Một người đàn ông tại Hà Nội vừa mất 3 tỷ đồng với thủ đoạn lừa cài app giả Dịch vụ công.
Kẻ lừa đảo dùng nhiều cách khác nhau, bao gồm gọi điện thoại để tiếp cận nạn nhân. |
Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) – Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Dù không quá mới, các hình thức như lừa cài ứng dụng giả Dịch vụ công, cho vay nặng lãi qua app, hỗ trợ lấy lại tiền bị mất vẫn khiến nhiều người sập bẫy.
Mất 3 tỷ sau khi quét khuôn mặt trên app lừa đảo
Công an TP. Hà Nội cho biết ông P. (ngụ quận Hoàn Kiếm) nghe cuộc gọi của người tự xưng là cán bộ UBND phường Hàng Bông, đề nghị ông tích hợp mã định danh tại nhà.
Đối tượng yêu cầu ông P. tải phần mềm Dịch vụ công giả mạo. Sau khi đăng nhập, ông P. quét khuôn mặt theo yêu cầu của ứng dụng.
Người đàn ông mất 3 tỷ sau khi quét khuôn mặt trên app giả Dịch vụ công. Ảnh: Cục ATTT. |
Ngày hôm sau, ông P. phát hiện tài khoản chứng khoán mất kiểm soát, bị bán và chuyển tiền cho tài khoản khác. Tổng thiệt hại là 3 tỷ đồng.
Trước tình trạng trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác khi nghe cuộc gọi của người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước để yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại.
Tuyệt đối không cài đặt phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của đối tượng. Phần mềm giả mạo có nguy cơ khiến điện thoại bị chiếm quyền điều khiển, giúp kẻ xấu đánh cắp thông tin cho mục đích phạm pháp và chiếm đoạt tài sản.
Nếu smartphone nhiễm mã độc, các tin nhắn, cuộc gọi trên thiết bị cũng có nguy cơ bị gửi về máy chủ của tin tặc một cách âm thầm.
Trong trường hợp nhận tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tội phạm tín dụng đen nở rộ dịp cận Tết
Một đường dây cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản với quy mô hơn 9.000 tỷ đồng vừa bị Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an TP Đà Nẵng và một số địa phương triệt phá.
Bước đầu xác định đối tượng cầm đầu có quốc tịch Trung Quốc. Tên này cùng 193 đối tượng khác mở 10 công ty khác nhau (9 điểm tại TP.HCM, một điểm ở Bình Dương). Các công ty thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó một doanh nghiệp chuyên về cầm đồ.
Đối tượng lập 3 ứng dụng vay tiền có tên “Ơi vay”, “Yoloan” và “Vdong”. Mức vay từ 5-20 triệu đồng, lãi suất 500-1.000%/năm, giải ngân rất nhanh trong 1-2 ngày.
Cận Tết là thời điểm tội phạm tín dụng đen hoành hành. Ảnh: Cục ATTT. |
Khi có người muốn vay tiền, chúng yêu cầu nạn nhân truy cập ứng dụng, cung cấp danh bạ với số điện thoại của người thân, gia đình và bạn bè, kèm ảnh chụp CCCD. Hồ sơ được xét duyệt với thời gian rất nhanh.
Đối tượng đã cho hơn 1,3 triệu người vay thuộc tất cả địa phương trong cả nước. Họ đa phần là công nhân, người lao động, sinh viên cần tiền gấp, chấp nhận vay lãi cao.
Các đối tượng chia khách chậm trả tiền theo nhóm ngày, quá hạn càng lâu càng đe dọa nhiều và nặng. Không chỉ nạn nhân mà người thân của họ cũng bị gọi điện, nhắn tin “khủng bố tinh thần”.
Toàn bộ dòng tiền trong đường dây tội phạm được giao dịch qua dịch vụ thu hộ, chi hộ của một cổng thanh toán trung gian tại Việt Nam. Lực lượng công an đang làm rõ dấu hiệu rửa tiền khi hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận của nhóm đối tượng được chuyển ra nước ngoài.
Theo Cục ATTT, người dân nên tìm các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc công ty tài chính hợp pháp.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên website, ứng dụng không tin cậy. Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân.
Khi cài đặt ứng dụng, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân cần kiểm tra kỹ quyền truy cập, đọc chính sách và điều khoản sử dụng. Nếu phát hiện điểm đáng ngờ, lập tức ngừng cài ứng dụng.
Mạo danh để “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”
Thời gian gần đây, trên Facebook xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo Học viện Cảnh sát nhân dân, tự xưng có thể giúp nạn nhân lấy lại tiền bị lừa qua mạng.
Theo Công an TP. Hà Nội, kẻ xấu sử dụng hình ảnh Học viện Cảnh sát nhân dân để tạo lòng tin, đánh vào tâm lý người bị lừa muốn nhanh chóng lấy lại tiền.
Khi liên hệ, nạn nhân được yêu cầu đóng phí hỗ trợ, hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống.
Nhiều người vẫn sập bẫy với chiêu trò “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa qua mạng”. Ảnh: Cục ATTT. |
Sau khi nhận tiền hỗ trợ, đối tượng báo tài khoản ngân hàng bị lỗi, không thể trả tiền.
Trước tình trạng không gian mạng ngày càng phức tạp, Cục ATTT cho biết người dân cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu và trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người khác dưới mọi hình thức. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tương tác với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, không chuyển tiền trước cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của họ.
Nếu đã chuyển tiền và phát hiện bị lừa, cần báo cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng mạo danh, cam kết lấy lại tiền nhưng yêu cầu chuyển phí trước.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.
Cảnh báo lừa đảo qua mạng dịp TếtBán vé máy bay giá rẻ, tuyển dụng việc nhẹ lương cao, nhận quà trúng thưởng là những thủ đoạn lừa đảo phổ biến khi Tết Nguyên đán đến gần. |
Mất 4,5 tỷ vì tin kẻ giả danh công anNghe cuộc gọi từ kẻ lừa đảo mạo danh công an, một người phụ nữ tại Hà Nội vừa bị chiếm đoạt hơn 4,5 tỷ đồng. |
Mạo danh lãnh đạo công an tỉnh để lừa chủ tịch xãMạo danh lãnh đạo công an tỉnh đe dọa cán bộ xã, giả nhãn hàng lừa người dùng nạp tiền nhận quà là một số hình thức lừa đảo trực tuyến đang nở rộ. |