 800 doanh nghiệp (1.600 lao động). Các tỉnh, thành còn lại, số lượng doanh nghiệp được điều tra dao động từ 100-200.
Việc thu thập các thông tin về tình hình sản xuất – kinh doanh, lao động, tiền lương trong doanh nghiệp nhằm mục đích cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm 2025 theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Đồng thời phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để doanh nghiệp, người lao động tham khảo làm cơ sở thương lượng tiền lương.
Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau:
Vùng I: tăng 280.000 đồng, từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng.
Vùng II: tăng 250.000 đồng, từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng.
Vùng III: tăng 220.000 đồng từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng.
Vùng IV: tăng 200.000 đồng từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.