Mắc nợ hàng nghìn USD vì game chạy bộ kiếm tiền

Nguyễn Tú (Bình Thuận) vay tiền ngân hàng và đổi ra hơn 6.200 USD để mua giày ảo trong game NFT có tên WingStep.

Tú cho biết, anh bắt đầu tham gia WingStep khi game NFT thuộc thể loại chạy bộ kiếm tiền (M2E) này ra mắt giữa tháng 6. “Khi đó, tôi đầu tư một đôi giày giá 500 USD. Chỉ 15 ngày sau, tôi thu hồi vốn trong khi đôi giày ảo cũng tăng giá lên 600 USD”, anh kể.

Có kinh nghiệm chơi game NFT hơn hai năm, anh nói đã tham khảo kỹ dự án và tự tin vào lựa chọn của mình, nhất là khi nó được quảng bá rầm rộ và đã tham gia tài trợ một số sự kiện blockchain trong nước. Giữa tháng 7, anh vay tiền mua 5 đôi giày NFT và hai điện thoại, kết hợp với ba điện thoại sẵn có, để “cày” game.

“Ban đầu, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 250 USD chưa trừ chi phí sửa. Trung bình chạy hai lần sẽ phải sửa giày một lần. Tôi nhẩm tính mất khoảng 25 ngày sẽ trả được nợ và bắt đầu kiếm lời”, anh nói

Giao diện giày ảo trên ứng dụng WingStep.

Giao diện giày ảo trên ứng dụng WingStep.

Tuy nhiên, khoảng 10 ngày sau, ứng dụng thông báo bảo trì hơn một ngày. Tiếp đó, WSS – token được tạo trong game với tổng cung vô hạn – bất ngờ giảm giá xuống còn 0,0008 USD, dù trước đó vẫn giữ mức hơn 0,001 USD. Đến chiều cùng ngày, giá token này còn 0,0005 USD.

Đáng chú ý, ứng dụng khóa tính năng chuyển từ WSS sang BUSD – stablecoin ngang giá với đồng USD – vào 26/7. Ngày tiếp theo, mọi hoạt động giao dịch chuyển BUSD cũng như token quản trị game WST bị ngưng trệ. Các đôi giày NFT không thể sử dụng trong vài ngày, trước khi được mở lại vào 28/7. Dù vậy, số WSS tạo ra khi chạy bộ giảm một nửa.

“Lượng token gần 3.000 USD tôi kiếm được vẫn mắc kẹt trong game, chưa thể rút ra, trong khi thời gian trả lãi ngân hàng đang đến”, anh Tú cho biết.

Trên nhóm Telegram WingStep và group về ứng dụng này trên Facebook, tình trạng hoảng loạn đang xảy ra. Một số người đầu tư tiền mua smartphone và giày NFT nói họ bị kẹt hàng nghìn USD trong tài khoản game.

Hai đồng sáng lập đứng sau game WingStep.

Hai đồng sáng lập đứng sau game WingStep.

WingStep là game dạng chạy bộ kiếm tiền M2E, trào lưu rộ lên gần đây sau xu hướng chơi để kiếm tiền P2E. Sách trắng dự án mô tả đội ngũ đứng sau chủ yếu từ Hàn Quốc, nhưng cũng có một số người Việt. Lộ trình phát triển ứng dụng bắt đầu từ tháng quý II/2022 đến quý II/2023.

Theo thống kê không chính thức trên một số nhóm của dự án, đã có khoảng 20.000 tài khoản Việt đăng ký và 10.000 tài khoản đã mua giày NFT trong ba tháng qua.

Trong khi đó, ngày 28/7, trên kênh Telegram chính thức, đại diện WingStep cho biết game bị hacker tấn công. “Từ 26/7, hệ thống của chúng tôi bị thay đổi dữ liệu khiến việc hoán đổi và giá WSS dao động liên tục. Khi đang khắc phục, chúng tôi tiếp tục bị tấn công lần nữa khiến mọi thứ nghiêm trọng hơn”, người này chia sẻ.

Tuy nhiên đến nay, kênh Telegram này không còn hoạt động gì. Điều này khiến một số người tham gia nghi ngờ đội ngũ đứng sau “câu giờ” để tìm cách chối bỏ trách nhiệm.

Vũ Thành, quản trị viên nhóm chuyên về chơi game kiếm tiền (P2E) với hơn 30.000 thành viên, nhận xét WingStep có dấu hiệu “lùa gà”. Theo anh, các game NFT dạng M2E hiện mọc lên như nấm và khiến không ít người đầu tư lao đao, kể cả người đã có kinh nghiệm “ăn xổi” trên thị trường. “Thường sau thời gian thông báo sự cố, họ sẽ mở game trở lại, nhưng token lúc đó mất giá mạnh, NFT bán không ai mua, người chơi chịu cảnh mất trắng”, anh nói.

Thế Vĩ, có 5 năm kinh nghiệm về game blockchain, nhận định đa số game NFT hiện có thể xem là “siêu ponzi” vì lấy tiền của người sau trả cho người trước. “Thông thường, giá token ban đầu ở mức thấp, có thể mua nhân vật, vật phẩm khá rẻ. Sau khi nhiều người biết đến, giá tăng mạnh giúp họ thu lời. Đây chính là giai đoạn lùa gà”, anh giải thích. ” Nhưng đến một lúc nào đó, đội ngũ đứng sau có thể bỏ trốn. Người chơi giờ chỉ còn ôm đống NFT vô giá trị”.

Chuyên gia này khuyến cáo, người chơi khi tham gia các dự án game NFT, dù đội ngũ Việt Nam hay nước ngoài, cũng nên tìm hiểu kỹ dự án. Nhưng kể cả dự án có lộ trình tốt đến đâu, người chơi vẫn nên xác định tâm lý có thể mất trắng do game sập lúc nào không hay. Họ cũng khó nhận lại tiền, bởi các hình thức về tiền số và NFT chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ.

Trong sự kiện về blockchain diễn ra tuần trước, ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox, cho biết dự án lùa gà, bánh vẽ thường kêu gọi tiền từ quỹ đầu tư, cộng đồng người dùng blockchain thông qua việc bán token và định giá cao so với thực tế, nhưng đội ngũ gần như không có khả năng thực hiện ý tưởng đưa ra. Hệ lụy của việc không trang bị đầy đủ kiến thức nhưng lại tham gia quá sâu vào thị trường là nhiều người bị mất tiền vào những dự án “rút thảm”, kém tin cậy.

Theo khảo sát giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 5 của Finder, hãng chuyên nghiên cứu dữ liệu trực tuyến tại Australia, Việt Nam là một trong 5 quốc gia dẫn đầu về số người chơi game NFT. 23% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết đang chơi loại game này.

Còn anh Tú và một số người “trót” đầu tư hàng nghìn USD vào WingStep thừa nhận giờ chỉ hy vọng game mở lại tính năng rút tiền để “thu được đồng nào hay đồng đó và không thiết tha với NFT nữa”.

Bảo Lâm

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin