Lưu ý gì khi tự lái xe du lịch Đà Nẵng dịp 2/9?

Du khách từ Hà Nội dự kiến tự lái xe đi Đà Nẵng dịp nghỉ lễ 2/9 và muốn được tư vấn hành trình và các điểm ăn nghỉ phù hợp dọc đường.

Lễ 2/9 có 4 ngày nghỉ, cộng thêm một ngày phép nên gia đình tôi dự kiến tự lái xe đi du lịch và thăm người thân tại Đà Nẵng. Cả nhà định xuất phát tại Hà Nội vào sáng thứ sáu 30/8 và trở về vào chiều 3/9.

Liệu hành trình như vậy có hợp lý, và nên dừng nghỉ những đâu, cần có các lưu ý gì trên đường đi? Đây là lần đầu cả nhà lái xe xa như vậy. Ngoài tôi là lái chính, vợ tôi cũng có thể phụ lái ở một số chặng. Gia đình còn hai con 8 và 10 tuổi.

Nhờ độc giả tư vấn. Xin cảm ơn.

Hà Thanh

Trả lời

Hiện tự lái xe từ Hà Nội vào miền Trung rất thuận tiện, thời gian rút ngắn so với vài năm trước nhờ các tuyến cao tốc mới khánh thành. Có một số lưu ý trên đường du khách và tài xế nên ghi nhớ, theo tư vấn của gia đình anh Quân Ngọc (Hà Nội), gia đình chị Hoàng Châu (Hà Nội) đã thực hiện chuyến đi tương tự dịp hè, và một số thành viên trên một diễn đàn với hơn 1,3 triệu thành viên.

Lưu ý gì khi tự lái xe du lịch Đà Nẵng dịp 2/9?

Đoạn đường hầm đèo Hải Vân. Ảnh: Quân Ngọc

– Đoạn đường từ Hà Nội vào Đà Nẵng dài 760 km, và việc thực hiện hành trình 5 ngày phù hợp trong điều kiện giao thông hiện nay. Tuy nhiên, nếu có thời gian dài hơn, chuyến đi sẽ thoải mái và các thành viên có thể vui chơi cũng như nghỉ ngơi được nhiều hơn.

– Tuyến đường tốt nhất để di chuyển hiện nay là theo CT01, hiện tuyến này đã hoàn thành tới Bãi Vọt (Hà Tĩnh). Từ Pháp Vân – Cầu Giẽ, du khách theo các cao tốc nối tiếp nhau gồm Cầu Giẽ – Ninh Bình, Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt rồi tới Cam Lộ – La Sơn.

Ngoài ra, du khách cũng có thể chọn tuyến đường ven biển từ Hà Tĩnh trở vào. Đường dài hơn, nhưng cảnh đẹp và vắng hơn. QL1A di chuyển cũng thuận tiện nhưng các tài xế nên lưu ý tốc độ và khu dân cư.

– Thời gian từ Hà Nội đến Đà Nẵng khoảng 12-13 tiếng, có thể đi trong ngày. Nhưng lần đầu tự lái xa, du khách nên dừng nghỉ giữa đường một đêm (chiều đi). Một trong những điểm phù hợp là Đồng Hới (Quảng Bình) hoặc Đông Hà (Quảng Trị) bởi những nơi này là thành phố lớn, có đầy đủ khách sạn, nhà hàng, siêu thị. Trước đó, du khách nên nghỉ ăn trưa tại TP Vinh, TP Hà Tĩnh hoặc cảng Vũng Áng.

Tùy thời gian ở Đà Nẵng một hay hai đêm, ở chiều về, du khách có thể dừng ở Huế, Hà Tĩnh hoặc Vinh, tùy vào các điểm tham quan theo nhu cầu và điều kiện sức khỏe.

– Tuân thủ quy định về tốc độ cho phép và không uống rượu bia khi lái xe. QL1A đoạn Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình có nhiều camera phạt nguội.

– Tuyến cao tốc mới từ Ninh Bình tới Bãi Vọt chưa có các trạm dừng nghỉ đầy đủ dịch vụ như các đoạn trước đó, chỉ có một vài chặng nghỉ tạm.

– Toàn bộ tuyến cao tốc mới chưa thu phí nên nếu vào Đà Nẵng, du khách chỉ phải trả khoảng 300.000 đồng tiền phí tại Ninh Bình, Quảng Trị và hầm Hải Vân.

– Du khách nên chuẩn bị trước một số đồ ăn và mang theo từ nhà, chủ động ăn trên xe hoặc tại các điểm dừng nghỉ để tiết kiệm thời gian.

– Các điểm tham quan tiện đường đi: các bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm và Xuân Thành (Hà Tĩnh), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Cửa Việt (Quảng Trị); danh thắng hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), cầu Hiền Lương – sông Bến Hải, thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị), Hải Vân Quan (đèo Hải Vân nối Huế và Đà Nẵng).

– Một số món ăn nên thử trên đường đi: Lươn Nghệ An, hải sản Đồng Hới, mực nhảy Vũng Áng, các loại bánh Huế.

Tâm Anh

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin