Đăng Thanh (Đắk Nông) bỏ ra hơn 100.000 USD mua tiền số Terra (LUNA), nhưng tài sản của anh hiện chỉ còn vài trăm USD sau một đêm.
“Tôi mua LUNA từ giữa tháng 4 với giá 80 USD mỗi đồng và kỳ vọng token này tiếp tục tăng giá. Đây là tiền số thuộc diện ‘coin top’ khi nằm trong số 20 đồng mạnh nhất tính theo giá trị vốn hóa, có lộ trình phát triển hợp lý nên tôi tin tưởng và quyết định chi khoản tiền lớn”, anh Thanh, người tham gia thị trường tiền số ba năm, cho biết.
Giá token này từng tăng lên gần 97 USD vào cuối tháng 4, trước khi về mức 86 USD mỗi đồng vào ngày 6/5. Nhờ đó, anh lãi vài nghìn USD chỉ trong nửa tháng.
Thế nhưng, ngày 9/5, giá LUNA “rơi thẳng đứng” từ 77 USD về 5 USD và đến 12/5 chỉ còn vỏn vẹn 0,1 USD/đồng.
“Do không đặt stoploss, tôi gần như mất trắng số tiền đang có chỉ sau một đêm. Giờ đây, khi nhìn tài khoản còn vài chục USD, tôi chỉ biết xóa ứng dụng và cố quên nó đi”, anh Thanh nói. Stoploss là tính năng cho phép người chơi tiền số hoặc chứng khoán đặt trước giá bán để cắt lỗ. Khi về mức giá này, token sẽ tự động được bán.
Trước khi mất hơn 100.000 USD, anh Thanh tin mình không bị lỗ quá nhiều kể cả khi thị trường “sập” vì LUNA nằm trong danh sách “coin top”, ít biến động so với các đồng khác. Nhưng giờ đây, anh thừa nhận mình đã nhầm.
Trong khi đó, Lê Diệp (Thanh Hóa) cũng mất 20.000 USD. Ngày 11/5, cho rằng token này đã chạm “đáy” khi sụt xuống 18 USD mỗi đồng, cô đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm với hy vọng kiếm lời. Thế nhưng, LUNA tiếp tục giảm về một USD khiến tài khoản của Diệp chỉ còn vài chục USD trong vài giờ đồng hồ.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, chủ đề LUNA xuất hiện với tần suất tăng mạnh kể từ ngày 9/5. Một số cho biết họ mất trắng tài sản vì tin vào LUNA. Số tiền thiệt hại được liệt kê từ hàng chục đến hàng trăm nghìn USD, thậm chí có người mất gần một triệu USD.
“Khác những các vụ coin ‘rác’ trước đây, việc người chơi trắng tay khi đầu tư vào những token đầu bảng như LUNA là điều thực sự bất ngờ. Nhiều người đến giờ vẫn không nghĩ mình mất tiền nhanh đến vậy bởi ‘coin top’ là những token hàng đầu với sự ổn định cao và biến động giá không lớn”, anh Bằng, quản trị viên một nhóm Facebook về tiền số với hơn 150.000 thành viên và có 5 năm tham gia thị trường tiền số, nhận xét.
Với kinh nghiệm của mình, anh đánh giá LUNA là đồng tiền số đáng tin cậy, đội ngũ đứng sau hùng hậu, được nhiều quỹ đầu tư, vốn hóa khi đạt đỉnh lên tới hơn 30 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án cũng kiểm soát TerraUSD, một stablecoin (đồng tiền ổn định) neo giá ở mức tương đương một USD, tương tự Tether (USDT) và Binance USD (BUSD).
“Việc LUNA mất gần hết giá trị sau một đêm thể hiện sự bất ổn trên thị trường tiền điện tử. Bất kỳ token nào cũng có thể sụp đổ, kể cả khi chúng nằm trong nhóm đứng đầu, lộ trình tốt hay được đầu tư nhiều”, anh Bằng nói.
