Mất triệu USD tiền số vì chiêu lừa ‘mổ lợn’

Trước khi đánh mất 1,1 triệu USD, người đàn ông tên Cy đã trao đổi với một “cô gái” tổng cộng 271.000 dòng tin nhắn WhatsApp.

Một ngày tháng 10/2021, ứng dụng nhắn tin WhatsApp của Cy xuất hiện tin nhắn từ một người tên Jessica. “Cô gái” này nói tìm thấy số của Cy trong danh bạ và tưởng là đồng nghiệp cũ nên nhắn tin.

Cy, 52 tuổi ở Bay Area (Mỹ), không nhớ có quen ai tên Jessica. Tuy nhiên, sau những tin nhắn làm quen ban đầu, cả hai trở nên thân thiết hơn. Jessica gửi hình ảnh cô đang ăn sushi, sau đó cả hai bàn về món ăn này.

Một người đàn ông đứng cạnh biển quảng cáo Bitcoin ở Canada. Ảnh: Reuters

Một người đàn ông đứng cạnh biển quảng cáo Bitcoin ở Canada. Ảnh: Reuters

Những ngày tiếp theo, câu chuyện xoay quanh cuộc sống hàng ngày dường như giúp cả hai trở nên thân thiết. Cy kể cho cô nghe về gánh nặng tài chính của bản thân và gia đình. Jessica liên tục động viên, đồng thời khoe rằng bản thân kiếm được rất nhiều tiền bằng cách giao dịch trên MetaTrader, một ứng dụng có sẵn trên App Store. Cô nói có một ông chú ở Hong Kong chuyên giao dịch nội gián, đã cho cô nhiều lời khuyên và thu về nhiều tiền thời gian qua.

Một buổi sáng cuối tháng 10, Jessica nhắn tin cho Cy: “Chú tôi đã có thông tin nội bộ mới, có thể kiếm được tiền ngay. Anh không cần tiền vẫn có thể tham gia được”.

Với tâm lý “không mất gì”, Cy nghe theo hướng dẫn và tải MetaTrader. Sau các bước đăng ký, giao diện ứng dụng hiện ra hai nút: “Buy Up” (Mua với dự đoán giá sẽ lên) màu xanh và “Buy Down” (Mua với dự đoán giá sẽ xuống) màu đỏ. Thực chất, việc Cy thực hiện hành động mua bán trên ứng dụng chỉ là từ số tiền cho dùng thử.

Tối hôm sau, Cy tiếp tục được cấp một khoản dùng thử khác. Lần này, số tài khoản ảo đã nhảy từ 5.000 USD lên 28.000 USD sau các chỉ dẫn của Jessica. Cô khen Cy và “động viên” ông nên đầu tư số tiền tối thiểu 10.000 USD để chơi thật.

Cy nói ông chỉ xoay được 5.000 USD và “nhờ” Jessica bỏ thêm 5.000 USD, hứa sẽ trả lại khi kiếm lời. Đề nghị này bị từ chối.

Sau hàng chục dòng tin nhắn, Cy thừa nhận đã có cảm giác sợ bị lừa. Tuy vậy, cuối cùng ông vẫn chi 10.000 USD và đưa lên sàn CoinBase nhưng gặp lỗi. Jessica hướng dẫn ông đổi sang Crypto.com thay thế. 10.000 USD được chuyển thành Tether (USDT) và chuyển qua MetaTrader.

Sau một ngày, tài khoản của Cy tăng gấp đôi lên 20.000 USD. “Tôi khi đó run bần bật vì không tin con số trước mắt”, ông nói. Ông muốn kiếm nhiều tiền hơn nên lần lượt chuyển 20.000 USD, 50.000 USD rồi 70.000 USD… “Tôi đang mơ à, tài khoản của tôi đã vượt hai triệu USD”, Cy nhớ lại. Lúc này, ông đã đầu tư vào ứng dụng tổng cộng 440.000 USD.

Cuối tháng 11/2021, tài khoản MetaTrader của Cy bất ngờ hiển thị số dư từ 2,2 triệu USD còn âm 480.000 USD. “Tôi đã mất hết tiền phải không? Tôi nên làm gì”, Cy nhắn cho Jessica trong lo lắng. Đáp lại, người này khuyên nên vay thêm tiền để gỡ lỗ. Lúc này, Cy liều lĩnh vay thêm của người thân và ngân hàng, tổng cộng hơn 600.000 USD để đổ vào MetaTrader. Tổng đầu tư của ông đã là gần 1,1 triệu USD.

