Tại một nhà trẻ ở Brooklyn, Mỹ có một cô bé bốn tuổi lãnh đạm. Tuy nhiên, cô bé dần thay đổi trong giờ kể chuyện sau khi giáo viên đọc cuốn “Ở nơi quỷ sứ giặc non”.
Truyện tranh giúp trẻ bước những bước chập chững đầu tiên vào thế giới sách. Ảnh: Lê Lam. |
Một khi đã thưởng thức văn học dành cho thiếu nhi, bạn sẽ thấy mình lạc vào kho tàng đầy kho báu của việc đọc sách. Dù háo hức khám phá dòng văn học này, bạn cũng nên cẩn trọng để không đưa cho con các cuốn sách vượt quá tuổi của chúng. Hãy chọn các cuốn sách phù hợp với tuổi của con.
Chúng ta nên đọc những loại sách nào? Trong cuốn The Way of the Storyteller (Nghệ thuật kể chuyện), Ruth Sawyer đưa ra câu trả lời như sau: “Những câu chuyện tạo nên điều kì diệu. Những câu chuyện mang đến tiếng cười. Những câu chuyện khuấy động lòng người, giúp người đọc cảm nhận, cũng như hiểu về bản chất thực sự của lòng dũng cảm, của tình yêu và vẻ đẹp.
Những câu chuyện khiến người ta phải đắm chìm vào tinh thần phiêu lưu, vào sự táo bạo, vào lòng quyết tâm, gan dạ, vào khả năng tiên đoán được nguy hiểm. Những câu chuyện khiến chúng ta phải quỳ gối mà tôn kính; những câu chuyện thấm nhuần sự dịu dàng của lòng trắc ẩn thực sự, sức mạnh của lòng trung thành, sự tôn trọng đối với những gì tốt đẹp”. Những từ mô tả tuyệt vời này của Ruth Sawyer làm nức lòng một người yêu sách như tôi. Một cuốn sách hay luôn chứa đựng chiều sâu tinh thần, tình cảm và trí tuệ.
Truyện tranh giúp trẻ bước những bước chập chững đầu tiên vào thế giới sách. Trẻ đọc tranh, mong đợi các bức tranh kể câu chuyện và kể một cách chính xác. Chúng ta không biết trẻ em lưu trữ các hình ảnh, dữ liệu gì từ những cuốn truyện tranh trong thế giới riêng của chúng. Những cuốn truyện tranh vừa bắt mắt, vừa mang lại các trải nghiệm mới mẻ cho trẻ. Bằng cách chia sẻ những quan sát của riêng mình, cha mẹ hãy dạy con cách nhìn vào các bức tranh.
Một số khái niệm về giá trị nghệ thuật sẽ bắt đầu hình thành trong tâm trí của trẻ khi trẻ nhìn các bức tranh. Các hình ảnh minh họa trong sách là một phần quan trọng của câu chuyện. Vì vậy, hãy chọn những cuốn sách có hình ảnh minh họa tốt; nhưng quá nhiều hình vẽ đáng yêu tương tự các nhân vật của Walt Disney có thể làm thui chột khả năng đánh giá nghệ thuật của bất kì trẻ nào.
Do đó, hãy cho trẻ tiếp xúc với nhiều loại tranh mỹ thuật để trẻ có thể nhận ra mình thích gì. Cha mẹ cũng nên nêu các quan điểm và nhận xét của mình về màu sắc và ý nghĩa mỹ thuật của bức tranh. Trong các chương sau, tôi có liệt kê các họa sĩ minh họa xuất sắc.
Cuốn Ở nơi quỷ sứ giặc non. Ảnh: Nhã Nam. |
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn đang trò chuyện với con trẻ. Cái nhìn của bạn về mỹ thuật không phải lúc nào cũng là cái nhìn của trẻ về thứ mỹ thuật khiến chúng cảm thấy thích thú. Tôi đang muốn nhắc đến một số cuốn sách do họa sĩ Maurice Sendak minh họa – người họa sĩ được trẻ em rất yêu thích. Đứa trẻ trong tôi thích thú khi ngắm nhìn những bức vẽ vui nhộn của ông.
Nhưng các thủ thư đã rất kinh ngạc khi cuốn Ở nơi quỷ sứ giặc non của ông đạt giải thưởng Caldecott. Một nhân viên tại thư viện dành cho trẻ em nói với tôi rằng cô ấy nghĩ bọn trẻ nhất định sẽ không muốn đọc nó. Ngược lại, tất cả các cuốn Ở nơi quỷ sứ giặc non trong thư viện đều được mượn hết veo.
Tại sao bọn trẻ lại thích nó đến vậy? Bởi vì Sendak đã hình dung ra những gì trẻ sẽ vẽ trong câu chuyện về Max nổi loạn và cuộc phiêu lưu của cậu với lũ quỷ sứ giặc non. Sendak bị mê hoặc trước những bức vẽ về quỷ sứ giặc non do chính tay bọn trẻ vẽ, rồi gửi cho ông.
Một cuốn sách có thể có những tác dụng đáng ngạc nhiên. Tại một nhà trẻ ở Brooklyn, New York, Mỹ có một cô bé bốn tuổi lãnh đạm, thường lặng im, chẳng nói chẳng rằng, ngoại trừ thỉnh thoảng ú ớ tiếng gì nghe không rõ.
Tuy nhiên, cô bé dần dần có một số thay đổi trong giờ kể chuyện, rồi khi giáo viên đọc cuốn Ở nơi quỷ sứ giặc non, cô bé chịu khó lắng nghe và chăm chú nhìn. Một hôm, cô bé lại gần giáo viên và thốt ra câu nói đầu tiên: “Con có thể mượn cuốn sách đó được không ạ?”. Cuốn sách đã biến một cô bé tách biệt trở thành một người yêu sách và một đứa trẻ giàu tình cảm.
Trẻ con thường bảo: “Bây giờ con sẽ đọc cho mẹ nghe câu chuyện này nhé”, rồi miêu tả câu chuyện theo các bức tranh. Đôi khi, bé nói: “Mẹ đừng đọc chữ viết, mẹ đọc tranh cơ”.
Hãy chú ý đến họa sĩ vẽ tranh minh họa mà bạn và con thích, sau đó tìm kiếm các cuốn sách của họ. (Một cách ngẫu nhiên, các họa sĩ lâu lâu lại thay đổi phong cách của mình. Các bức tranh minh họa sau này của Sendak không được vui tươi và nhẹ nhàng như các bức vẽ trước đó của ông trong cuốn A Hole Is to Dig (Một cái hố để đào) hay thậm chí là các bức vẽ trong Ở nơi quỷ sứ giặc non của ông).