Hoàng Minh (Bình Dương) quyết định gửi 10.000 USD vào nền tảng tiết kiệm tiền số Cactus Option với lời hứa hẹn lãi suất 5% một tuần.
“Với mức lãi gần 20% mỗi tháng, tôi nghĩ đây là giải pháp bảo toàn vốn hiệu quả nhất trong ‘mùa đông tiền số’. Ý định của tôi là gửi tiết kiệm vài tháng, sau đó chỉ chơi trên lãi suất thu được”, Hoàng Minh chia sẻ.
Anh Minh tự nhận có kinh nghiệm ba năm trong lĩnh vực chơi tiền số. Anh cho biết đã đọc kỹ lịch sử phát triển hơn 10 năm của công ty, các thông tin trên Internet và mạng xã hội, cũng như được một hội nhóm “uy tín và có địa chỉ văn phòng tại TP HCM” tư vấn trước khi xuống tiền.
Để tham gia Cactus Option, người chơi cần nạp tối thiểu 50 USD bằng đồng Tether (USDT) vào hệ thống, sau đó số tiền này lại chuyển ngược thành USD trên nền tảng. Giữa tháng 8, anh Minh quyết định tham gia. Ban đầu, anh chỉ chi khoảng 500 USD chơi thử. Mỗi ngày, anh nhận được hơn 3 USD tiền lãi và sau một tuần là 21 USD. Anh rút thử về ví điện tử và thành công.
Tin tưởng mô hình, anh Minh quyết định gửi toàn bộ 10.000 USDT đang có vào Cactus Option. Mỗi ngày, anh nhận lãi hơn 60 USD. Cứ sau mỗi tuần, số lãi được cộng gộp vào gốc. Anh dự định khi lãi khoảng 5.000 USD, tức sau khoảng 3 tháng, sẽ rút toàn bộ vốn và chỉ chơi trên lãi.
Tuy nhiên, đến tuần đầu tháng 9, anh lo sợ khi một thành viên trong nhóm Telegram nói không thể rút tiền. Khi thử đăng nhập tài khoản và rút, anh nhận thông báo: “Thao tác thất bại”.
Trên nhóm Telegram của Cactus Option Việt Nam với hơn 20.000 thành viên tham gia, nhiều người cũng bày tỏ sự hoảng loạn. Có người thừa nhận đã gửi 100.000 USD vào hệ thống mà chưa rút đồng lãi nào. Những người khác cho biết đã gửi từ 500 USD tới 50.000 USD.
Ngày 13/9, website của Cactus xuất hiện thông báo trấn an: “Cactus đang chuẩn bị cho kế hoạch nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Để làm được điều này, chúng tôi phải chuẩn bị cho quá trình kiểm toán. Tất cả các khoản tiền sẽ gửi trở lại cho các thành viên đã KYC (xác thực danh tính) trước 31/10”. Bên cạnh đó, Cactus Option cũng yêu cầu người nhận tiền phải cung cấp các thông tin cá nhân, số tài khoản có thể nhận USD và nhiều thông tin khác.
Nhiều nhà đầu tư cố gắng KYC cũng như gửi thông tin tài khoản về Cactus Option với hy vọng nhận lại tiền. Tuy nhiên, ngày 14/9, hệ thống website của nền tảng bất ngờ không thể truy cập. Khi vào trang, chỉ có nền trắng hiện ra. Bên cạnh đó, các kênh Twitter, Telegram chính thức cũng bất ngờ biến mất.
“Hy vọng của chúng tôi xem như tắt ngấm”, một người tự nhận là admin của nhóm Cactus Option Việt Nam nói. Anh thừa nhận đã kêu gọi hàng chục người tham gia hệ thống vì Cactus có mô hình hưởng hoa hồng hấp dẫn, nhưng chính anh cũng là người bị hại với khoản tiền trên 20.000 USD nạp vào.
Không chỉ tại Việt Nam, không ít người trót đầu tư vào Cactus cũng ôm hận vì đội ngũ đứng sau bỗng dưng biến mất. Dữ liệu của FxGecko, công cụ truy vấn và khiếu nại dành cho các nhà môi giới ngoại hối, cho thấy Cactus Option chỉ đạt 1.3/10 điểm tín nhiệm. Nền tảng cũng ghi nhận tới hơn 30.000 khiếu nại từ phía người dùng, đa số từ Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước thuộc Đông Nam Á.
Theo thông tin trên website trước khi không thể truy cập, Cactus Option được thành lập năm 2008, có trụ sở tại Cyprus. Công ty được giới thiệu là “tập trung một số nhà giao dịch giàu kinh nghiệm và các nhà phân tích chuyên nghiệp, chuyên tư vấn các mô hình giao dịch hàng đầu và đã đạt những kết quả ấn tượng trong ngành”. Doanh nghiệp này cũng “khoe” đã được Ủy ban châu Âu (EC) cấp phép. Dù vậy, các thông tin chỉ xuất hiện trên website công ty, không có ở những nơi khác.
Thực tế, ngay từ khi xuất hiện, Cactus Option đã tồn tại nhiều nghi vấn gian lận. Ngoài việc đưa ra mức lãi quá cao, nền tảng không có tài sản đảm bảo nào trong trường hợp xảy ra sự cố. Ngoài website có giao diện như một ứng dụng di động, Cactus Option không có ứng dụng trên iOS hay Android.
Theo anh Thế Linh, một người am hiểu tiền số và có hơn 5 năm tham gia thị trường, việc một nền tảng cung cấp lãi suất tới 5% mỗi tuần, tức 20% mỗi tháng là điều không tưởng trong giới tài chính, trừ khi là lừa đảo. Để so sánh, lãi suất của hầu hết ngân hàng tại Việt Nam hiện nay vào khoảng 5-7% một năm.
“Bạn phải đặt câu hỏi rằng với lãi suất lớn như vậy, tiền ở đâu để một công ty có thể trả cho hàng nghìn người tham gia hệ thống. Đây chỉ có thể là mô hình đa cấp ponzi, lấy tiền của người sau trả cho người trước. Đa phần các dự án như vậy, những kẻ đứng sau sẽ gom đủ tiền và bỏ trốn. Thời gian ‘đủ’ đến sớm hay muộn mà thôi”, anh Linh giải thích.
Thực tế, đã có nhiều nền tảng tiền số cho gửi với lãi suất cao thời gian qua đều khiến các nhà đầu tư phải ôm hận. Nổi tiếng nhất là Anchor Protocol, ứng dụng cho vay hỗ trợ lãi suất tới 20% mỗi năm, do Terraform Labs đứng sau. Mô hình này bị vỡ đã kích hoạt hiệu ứng domino khiến toàn bộ hệ sinh thái Terra là token quản trị Luna và stablecoin UST sụp đổ. Nó cũng khiến CEO 9x Do Kwon bị truy nã quốc tế, còn các token dù được “làm mới” nhưng đã mất gần hết giá trị.
Cú sập Luna cũng mở đầu cho sự khủng hoảng của hàng loạt nền tảng gửi tiết kiệm tiền số khác. Vào tháng 6, Celsius Network gây chấn động khi thông báo không chấp nhận các yêu cầu chuyển hoặc rút tiền trong khoảng thời gian không xác định, khiến nhiều người điêu đứng do không thể lấy tiền của mình. Đây là một trong những nền tảng vay và cho vay crypto lớn nhất thế giới, nơi người dùng có thể gửi và nhận lãi bằng tiền số với lãi suất tới 17%. Một nền tảng khác là Babel Finance ở Hong Kong cũng thông báo vào giữa tháng 7 sẽ đình chỉ việc rút tiền vô thời hạn do “sự biến động cao của thị trường tiền số”, khiến nhà đầu tư đến nay chưa thể lấy lại tài sản.
Theo anh Linh, khi mất tiền, những người bị hại không thể làm gì hơn, bởi các nền tảng nằm bên ngoài biên giới Việt Nam, cũng như việc mua bán tiền số là không được pháp luật công nhận. “Họ chỉ còn cách chờ đợi ‘phép màu’ nào đó xảy ra để lấy lại tiền, nhưng hy vọng rất mong manh”, anh nói thêm.
Bảo Lâm