Trong lúc khó khăn về đơn hàng, đầu ra cho sản phẩm, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mở lối bằng việc liên kết sản xuất, khai thác các thị trường ngách cả trong lẫn ngoài nước.
Khai phá thị trường ngách
Ngay từ ngày khởi nghiệp (2019), Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA) đã xác định khai thác thị trường ngách nhằm khai mở lối đi cho các sản phẩm từ tài nguyên bản địa là cây dừa nước ở huyện Cần Giờ (TPHCM). Hai dòng sản phẩm chính của VIETNIPA là mật dừa nước và đường dừa nước đã được chứng nhận OCOP 4 sao của TPHCM. Đây là lợi thế để DN khai thác ngách thị trường, nhất là khi sản phẩm đường dừa nước được kiểm nghiệm kết quả phù hợp với người tiểu đường, người ăn kiêng.
VIETNIPA còn liên kết với nhiều đối tác như với công ty Vinamit để sản xuất các sản phẩm đặc trưng như dừa nước đông khô, với công ty Lolifood và Tâm Minh food sản xuất hạt ngũ cốc, ứng dụng trong gia vị như hạt nêm, tương ớt, cà phê… DN này còn đầu tư mở các cửa hàng “Bến dừa nước” bán các sản phẩm uống liền mang đi đem lại trải nghiệm mới cho thực khách. Giám đốc VIETNIPA Phan Minh Tiến cho biết: “Thị trường ngách có nhiều tiềm năng, lợi thế cho DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp. Trong đó, điều kiện tiên quyết để làm chủ thị trường ngách chính là đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn về sinh thực phẩm”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA), khai thác được thị trường ngách đòi hỏi DN phải có năng lực cạnh tranh tốt và có chiến lược phù hợp. Trong năm nay, những thị trường truyền thống xuất khẩu vẫn còn yếu. Do đó, doanh nghiệp cần mở rộng thêm ở các thị trường khác như thị trường ngách ở khu vực Nam Mỹ, Trung Đông hay thị trường đông dân Ấn Độ để bù đắp. Đây là những mảnh đất mới mà DN xuất khẩu Việt Nam cần tập trung khai phá.
Thành công từ thị trường ngách, đến nay VIETNIPA đã có hệ thống phân phối với hơn 400 điểm trên toàn quốc, tự tin có thể cạnh tranh các sản phẩm tương tự trên thị trường quốc tế. DN này cũng đang xúc tiến đưa sản phẩm sang Mỹ, châu Âu.
Từng là đại gia trong ngành thực phẩm tươi sống và sản phẩm “phủ sóng” hầu hết thị trường nhưng trước những khó khăn về đầu ra, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cũng chuyển hướng vào thị trường ngách. Đó là đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, kinh doanh thịt mát trong khay vỉ. Đồng thời mở rộng kênh thực phẩm chế biến đưa vào các cửa hàng tiện lợi và hướng đến khách hàng trẻ. Mới đây, VISSAN đã “bắt tay”với Công ty CP Du lịch Phú Thọ (cơ quan chủ quản công viên Đầm Sen) đưa thực phẩm an toàn, chất lượng vào hệ sinh thái của DN này. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty VISSAN cho biết: “VISSAN có 300 sản phẩm chế biến, đang cung cấp cho TPHCM lượng lớn thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt bò. Với thế mạnh đó, công ty tự tin đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Công ty Du lịch Phú Thọ. Sự hợp tác này có lợi cho đôi bên khi du khách được thưởng thức thực phẩm đảm bảo, an toàn; công ty thực phẩm cũng có thêm kênh phân phối hàng hóa”.
Đánh giá tiềm năng hợp tác, ông Hoàng Văn Bá, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Phú Thọ cho biết, đã liên kết với nhiều DN trong nước trong nhiều lĩnh vực. “Đây là bước đi giúp hai đơn vị nâng tầm thương hiệu, uy tín khi gắn kết với nhau. Chúng tôi có nhiều đơn vị thành viên, sự hợp tác này sẽ giúp cả 2 phía cùng nhau đi xa và phát triển bền vững hơn” – ông Bá nói.
Hoạt động trong lĩnh vực chế biến, sản xuất và kinh doanh bún, phở khô, Công ty Thực phẩm Khánh Hà (quận Gò Vấp) đặt mục tiêu đẩy mạnh vào thị trường xuất khẩu trong năm 2024 với mục tiêu 4.000 – 5.000 tấn sản phẩm/năm. Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Công ty nói rằng, sẽ không hướng tới những thị trường trung cấp mà tập trung vào thị trường cao cấp tại Mỹ và châu Âu. Trong đó phải tạo ra sự khác biệt để chinh phục thị trường. “Châu Âu luôn đặt cao tiêu chí phát triển bền vững, vì vậy DN phải xây dựng vùng nguyên liệu, vùng trồng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, cùng với đó là phải đảm bảo nhà máy chế biến đạt chất lượng, sản xuất xanh. Bên cạnh đó, Công ty tập trung vào sản phẩm chế biến có sự khác biệt như bún, phở khô làm từ các loại đậu, ngũ cốc, thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót hay ống hút bằng gạo…” – bà Hà cho biết.
Hơn 15 năm có mặt trên thị trường, Công ty CP Mekong Herbals (huyện Củ Chi) chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái cây, rau củ quả hữu cơ và thảo dược theo mô hình khép kín, đạt tiêu chuẩn quốc tế được nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, New Zeland, Hà Lan, Đức… ưa chuộng. Vài năm trở lại đây, Mekong Herbals bắt đầu chuyển hướng sang thị trường các nước Hồi giáo (Halal) để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới. “Thế giới có khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo, tạo ra một thị trường rộng lớn cho các DN tiếp cận và phân phối các sản phẩm. Hiện khoảng 40 – 45% sản phẩm của Mekong Herbals được xuất vào thị trường Halal, chủ yếu là trái cây cấp đông, trái cây sấy và bột rau củ quả. Trong bối cảnh nhiều thị trường khác đang gặp khó khăn, nhưng số lượng xuất khẩu của công ty vào thị trường Halal hiện vẫn duy trì ổn định nhờ bảo đảm chất lượng” – Giám đốc Kinh doanh của Mekong Herbals Lê Thị Phượng chia sẻ.
Chìa khóa giúp DN ổn định
Thực tế hiện nay, nhiều DN ngành thực phẩm, dệt may, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ… đã bắt đầu khai thác những thị trường ngách như Ấn Độ, Trung Đông, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Trung Quốc. Từ đầu năm 2024, một số DN ngành gỗ và nội thất đã và đang xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, trong đó có Ả Rập Saudi và Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành (Đồng Nai) nhìn nhận, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thị trường ngách là chìa khóa giúp DN giữ được sự ổn định. “Dubai đang phát triển rất mạnh về xây dựng nhà ở, nếu khai thác tốt, đây có thể trở thành thị trường chính cho ngành gỗ Việt Nam” – ông Phương dẫn chứng.
Chuyên gia thị trường Trần Anh Tuấn cho rằng, mỗi sản phẩm hay thương hiệu muốn có thị trường ngách cho riêng mình chỉ cần tạo một khác biệt nổi trội. Tuy nhiên khác biệt này phải được khách hàng chấp nhận, nghĩa là phải phù hợp với nhu cầu tiềm ẩn của khách hàng mục tiêu. “Đứng trước nhiều khó khăn, để hái “quả ngọt”, đòi hỏi các DN cần chủ động linh hoạt hơn trong việc đầu tư những sản phẩm ngách, thị trường ngách. Mặt khác, thời gian tới rất cần gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa DN tiến sâu vào những thị trường ngách, tạo sân chơi cho các DN” – ông Tuấn lưu ý.