Một người 50 tuổi, giàu kinh nghiệm cũng có thế gặp phải những biến cố bất ngờ trong công việc. Chỉ người luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch cho cả tâm lý và sự nghiệp mới có thể vững vàng trước mọi khó khăn.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cú sốc mà tôi đã trải qua trong cuộc Đại suy thoái 2007-2009, tôi đã bị sa thải đột ngột. Khi đó, tôi đang ở độ tuổi ngoài 50, mất việc, thu nhập của tôi giảm xuống con số 0… Tuy nhiên, tôi đã học được rất nhiều bài học từ trải nghiệm ấy và đến nay, 5 điều mà tôi sắp chia sẻ có thể giúp bạn trải qua quãng thời gian khó khăn.
1. Lập kế hoạch về việc bạn sẽ bị thất nghiệp bất cứ lúc nào, điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn trên 50 tuổi
Trước đây, khi tôi còn trẻ, tôi chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Tôi có nhiều mối quan hệ trong cuộc sống cũng như sở hữu các bằng cấp xuất sắc như MBA Harvard, làm việc tại World Bank… Tôi đã quen với việc ứng phó trước mọi khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều mà tôi chưa tính đến lúc bấy giờ, chính là tuổi tác trở thành điều cản trở việc tìm kiếm việc làm của mình. Chính vì vậy, cái giá tôi đã phải trả là tôi đã mất hơn 2 năm sau đó để tìm được công việc tương xứng với công việc mà tôi đã bị sa thải năm 2009.
Một nghiên cứu năm 2018 của Viện nghiên cứu đô thị và Cơ quan báo chí phi lợi nhuận Propublica cho biết: “Hơn một nửa số người lao động trên 50 tuổi, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng buộc thôi việc hoặc buộc phải từ chức”.
Trong số những người lao động trên 50 tuổi bị mất việc làm, chỉ có 10% số người tìm được việc làm tiếp theo với mức lương phù hợp và tương xứng so với trước đây”. Thậm chí, trên thế giới hiện tại có rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với dịch COVID-19.
Điều này cũng có nghĩa là nhiều người lớn tuổi sẽ bị thất nghiệp và không có việc làm. Hoặc cho dù khi chúng ta kiểm soát được Đại dịch thì hầu hết các nhà tuyển dụng cũng sẽ không phải ngay lập tức thuê lại 100% nhân viên mà họ đã từng cho nghỉ việc. Chính vì vậy, bạn hãy lên kế hoạch cho bản thân trước những hoàn cảnh xấu nhất rằng bạn có thể phải đối mặt với thất nghiệp bất kỳ lúc nào.
2. Giảm chi tiêu cá nhân
Tôi đã từng tin rằng với trình độ học vấn, các mối quan hệ cũng như kinh nghiệm có được của mình, tôi sẽ dễ dàng và nhanh chóng tìm được việc làm mà thôi. Chính vì sự chủ quan ấy mà tôi vẫn duy trì mức sống cũ của mình quá lâu dẫn đến việc tôi đã tiêu hết khoản tiền tiết kiệm.
Tôi khuyên bạn nên cắt giảm và xem xét thật kỹ lưỡng các chi phí không cần thiết như chuyển sang mua các gói dịch vụ điện thoại rẻ hơn, tạm dừng đăng ký là thành viên phòng thể hình,… Nếu bạn không biết làm thế nào có thể cắt giảm chi phí hàng tháng của bạn, tôi khuyến khích bạn nên đọc và tham khảo thật nhiều để có phương án hợp lý cho mình.
3. Suy nghĩ chiến lược để tiến lên, chứ không phải gục ngã trước thất bại
Tôi biết rằng có nhiều người bị mất việc sẵn sàng nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, cũng không ít người e ngại khi phải sử dụng đến phương án này bởi nó khiến họ có cảm giác thất bại… Lần đầu tiên khi đi làm thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp, tôi đã luôn tránh người thân và che giấu sự xấu hổ. Tuy nhiên, hãy vượt qua lòng tự tôn và sự xấu hổ này của bạn vì bạn đang trong hoàn cảnh khó khăn và mục tiêu bấy giờ của bạn là sống sót, nhờ số tiền trợ cấp này để hỗ trợ bạn làm điều bạn muốn và tận dụng nó trở thành chiến lược giúp bạn phát triển sau này.