Phan Hoàng, chuyên gia về blockchain và tiền số, cũng cho rằng sự sụp đổ của LUNA cho thấy thị trường tiền số mong manh ra sao. Anh khuyến cáo người chơi nên có chiến lược cụ thể khi tham gia và chuẩn bị tâm lý nếu mất tài sản. “Tiền số nào cũng có thể về 0 giá trị trong thời gian ngắn. Người chơi cần đặt stoploss để hạn chế việc thua lỗ, đồng thời sẵn sàng cho tình huống toàn bộ tài sản của mình bị mất trắng”, anh nói.
Vì sao LUNA lao dốc?
Terra là một blockchain được tạo bởi Terraform từ năm 2018 với hai nhà sáng lập là Do Kwon và Daniel Shim. Mạng Terra sử dụng cơ chế đồng thuận DPoS, cho phép hợp đồng thông minh tạo ra nhiều loại stablecoin khác nhau. Nổi tiếng nhất trong đó là UST – stablecoin lớn thứ năm theo giá trị vốn hóa thị trường tính đến trước ngày 9/5.
LUNA là token quản trị dự án của Terra, đóng vai trò quan trọng đối với UST và các stablecoin thuộc mạng này. Về nguyên tắc, UST là nguyên liệu tạo ra LUNA và ngược lại, LUNA cũng cần thiết để đúc UST.
Tương quan giữa nguồn cung LUNA/UST sẽ duy trì tỷ giá UST luôn xấp xỉ với giá USD. Khi giá UST thấp, người chơi sẽ mua và đổi thành LUNA để kiếm lời. Ngược lại, khi giá UST cao, người chơi có thể đổi số LUNA tương đương một USD thành một UST để ăn chênh lệch. Ở chiều ngược lại, LUNA có mối liên hệ mật thiết với UST. Token này có tổng cung một tỷ coin. Nếu mạng lưới vượt quá một tỷ LUNA, Terra sẽ đốt LUNA cho đến khi nguồn cung trở lại mức cân bằng.
Thế nhưng, thuật toán cân bằng nói trên đã biến động mạnh kể từ đầu tháng 5, khi xuất hiện tình trạng de-peg đối với UST. De-peg là thuật ngữ nói về việc một token không còn giữ được tỷ giá đã thiết lập cố định trước đó trên một loại tiền tệ.
Cụ thể, khi UST bị de-peg, người chơi vẫn chuyển đổi UST về LUNA theo đúng thuật toán cân bằng stablecoin để cắt giảm nguồn cung. Nhưng lúc này, lượng chuyển UST tăng đột biến kéo theo đồng LUNA bị hạ giá mạnh. Kết quả là UST không còn duy trì mức một USD, còn LUNA cũng bị sập giá.
Theo các chuyên gia, cách duy nhất để đội ngũ Terra cứu vãn tình thế là chấp nhận hy sinh một trong hai token. Ngày 11/5, trên Twitter, CEO Do Kwon cho biết đã chọn giữ lại UST. Ông đề ra hàng loạt biện pháp gom UST và làm giảm nguồn cung trên thị trường. Một cách là tăng tốc đốt và đúc LUNA/UST lên 1,2 tỷ token/ngày để đổi lấy lượng UST thu vào.
Cuối cùng, số lượng LUNA xuất hiện trên thị trường đã vượt tổng cung một tỷ token ban đầu, khiến giá của nó rơi thẳng đứng. Từ mức trên 80 USD mỗi đồng đầu tháng 5, hiện nó chỉ còn 0,05 USD và tiếp tục giảm mạnh.
Trong khi đó, nỗ lực cứu vãn UST cũng chưa thực sự hiệu quả. Stablecoin này có lúc hạ xuống 0,3 USD, trước khi phục hồi lên 0,6 USD, nhưng chưa thể về mức một USD.
Bảo Lâm