Đầu tháng 12/2021, số dư MetaTrader của ông tiếp tục hiển thị âm. Cy nhắn tin cho Jessica nhưng được đáp lại: “Tôi chả giúp gì được anh đâu”. Quẫn trí, ông có ý định tự tử. Cho đến tháng 6, ông liên tục nhắn tin cho Jessica từ năn nỉ đến dọa nạt, nhưng đáp lại là sự im lặng.

Sau chuỗi ngày vô vọng, Cy quyết định tập hợp thông tin để báo cảnh sát. Theo hồ sơ, cả hai đã nhắn tin với nhau tổng cộng 271.000 dòng tin nhắn, được in ra 480 trang giấy A4.

Cy là một trong rất nhiều nạn nhân trong chiêu lừa “mổ lợn” (Pig Butchering) phổ biến trong giới tiền số thời gian gần đây. Tương tự trò “lừa đảo lãng mạn”, kẻ gian cố gắng làm quen “con mồi” qua các ứng dụng mã hóa như WhatsApp hoặc Telegram, sau đó dành hàng tháng, thậm chí cả năm trời để xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân nhằm mục đích “vỗ béo”, dụ dỗ họ đầu tư vào các ứng dụng tiền số.

Mục tiêu cuối cùng của những kẻ này là khiến nạn nhân đầu tư tiền điện tử, thông qua phiên bản giả mạo của một website hoặc ứng dụng hợp pháp. Khi đạt đến số tiền nhất định, kẻ đó sẽ “làm thịt” con mồi và một đi không trở lại.

Thực tế, MetaTrader là ứng dụng hợp pháp, được nhiều người sử dụng và hiện được chấm 4,7 sao trên App Store. Dù vậy, theo Tổ chức chống lừa đảo toàn cầu (Global Anti Scam Organization – GASO), MetaTrader cho phép nhà phát triển tích hợp các plug-in cho các tính năng mở rộng có tên Virtual Dealer. Đây được cho là tính năng giúp kẻ lừa đảo sử dụng để thao túng giá thị trường và mô phỏng số dư tài khoản, lãi hoặc lỗ. “Mọi thứ trông và cảm thấy như thật, nhưng tất cả chỉ là giả”, Jan Santiago, đại diện GASO, cho biết.

Cy không phải là nạn nhân duy nhất. Trước đó, một người Philippines 30 tuổi tên Santiago sống tại Los Angeles, đã mất hơn 100.000 USD vì chiêu lừa này. Một người đàn ông Mỹ khác có biệt danh R thậm chí mất 1,5 triệu USD do bị lừa đảo “mổ lợn”.

Giữa năm nay, FBI cho biết đã nhận được hơn 4.300 đơn khiếu nại liên quan đến lừa đảo tiền số qua các ứng dụng tin nhắn trong năm 2021 với tổng thiệt hại hơn 5 tỷ USD, cao hơn mức 429 đơn của năm 2019. FBI cũng cho biết trò lừa này xuất phát từ Trung Quốc, nhưng phổ biến ở Mỹ hơn. Đến nay, rất ít thủ phạm bị bắt hoặc các khoản tiền được thu hồi lại.

Theo các chuyên gia, người dùng không nên nghe theo “lời khuyên” từ người lạ, nhất là các giao dịch liên quan đến tiền. Khi gặp các trường hợp này, tốt nhất nên chặn hoàn toàn số hoặc tài khoản liên lạc.

Đối với Cy, ông hiện cố gắng đi làm để sửa chữa lỗi lầm thay vì tìm cách tự tử. Ông cũng thành lập GoFundMe với hy vọng mọi người có thể ủng hộ ông một phần tiền bù vào số thiệt hại. “Tôi cố gắng chôn chặt cảm xúc. Tôi đang chiến đấu với con ác quỷ trong mình mỗi ngày. Những ngày qua với tôi là ác mộng”, Cy nói.

Bảo Lâm (theo Forbes)

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin