Lượng tiêu thụ máy lọc không khí ở các cửa hàng, siêu thị điện máy tăng gấp nhiều lần do người tiêu dùng lo ngại môi trường bị ô nhiễm.
TP HCM và Hà Nội vài tuần gần đây ô nhiễm không khí ở mức cao, bụi mịn PM2.5 thường xuyên vượt ngưỡng an toàn 3-10 lần khiến người dân lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều người đã tìm mua các sản phẩm chống bụi để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình. Mặt hàng được truyền tai nhiều nhất vào thời điểm này là các loại máy lọc không khí trong nhà.
Ông Trang Thanh Thiện – chuyên kinh doanh các thiết bị lọc nước, lọc không khí, quạt làm mát ở quận 5, TP HCM – cho biết máy lọc không khí trước đây tiêu thụ rất chậm, thậm chí cả tháng trời chưa bán được cái nào. Song, từ khi có thông tin không khí ô nhiễm, nhiều khách hàng tìm đến hỏi mua, có ngày ông bán được cả chục cái.
Các siêu thị điện máy tăng cường trưng bày các loại máy lọc không khí nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng
Khách hàng còn đua nhau đến các siêu thị, trung tâm điện máy Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Điện Máy Xanh… để tìm hiểu và mua sản phẩm máy lọc không khí. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, hầu hết các cửa hàng và siêu thị điện máy đều bày máy lọc không khí ngay cửa ra vào kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi, như trả góp 0%, tặng quà, giảm giá… Nhân viên những siêu thị này đều cho biết lượng người mua tăng gấp nhiều lần so với trước. Nhiều người sẵn lòng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua máy được giới thiệu có tính năng lọc bụi tốt nhất.
Theo ghi nhận của phóng viên, máy lọc không khí trên thị trường hiện có khá nhiều thương hiệu như Sharp, Panasonic, Daikin, Hitachi, Xiaomi, Coway…, giá từ 1 triệu cho đến 6 triệu đồng, thậm chí có nhiều loại cao cấp từ 10-25 triệu đồng. Hầu hết đều là hàng nhập khẩu chính hãng.
Trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử còn rao bán nhiều loại “máy lọc không khí thông minh” đến từ một nhà sản xuất của Trung Quốc với giá rẻ chỉ vài triệu đồng nhưng được trang bị nhiều tính năng hiện đại như cảm biến nhiệt độ, độ ẩm; cảm biến laser, ánh sáng; lõi lọc 3 lớp, công suất lớn, màn hình hiển thị chất lượng không khí, kết nối WiFi, điều khiển bằng điện thoại… Ngoài ra, người tiêu dùng còn tìm mua các loại máy lọc đã qua sử dụng nhập từ Nhật, còn gọi là “hàng bãi”, có giá vài triệu đồng.
Nhân viên tư vấn ở một siêu thị điện máy cho biết những loại máy ít tiền chỉ có những tính năng cơ bản như lọc bụi, phấn hoa, lông thú… – thường chỉ dùng cho những căn phòng nhỏ, chất lượng lọc cũng vừa phải. Còn máy đắt tiền có thêm nhiều tính năng như kiểm soát chất lượng không khí, khử mùi, hút ẩm, bù ẩm, diệt khuẩn, nấm mốc… và được làm từ linh kiện có độ bền cao. Ngoài ra, những loại máy đời mới còn được giới thiệu thêm một số tính năng như hút mạnh, độ ồn thấp, sử dụng phin lọc tĩnh điện; công nghệ lọc bằng ion, plasma, HEPA; cảm biến phát hiện bụi, điều khiển bằng điện thoại… Có loại máy còn tích hợp chức năng diệt muỗi nhờ vào đèn UV.
Theo giới chuyên môn, đa số thiết bị lọc không khí sau một thời gian sử dụng, màng lọc sẽ giảm đi tính năng và không còn tác dụng nên cần phải thường xuyên vệ sinh các màng lọc, nếu không sẽ dẫn đến bụi bám tạo thành nơi tích tụ virus, vi khuẩn và trở thành tác nhân gây ô nhiễm không khí trong phòng. Mỗi màng lọc sử dụng công nghệ khác nhau và có thế mạnh riêng nên không thể so sánh công nghệ nào tốt hơn. Về chức năng hút ẩm và cân bằng độ ẩm cũng chưa được kiểm chứng, kể cả tính năng làm ẩm da và tóc cũng chỉ là kiểu quảng cáo quá đà. Người tiêu dùng đôi khi phải bỏ ra nhiều tiền cho các tính năng này nhưng rất ít khi sử dụng tới.
TS Nguyễn Nhật Huy, Trưởng Phòng Thí nghiệm phân tích môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên – Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết các thiết bị lọc không khí hầu hết đều là hàng nhập khẩu, do đó điều kiện thực tế, môi trường, mức độ ô nhiễm khác nhau tại các nước sản xuất nên khi sử dụng ở Việt Nam có thể không phù hợp. Ngoài ra, chuyên gia này khuyên người dùng cũng không nên tin tưởng tuyệt đối vào những lời quảng cáo bởi chưa có kiểm chứng nào cho thấy máy lọc không khí có thể lọc được các loại bụi mịn và siêu mịn. Do đó, để biết được hiệu quả chính xác cần phải được kiểm chứng thực tế tại điều kiện trong nước với thiết bị đo kiểm chuyên dụng.