Ngày 27/10, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố biểu lãi suất huy động mới và tăng 1-1,2%/năm.
Theo đó, đối với kỳ hạn 2-6 tháng, lãi suất tăng lên mức kịch trần cho phép là 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng – 8 tháng tăng 1% lên 7,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9-11 tháng tăng lên 7,7%/năm.
Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 60 tháng có lãi suất lần lượt là 8%, 8,3%, 8,4% và 8,6%/năm, tăng khoảng 1,2% so với biểu lãi suất cũ.
Các khách hàng cá nhân tại chi nhánh thuộc Miền Trung và Miền Nam được áp dụng mức lãi suất cao hơn khoảng 0,1%. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất ở khu vực này lên tới 8,7%/năm, dành cho kỳ hạn 60 tháng.
Đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn, MB cũng đã tăng lãi suất lên 0,5%/năm, cao hơn trước 0,3%/năm. Đồng thời, nâng lãi suất kỳ hạn 1 tuần – 3 tuần lên mức tối đa 1%/năm, cao hơn trước 0,5%/năm.
Như vậy, hiện lãi suất MB đã thuộc nhóm cao nhất trong các ngân hàng lớn. Tại VPBank, hiện nay lãi suất cao nhất cũng là 8,7%/năm, tuy nhiên áp dụng cho khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn từ 18 tháng.
Techcombank có lãi suất cao nhất 8%/năm, dành cho khách hàng VIP mở mới sổ tiết kiệm từ 3 tỷ đồng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Sacombank cũng niêm yết lãi suất cao nhất 8%/năm, dành cho khách hàng gửi từ 24 tháng theo hình thức trực tuyến.
3 “ông lớn” VietinBank, BIDV, Agribank cũng vừa nâng mạnh lãi suất lên cao nhất 7,4%/năm. Khách hàng gửi theo hình thức trực tuyến có thể được cộng thêm lãi suất lên xấp xỉ 8%/năm.
Trong hơn 1 tháng trở lại đây, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi, thậm chí có nhà băng cứ cách 1 tuần lại thay đổi một lần. Bảng xếp hạng lãi suất huy động theo đó mà có sự xáo trộn liên tục. Ngân hàng có lãi suất thuộc nhóm cao nhất có thể nhanh chóng tụt xuống thấp nhất chỉ sau vài ngày.