Quảng NinhBình Liêu có ruộng bậc thang, thiên nhiên hoang sơ, văn hóa các dân tộc đặc sắc nhưng chưa thu hút khách Tây như Sa Pa vì cơ chế chưa “thoáng”.
Trao đổi với 40 doanh nghiệp miền Bắc chuyên đón khách quốc tế hôm 13/10 tại Bình Liêu, Phó chủ tịch UBND huyện Hoàng Ngọc Ngò cho biết 9 năm trước, Bình Liêu từng băn khoăn “không biết có làm được du lịch không” vì “chưa có tư duy làm du lịch”.
Bình Liêu có mùa vàng, ruộng bậc thang, cung trek đường rừng, có cộng đồng người dân tộc vẫn giữ nguyên được bản sắc bản địa đặc trưng, thiên nhiên hoang sơ, đường biên giới giáp Trung Quốc. Với tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc trưng kể trên, Bình Liêu phù hợp để phát triển ít nhất 8 loại hình sản phẩm du lịch: cộng đồng, biên giới, sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, văn hóa – lịch sử, mạo hiểm.
Huyện từng triển khai nhiều biện pháp để phát triển du lịch, mời các chuyên gia đến khảo sát và tư vấn. Tuy nhiên, đến nay huyện vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn dù đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch như đường sá đến các điểm du lịch đều đã thông; mạng điện thoại, Internet, điện lưới đầy đủ.
Theo số liệu từ Phòng Văn hóa Thông tin Bình Liêu, năm 2023 huyện đón 150.000 lượt khách, tổng thu du lịch đạt hơn 76 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, huyện đón gần 115.000 lượt khách, chưa đạt 50% kế hoạch năm; trong đó chỉ tiêu đón khách quốc tế mới đạt 2,8%, con số rất thấp, so với chỉ tiêu đặt ra.
Một trong những lý do chính, theo hầu hết CEO 40 công ty lữ hành chuyên khách inbound có mặt trong chuyến khảo sát Bình Liêu từ 12 đến 14/10, là chính sách với khách quốc tế chưa thuận tiện và thông thoáng.
Hiện tại, khách vẫn cần qua công an tỉnh tại thành phố Hạ Long để trình hộ chiếu gốc và xin giấy thông hành đến du lịch vùng biên. Nhiều khách quốc tế từ tỉnh khác sang, như Lạng Sơn hoặc Hà Nội, nhưng không qua Hạ Long mà muốn ghé Bình Liêu luôn. Tuy nhiên, do chính sách hiện nay, khách vẫn buộc phải ghé qua Hạ Long để xin giấy thông hành. Như vậy, nhiều khách không có đủ thời gian để đi các điểm đến ở tỉnh khác và họ phải bỏ qua Bình Liêu.
“Nếu vẫn phải làm các bước như thế này thì khách có đến Bình Liêu nữa không? Câu trả lời là không bao giờ”, CEO Charming Vietnam Travel – Dragonfly Cruise Bùi Xuân Nam nói. Hiện tại, chính quyền Quảng Ninh đã tạo điều kiện hơn, rút ngắn thời gian xin giấy phép từ ba ngày xuống một ngày, nhưng vẫn phải đến Hạ Long để làm thủ tục.
CEO của các công ty lữ hành chuyên khách inbound đềumong muốn chính quyền Quảng Ninh có cơ chế mở hơn trong việc cấp giấy phép cho khách nước ngoài giống Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang – những tỉnh thành đều có biên giới và rất thu hút khách quốc tế. Một trong các giải pháp là cấp quyền cho công an huyện Bình Liêu được cấp giấy phép cho khách quốc tế. Như vậy, du khách có thể đến thẳng Bình Liêu mà không cần qua Hạ Long.
Giám đốc phụ trách sản phẩm của Easia Travel Vietnam, Veronique Chappe, chỉ ra Bình Liêu có nhiều điểm mạnh có thể “đánh bại” điểm đến nổi tiếng như Sa Pa, Mù Cang Chải như vị trí hẻo lánh, chưa được nhiều khách quốc tế biết đến. Khách châu Âu nói chung và thị trường Pháp nói riêng rất thích “tiên phong khám phá điểm đến mới”. Họ tìm những nơi chưa có khách du lịch đặt chân đến, thay vì du lịch đại chúng như một số điểm du lịch nổi tiếng của Tây Bắc. Cung trek xuyên rừng hồi – quế thơm lừng cũng là điểm đặc biệt của Bình Liêu mà ít điểm đến tại Việt Nam có được.
Chị Kim Ngân, chuyên thị trường khách quốc tế tại Topas Travel, cho biết các thửa ruộng bậc thang ở Bình Liêu “chưa so sánh được với Mù Cang Chải”. Tuy nhiên, điểm đến này lại có lợi thế với khách đam mê trekking nhờ cảnh quan trên đường đi liên tục thay đổi. Người dân thân thiện, không khí trong lành cũng là điểm cộng.
Phần lớn khách Âu – Mỹ hiện nay khi đến Việt Nam thường bắt đầu từ Hà Nội, đến Ninh Bình hoặc Hạ Long rồi lên Tây Bắc. Nhiều khách có thời gian ở Việt Nam ngắn, nên nếu muốn đi cả Hạ Long và Tây Bắc sẽ chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” do khoảng cách hai tỉnh xa, mất nhiều thời gian di chuyển.
Cao điểm du lịch của khách quốc tế thường từ tháng 10 đến tháng 4 nên khi khách đến Việt Nam, mùa vàng ở Tây Bắc có thể đã kết thúc. Mùa lúa chín ở Bình Liêu lại chậm hơn 1-2 tháng. Do đó, đây là điểm đến có thể thay thế trải nghiệm này ở Tây Bắc với những du khách vẫn muốn ngắm ruộng bậc thang.
Ông Hà Đông Minh, Giám đốc Bình Liêu Tourist, cho biết nếu khai thác tốt, Bình Liêu có thể sẽ trở thành lựa chọn chính của khách quốc tế sau khi đến Hạ Long cũng như giúp Quảng Ninh kéo dài thêm thời gian khách lưu trú tại tỉnh.
Bên cạnh đó, Bình Liêu vẫn thiếu đội ngũ hướng dẫn viên địa phương, nhân viên làm trong ngành dịch vụ đạt chuẩn quốc tế. Cơ sở lưu trú tại huyện, đặc biệt là ở các xã có điểm du lịch, vẫn chưa đạt yêu cầu. Huyện cũng chưa có nhà hàng chuyên nấu các món ăn phục vụ khách Tây, phần lớn vẫn đang nấu các món thuần Việt.
Phó chủ tịch Hoàng Ngọc Ngò cho biết huyện đã có chính sách để đào tạo người dân trong vùng cũng như nâng cấp cơ sở vật chất để đạt tiêu chuẩn đón khách. Về vấn đề đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép đến vùng biên cho người nước ngoài, ông Ngò cho biết chỉ cần khách quốc tế đến đông thì chính quyền sẽtạo điều kiện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khách đến đông thì cơ chế sẽ thông thoáng cũng giống như câu chuyện “con gà – quả trứng”. Doanh nghiệp lữ hành mong muốn địa phương gỡ khó trước.
“Nếu chính sách cởi mở hơn, tôi tin rằng chỉ từ 3 đến 5 năm, Bình Liêu sẽ bùng nổ du lịch và đón lượng khách ngang bằng Sa Pa hay các vùng khác của Tây Bắc”, ông Hà Đông Minh, Giám đốc của Bình Liêu Tourist nói.
Phương Anh