Mô hình CCP: Lời giải cuối cho giao dịch non-prefunding
Một chủ thể đứng giữa đóng vai trò người mua của mọi bên bán và người bán của mọi bên mua sẽ là lời giải hoàn chỉnh cho bài toán giao dịch không cần ký quỹ 100% (non-prefunding).
Vì sao CCP có thể giải quyết vấn đề non-prefunding?
Nâng hạng thị trường luôn là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Tiến trình nâng hạng từ cận biên lên mới nổi vẫn đang gặp một số rào cản, chủ yếu là các vấn đề về khả năng tiếp cận của nhà đầu tư ngoại tới thị trường Việt Nam. Trong đó có nút thắt ký quỹ trước giao dịch (prefunding).
Để tháo gỡ rào cản này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024, sửa đổi một số quy định, cho phép nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được đặt lệnh mua cổ phiếu khi chưa có đủ tiền trên tài khoản (non-prefunding).
Gỡ nút thắt qua Thông tư 68 là một giải pháp linh hoạt và rất kịp thời, nhưng để hướng tới một nấc phát triển cao hơn trong dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chờ đợi một giải pháp toàn diện – Cơ chế bù trừ trung tâm (CCP).
CCP là mô hình thanh toán, bù trừ trong đó một đơn vị đóng vai trò là nơi bù trừ thanh toán trung tâm cho thị trường chứng khoán (TTCK), thông qua cơ chế thế vị, trở thành chủ thể đứng giữa các bên giao dịch – người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán.
Cơ chế thế vị kết hợp với chức năng bảo lãnh thanh toán (đứng ra chịu rủi ro đối tác) đã tạo nên sự khác biệt lớn cho mô hình CCP trong hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán. Cơ chế này cho phép CCP biến mối quan hệ đa phương giữa các đối tác thành mối quan hệ song phương giữa CCP và mỗi đối tác.
Theo đó, CCP sẽ giúp giảm thiểu đáng kể số lượng và quy mô các giao dịch cần phải thanh toán cũng như chi phí liên quan thông qua chức năng bù trừ đa phương để tính toán nghĩa vụ thanh toán ròng.
Minh họa về mô hình CCP
|
Với cơ chế này, CCP đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán.
Theo quy định pháp lý hiện tại, nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh mua chứng khoán khi có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán. Đây là yếu tố làm gia tăng chi phí giao dịch chứng khoán (chi phí chuyển đổi ngoại tệ, chi phí cơ hội phát sinh trong trường hợp lệnh đặt không thành công) và việc nhà đầu tư phải có tiền trên tài khoản trước ngày thanh toán là chưa phù hợp với nguyên tắc DvP.
Thông qua cơ chế ký quỹ khi triển khai mô hình CCP cho phép thành viên bù trừ được quyết định mức ký quỹ đối với nhà đầu tư, căn cứ vào kết quả đánh giá tín nhiệm, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề pre-funding, giúp nâng hạng và gia tăng thanh khoản cho thị trường.
Hoàn thiện khung pháp lý cho CCP
Về mặt pháp lý, hiện nay, cơ chế CCP đã được quy định và cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán như Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Thông tư 119/2020/TT-BTC và một số văn bản liên quan khác; đồng thời những nội dung hướng dẫn mang tính kỹ thuật cũng đang được Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) hoàn thiện song song với quá trình triển khai hệ thống KRX.
Tuy nhiên, về phía pháp luật ngân hàng lại chưa có quy định cụ thể về việc cho phép ngân hàng lưu ký làm thành viên bù trừ TTCK cơ sở mà mới chỉ hướng dẫn ngân hàng lưu ký được phép thực hiện các hoạt động bù trừ và thanh toán cho các giao dịch phái sinh của chính mình.
Bên cạnh đó, khi ngân hàng lưu ký làm thành viên bù trừ chứng khoán cơ sở sẽ phải thực hiện vay chứng khoán, mua vào bắt buộc để sửa lỗi giao dịch chứng khoán và có trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư, trong khi không quy định bắt buộc có đủ tài sản ký quỹ trước khi giao dịch. Việc Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể khiến các ngân hàng thương mại không thể tham gia làm thành viên bù trừ để thực hiện các nghiệp vụ này.
Bộ Tài chính đang lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; trong đó, điều chỉnh một số vấn đề liên quan tới triển khai cơ chế CCP nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế CCP trên toàn TTCK.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Chứng khoán theo hướng làm rõ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được làm thành viên bù trừ cả trên thị trường phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở. Đồng thời, xác định nghĩa vụ thanh toán tiền và chứng khoán được thực hiện thông qua Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) hoặc công ty con của VSDC.
Yêu cầu đưa CCP vào hoạt động
Thực thi Luật Chứng khoán và chỉ đạo của cơ quan quản lý, từ năm 2019, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã nghiên cứu xây dựng mô hình CCP cho hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán cơ sở gắn với chức năng của hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường (KRX) và phù hợp với đặc thù pháp lý của Việt Nam.
Theo quy định tại Nghị định 155/2020 của Chính phủ, tới 1/1/2024, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại TTCK Việt Nam phải thực hiện theo cơ chế CCP.
Đầu năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến đóng góp về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Trong đó, dự thảo đề nghị sửa đổi khoản 13 điều 310 nhằm nâng thời hạn tối đa bắt buộc triển khai thực hiện hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) từ 3 năm lên thành 5 năm, tăng thêm 2 năm. Như vậy, cơ chế CCP được gia hạn tới năm 2026. Nói về tiến độ của CCP, VSDC cho biết đã hoàn tất và sẵn sàng triển khai CCP khi hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) của thị trường đi vào hoạt động.
Chí Kiên
FILI