Vì vậy, hãy lên chiến lược lâu dài để vượt qua khủng hoảng này, đừng để suy nghĩ thất bại và xấu hổ kìm chân bạn.
4. Tìm những người ủng hộ bạn
Khi thất nghiệp vào năm 2009, tôi đã có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với những người khó khăn như tôi. Họ chính là ‘Vòng tròn hồi phục’ của tôi. Chúng tôi đã ở bên cạnh nhau, giúp đỡ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để không còn cảm thấy cô đơn, căng thẳng trong những ngày thất nghiệp.
Để tạo ra một ‘Vòng tròn phục hồi’ của riêng bạn, bạn sẽ chỉ cần từ 3-8 người có chung hoàn cảnh và chia sẻ những câu chuyện, bí quyết cuộc sống để cùng nhau rút kinh nghiệm cũng như trở thành hỗ trợ lẫn nhau. Nếu như bạn không biết có ai gặp phải trường hợp khó khăn như bạn bấy giờ, hãy đăng tải thông điệp, mối quan tâm của bạn trên mạng xã hội… để tìm cho mình những người bạn muốn tham gia và đồng hành.
5. Hãy rời bỏ “chiếc ghế vàng” của bạn
Có rất nhiều vấn đề trong cuộc sống như cuộc Đại suy thoái hay là Đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi nền kinh tế cũng như việc thời gian thất nghiệp của bạn có thể bị kéo dài. Lời khuyên của tôi ngay lúc này là: “Hãy rời bỏ chiếc ghế vàng của bạn”.
Tôi nhớ, tôi từng được cử đi nước ngoài làm việc rất nhiều, được ngồi trên ghế hạng nhất, hạng thương gia. Tuy nhiên, lần cuối cùng tôi đến thành phố New York là trên một chiếc xe buýt. Hay trong những năm gần đây, tôi đã chấp nhận mức lương bằng 1/4 số lương mà tôi đã từng nhận được ở công việc cũ và cố gắng tự tay hoàn thành các hợp đồng nhỏ mà tôi đã từng giao cho các thực tập sinh của tôi trước đây.
Tất cả những điều mà tôi làm và khuyên các bạn chính là hãy giảm kỳ vọng về mức lương mà bạn mong đợi trong hoàn cảnh khó khăn. Vì bạn phải hiểu rằng, không phải lợi ích nào cũng mang lại cho bạn giá trị về tiền mặt, mà chúng ta còn cần phải xem xét và cân đo cả những lợi ích không thể tính bằng đô-la.
Dù tôi chỉ có 1/4 mức lương so với quá khứ nhưng đổi lại, tôi lại có thể đi du lịch vòng quanh đất nước để nói về những điều mà tôi đang làm – đó là một cơ hội không tưởng với tôi. Thậm chí, hiện tại, tôi cũng có suy nghĩ về việc tạo ra những nguồn thu nhập khác nhau cho cá nhân mình từ những điều mình thích. Và cho dù nhiều người nói với tôi rằng, những nguồn thu nhập ấy chỉ là vụn vặt, công việc tự do, bán thời gian, nhưng đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều người đang hướng tới cũng như tìm được niềm vui từ những điều nhỏ bé.
Nếu bạn là một trong số rất nhiều người đang chưa thể tìm được việc làm ngay lúc này, hay biết rằng, bạn không đơn độc trước một chặng đường dài. Và mọi chuyện không phải lỗi của bạn.
*Chia sẻ của Elizabeth White – tác giả chuyên viết về những vấn đề cuộc sống của người ở tuổi trung niên tại Forbes.